Đây là sự việc đáng tiếc, hy hữu xảy ra đối với Quân đội ta, nhưng với quyết tâm nhìn thẳng vào sự thật, không bao che, nương nhẹ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo kiên quyết, kịp thời các cơ quan chức năng, cơ quan pháp luật quân đội xử lý theo tinh thần nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không có vùng cấm để làm trong sạch đội ngũ, giữ gìn danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam; để quân đội luôn xứng đáng là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân, khẳng định trách nhiệm chính trị cao của quân đội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Bài học đắt giá và sự cảnh tỉnh
Trước hết, phải khẳng định, duy trì nghiêm túc kỷ luật của Đảng, của quân đội, pháp luật của Nhà nước trong toàn quân luôn là một nét đặc trưng nổi bật, một truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Truyền thống ấy được hun đúc từ tinh thần "quân pháp bất vị thân", từ kỷ luật Quân đội ta mang tính chất nghiêm minh và tự giác; có công thì thưởng, có tội thì phạt; sẵn sàng thanh lọc những cá nhân tha hóa, vi phạm pháp luật, bảo đảm sức mạnh tổng hợp của quân đội.
Đó là đòi hỏi tất yếu của một quân đội mang bản chất giai cấp công nhân, như V.I.Lênin từng nói: "Nếu suy nghĩ đến cùng, do nguyên nhân sâu xa mà có được cái kỳ tích lịch sử là một nước suy yếu, bị kiệt quệ và lạc hậu lại chiến thắng được những nước hùng cường nhất thế giới, thì chúng ta thấy nguyên nhân đó là chế độ tập trung, kỷ luật và tinh thần hy sinh chưa từng có".
Bác Hồ, người dày công xây dựng, rèn luyện Quân đội ta từ những ngày đầu luôn chăm lo sao cho quân đội ngày càng hùng mạnh; không chỉ giỏi đánh giặc ngoại xâm mà còn phải biết đấu tranh với chính những thói hư, tật xấu của chính mình để thêm vững mạnh.
Thời chiến, Bác chỉ rõ: "Bộ đội không có kỷ luật, đánh giặc nhất định thua"; "Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm. Vì vậy, kỷ luật phải nghiêm minh".
Thời bình, Bác nhắc nhở: "Phải khiêm tốn, nghiêm chỉnh. Phải giữ gìn tính chất trong sạch, chất phác của người chiến sĩ cách mạng… Giấu khuyết điểm thì khuyết điểm ngày càng nhiều… Mình phải tự đấu tranh với mình".
Trên đường cùng bộ đội về tiếp quản Thủ đô năm xưa, Bác đã căn dặn, cảnh báo nguy cơ cán bộ, chiến sĩ bị "ngã mà không biết" bởi những viên đạn bọc đường:
"Phở ngon rồi đồng hồ, bút máy, xe đạp... nếu không giữ được thói quen tiết kiệm thì sẽ tham ăn ngon, tham mua thứ xa hoa. Lương không đủ thì lấy ở đâu? Lúc đó chỉ có hai cách. Một là ăn cắp của Chính phủ, hai là bị tiền mua chuộc...".
Thực hiện những lời dạy của Bác Hồ, trải qua 74 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội ta thực sự là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng; là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta đã đoàn kết, đồng lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, lập những thành tích, chiến công hiển hách, xây đắp nên truyền thống vẻ vang, như lời Bác dạy:
"Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".
Trong giai đoạn đổi mới đất nước, bản chất tốt đẹp và truyền thống Bộ đội Cụ Hồ được tôi luyện qua các cuộc kháng chiến và chiến tranh vệ quốc tiếp tục tỏa sáng... đúng như lời khen ngợi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây: Quân đội dù trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào, cũng luôn một lòng một dạ trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân, nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, xứng đáng với lòng yêu mến, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thật đáng chê trách, đáng lên án và phê phán khi giữa lúc toàn quân luôn đồng cam cộng khổ, chung sức chung lòng thực hiện nhiệm vụ, biết bao cán bộ, chiến sĩ miệt mài ngày đêm phấn đấu, thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội, chịu đựng gian khổ hy sinh để chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện và công tác; nhiều cán bộ, chiến sĩ chấp nhận thiệt thòi, thiếu thốn nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, xả thân cứu dân trong hoạn nạn… thì lại có cán bộ, sĩ quan vi phạm pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để trục lợi, gây ra hậu quả nghiêm trọng làm bức xúc dư luận.
Những vi phạm trên đây dù chỉ là cá biệt, "con sâu làm rầu nồi canh" nhưng đã bị các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, thổi phồng, bôi nhọ. Song, âm mưu và hành động đó không đánh lừa được dư luận, không làm suy giảm niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với quân đội.
Bởi Quân đội ta luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, nguyện phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.
Tuy vậy, những vi phạm của một số cá nhân trên cũng khiến chúng ta trăn trở, bất bình, cho chúng ta những bài học kinh nghiệm đau xót. Không có cách nào khác là chúng ta phải kiên định, kiên trì thực hiện thật đúng, thật sâu sắc những lời căn dặn của Bác Hồ, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của quân đội.
Quân đội ta phải luôn giữ vững các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị cao cả, đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên hàng đầu. Từng cán bộ, chiến sĩ phải nói không với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, ảnh hưởng đến uy tín của quân đội, niềm tin của nhân dân và mối quan hệ quân dân cá nước.
Quân đội kỷ cương phải nghiêm, phải làm gương
Vụ án nêu trên đã được nắm bắt thông tin, điều tra, truy tố chủ động, kịp thời, nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, đúng người đúng tội. Đây cũng không phải là lần đầu tiên Quân đội ta xử lý nghiêm minh các vụ án nghiêm trọng liên quan tới cán bộ cấp cao.
Nhưng có một điểm chung là Quân đội ta luôn xử lý công tâm, kiên quyết, không có vùng cấm, bảo đảm thượng tôn pháp luật.
Vụ án Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu bị xử lý tử hình năm 1950 mà chúng tôi đã nhiều lần nhắc đến là một ví dụ điển hình, một bài học sâu sắc, thấm thía đối với Đảng ta, Quân đội ta.
Việc thi hành án tử hình đối với vi phạm đặc biệt nghiêm trọng của Trần Dụ Châu đã khẳng định quan điểm thượng tôn pháp luật mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo: "Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm".
Tinh thần cắt bỏ ung nhọt để cơ thể mạnh khỏe ấy của Bác tiếp tục được Quân đội ta đề cao trong rèn cán, chỉnh quân mọi lúc, mọi nơi.
Trong Phòng truyền thống Báo Quân đội nhân dân hiện nay còn lưu giữ 33 số báo lịch sử được xuất bản giữa chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954 với rất nhiều tin, bài, bình luận và chỉ đạo về xử lý công khai, nghiêm minh một số vụ cán bộ, sĩ quan sai phạm.
Điển hình như ngày 11-4-1954, trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân đăng Thông báo kỷ luật (số 3) ngay dưới phần Thông báo khen thưởng, nêu rõ việc có một Tiểu đoàn trưởng bị đưa ra Tòa án binh, bị khai trừ đảng tịch, tước quân tịch vì đã "tự ý bỏ bộ đội, chạy về phía sau trốn nhiệm vụ, không xứng đáng là một quân nhân cách mạng".
Năm ngày sau, báo đăng "Thông báo của Tòa án binh mặt trận" xử vụ V.V.K, cán bộ tiểu đoàn vi phạm kỷ luật chiến trường.
Bản tin nêu rõ, V.V.K "đã làm tổn hại đến xương máu của chiến sĩ và ảnh hưởng đến thắng lợi của trận đánh. V.V.K đã vi phạm kỷ luật chiến trường rất nặng, không những không xứng đáng là một cán bộ mà còn không xứng đáng là một quân nhân của quân đội cách mạng chúng ta"; lẽ ra phải xử tử nhưng xét là lần đầu tiên phạm tội và cũng là lần đầu tiên Tòa án binh xử tội phạm kỷ luật chiến trường nên tòa khoan hồng cho tội chết và tuyên án 10 năm tù, khai trừ khỏi quân tịch để làm gương cho toàn quân".
Ba ngày sau, báo đăng tiếp trọn trang 2 Thông cáo số 3 của Tòa án binh Mặt trận và bài tường thuật dài gần kín trang nhất với 11 dòng tít lớn phiên tòa xét xử lúc nửa đêm về vi phạm của một trạm vận chuyển thương binh. Ngoài tước quân tịch, phạt tù 2 cán bộ tiểu đoàn và đại đội; Bộ Tổng tư lệnh còn cảnh cáo Ban chỉ huy Cung cấp hỏa tuyến vì thiếu trách nhiệm...
Thật đáng mừng khi thực tiễn cho thấy, việc xử lý công khai, nghiêm khắc những vi phạm trên đây được cán bộ, chiến sĩ đồng tình, giúp cho Quân đội ta mạnh hơn, nhân dân tin tưởng, yêu mến quân đội hơn, góp phần vào thắng lợi vĩ đại Điện Biên Phủ năm 1954.
Giữa chiến trường khốc liệt, cán bộ, chiến sĩ đồng lòng đoàn kết, quyết tâm xả thân chiến đấu, dù chỉ có một vài hiện tượng hy hữu vi phạm, quân đội vẫn xử lý rất nghiêm khắc để làm gương đã đem lại những hiệu quả tốt đẹp, thì ngày nay, trong bối cảnh hòa bình, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", càng đòi hỏi chúng ta phải xử lý kiên quyết, không có vùng cấm, không nương nhẹ với các vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội.
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan khi phát biểu tại cuộc tọa đàm về nhiệm vụ của quân đội do Báo Quân đội nhân dân tổ chức vào tháng 7-2017 đã bày tỏ quan điểm: Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quân đội phải luôn là đội quân gương mẫu trong đó có gương mẫu trong phòng, chống tiêu cực...
Tinh thần "quân đội kỷ luật kỷ cương phải nghiêm, phải làm gương cho các nơi khác" cũng là điều tại Hội nghị Quân ủy Trung ương phiên họp cuối năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương từng chỉ đạo sau khi biểu dương những thành tích của Quân đội ta:
"Phải đặc biệt giữ gìn, phát huy hình ảnh, uy tín của quân đội, giữ vững niềm tin yêu của nhân dân đối với quân đội. Muốn vậy, kỷ luật kỷ cương phải nghiêm, quân đội phải làm gương cho các nơi khác...".
Quan điểm kiên quyết, nhất quán của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đồng tình, khi khẳng định: Phải khẩn trương điều tra để kết luận, truy tố các đối tượng theo quy định của pháp luật, đưa vụ án ra xét xử trong thời gian sớm nhất.
Quá trình điều tra, xử lý vụ án, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, thời gian, kết luận rõ ràng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không có vùng cấm, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, khẳng định trách nhiệm của quân đội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban chỉ đạo) tổ chức ngày 27-4-2018 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban, Thường trực Ban chỉ đạo đã biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng, trong đó có công an, quân đội và các cơ quan khác đã nghiêm túc triển khai thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tạo khí thế lan tỏa, được dư luận, nhân dân đồng tình, đánh giá cao, trong đó có vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" nêu trên.
Giữ gìn "báu vật" nhân dân trao cho quân đội
Dù vụ án chỉ là hiện tượng cá biệt, không thể làm lu mờ truyền thống vẻ vang, hình ảnh Quân đội Anh hùng của một dân tộc Anh hùng nhưng cũng đặt ra cho chúng ta đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa việc giữ gìn danh dự quân đội và hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn mới.
Trong cuộc tọa đàm "Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" do Báo Quân đội nhân dân tổ chức cách đây ít lâu, đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương đã phân tích về việc phải giữ gìn danh dự, uy tín của quân đội:
"Bộ đội Cụ Hồ là một danh xưng nhưng cũng là một danh hiệu, thậm chí còn cao hơn tước hiệu được phong tặng, đó là một báu vật nhân dân trao tặng quân đội.
Trước đây cũng như hôm nay, dù bộ đội của ta có cả ưu điểm và cả khuyết điểm, còn người này, còn người nọ chấp hành chưa tốt những quy định của các cấp, nhưng trong lòng nhân dân, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ luôn luôn là hình ảnh rất đẹp.
Nếu như trong đội ngũ quân đội của chúng ta có người nào không xứng đáng, hay còn có khuyết điểm thì ở trong lòng dân con người đó không còn là Bộ đội Cụ Hồ. Nhưng số ấy là rất hiếm hoi. Còn tuyệt đại đa số bộ đội của chúng ta từ trước đến nay luôn xứng đáng với danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ".
Vụ việc cũng thêm bài học cảnh tỉnh cho các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, không được xao nhãng buông lỏng quản lý, giám sát, giáo dục cán bộ có chức, có quyền, nhất là cán bộ hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, doanh nghiệp.
Hình ảnh bộ quân phục, biểu tượng của danh dự và niềm tin quyết không phải là thứ để lợi dụng, núp bóng, làm bình phong cho những việc làm phi pháp, vun vén lợi ích cá nhân tầm thường mà phải là mục tiêu, là động lực để luyện rèn, phấn đấu, giữ gìn như những gì thiêng liêng, cao quý nhất.
Rồi đây, chắc chắn vụ án sẽ được làm sáng tỏ, rõ người, rõ tội và xử lý công khai, nghiêm minh theo đúng pháp luật của Nhà nước. Tinh thần ấy thể hiện quyết tâm chính trị đúng đắn, thái độ nhìn thẳng vào sự thật của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các cơ quan chức năng và toàn quân trong phòng, chống tham nhũng.
Chúng ta quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 27-4-2018: "Đừng sợ làm sẽ mất uy tín, sợ khuyết điểm là không tiến bộ được, mà làm để lấy lại uy tín và đã như thế thì phải công khai".
Việc xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật trong quân đội càng làm cho Quân đội ta trong sạch hơn, hoàn thiện hơn, tiếp tục gìn giữ và tỏa sáng hơn nữa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn mới.
Cùng với xử lý nghiêm khắc, kịp thời, Quân đội ta phải khẩn trương khắc phục mọi lỗ hổng, bất cập trong lãnh đạo, quản lý; xây dựng được cơ chế kiểm soát, ngăn ngừa sai phạm, tinh lọc đội ngũ cán bộ; tăng cường giáo dục, rèn luyện bộ đội để không còn những sự việc đáng tiếc tương tự xảy ra.
Với mỗi cán bộ, chiến sĩ, phải luôn khắc cốt ghi tâm Mười lời thề danh dự, 12 điều kỷ luật của quân nhân, cùng những quy định của pháp luật Nhà nước, kỷ luật của quân đội, rèn luyện, giữ gìn đạo đức của người quân nhân cách mạng, để mãi mãi xứng đáng với danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, một "báu vật" mà nhân dân trao cho quân đội.