Theo đoạn video được mạng xã hội Nga công bố, các mảnh vỡ bao gồm cánh và đuôi đặc trưng của GBU-39/B, vốn đóng vai trò là đầu đạn cho các loại đạn GLSDB dẫn đường bằng GPS.
Hiện, giới chức Ukraine vẫn chưa bình luận về các thông tin trên.
Mảnh vỡ được cho là một phần của bom GLSDB.
Trước đó, vào ngày 30/1, Reuters dẫn lời quan chức Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc đã thử nghiệm thành công một loại bom chính xác tầm xa mới dành cho Ukraine, dự kiến sẽ có mặt trên chiến trường sớm nhất vào 1/2.
Ấn phẩm lưu ý, đây là lô bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) đầu tiên mà Mỹ cung cấp cho Ukraine, đồng thời cũng là loại bom tầm xa mới mà ngay cả quân đội Mỹ còn chưa sở hữu.
Theo báo cáo, loại bom mới này được Boeing và công ty Saab của Thụy Điển hợp tác sản xuất. GLSDB bao gồm bom dẫn đường chính xác nặng 113 kg, gắn trên một động cơ rocket, có khả năng phóng từ nhiều hệ thống mặt đất khác nhau.
Quan chức Mỹ nhận định, quả bom mới có tầm hoạt động lên đến 150 km, dự kiến sẽ mang lại khả năng tác chiến đáng kể đối với Ukraine.
GLSDB gồm 2 thành phần chính, trong đó, đóng vai trò đầu đạn là loại bom đường kính nhỏ GBU-39 sử dụng động cơ tên lửa M26 để phóng từ trên bộ, cho phép tấn công mục tiêu từ khoảng cách 150-160 km với độ chính xác cao.
GLSDB được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính (INS) và hệ thống định vị toàn cầu (GPS); kết hợp với đầu đạn đa năng, xuyên phá phân mảnh và ngòi nổ điện tử có thể lập trình. Với hệ thống dẫn đường này, bom có thể được hoạt động cả ngày lẫn đêm và trong mọi điều kiện thời tiết.
Theo Defense Blog