Tám người phụ nữ ngồi quanh một chiếc bàn được bày biện kỹ càng, cùng nhau nói chuyện phiếm về thời tiết.
Khi bát súp được bưng ra, người hướng dẫn nhanh chóng lại gần họ, điều chỉnh sao cho chiếc muỗng phải được đặt đối diện với người ăn. Một giáo viên khác thì thầm nhắc nhở người ăn hạ khuỷu tay xuống khi đưa thìa lên miệng.
Đây là một trong những khung cảnh thường thấy tại Institut Villa Pierrefeu - học viện hoàn thiện bản thân cuối cùng tại Thụy Sỹ. Ở đó, các quý bà, quý cô được đào tạo bài bản về bộ quy tắc ứng xử lịch sự và nghi thức trang trọng.
"Tôi nhận ra là mình đã nhầm lẫn giữa phong cách ăn uống của Pháp với Anh", Heba (34 tuổi, Ai Cập) cho biết. Cô đã đặt dĩa lên trên đĩa trong suốt bữa ăn dù không dùng tới - một điều cấm kỵ trong văn hóa bàn ăn tại Pháp.
Học ăn, học nói… theo phong cách quý tộc
Heba là 1 trong 30 học viên đến từ 14 nước khác nhau đang tham gia khóa học mùa hè chuyên sâu tại Pierrefeu.
Trong khoảng 3-6 tuần, họ sẽ được dạy kỹ càng về văn hóa giao tiếp trong kinh doanh, văn hóa bàn ăn, nghệ thuật cắm hoa, nghệ thuật dùng trà chiều, thuyết trình cá nhân cũng như cách điều phối nhân viên.
Xuất hiện tại châu Âu từ cuối thế kỷ 19, học viện hoàn thiện bản thân là nơi mà các tiểu thư quý tộc được đào tạo về lễ nghi và ứng xử để quản lý gia đình.
Hàng ngàn phụ nữ trên thế giới đã đổ về Thụy Sĩ để tham gia những khóa học này. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của chủ nghĩa nữ quyền cũng như các thay đổi về mặt văn hóa đã khiến cho trào lưu này dần biết mất.
Không cam chịu số phận đó, học viện Pierrefeu đã soạn giáo trình hoàn toàn mới, phù hợp hơn với xã hội hiện đại.
Nhờ đó, xu hướng hoàn thiện bản thân lại trỗi dậy một lần nữa.
Nhiều nhân vật nổi tiếng như Công nương Diana, nữ Công tước xứ Cornwall Camilla hay cựu Đệ nhất Phu nhân Pháp Carla Bruni cũng là cựu học viên của một trong những ngôi trường này tại Thụy Sỹ.
"Thỉnh thoảng chúng tôi cũng đón tiếp con cái tổng thống và các công chúa hoàng gia. Tuy nhiên, họ không chiếm đa số", Viviane Neri - Giám đốc Học viện Pierrefeu - cho biết.
"Rất nhiều người muốn quay lại học thêm và giới thiệu tới cho người thân vì họ nhận ra mình học được nhiều thứ quý giá mà người khác không biết".
Mỗi khóa học như thế này không hề rẻ. Tùy từng nội dung khác nhau, học viên sẽ phải bỏ ra khoảng 44.000 AUD (khoảng 700 triệu VND) cho 6 tuần đào tạo.
Họ sẽ được học tập và thực hành các quy tắc, nghi thức chuẩn mực, cũng như những điều cấm kỵ cần tránh của hơn 20 quốc gia khác nhau.
Trào lưu "gây sốt" của giới thượng lưu châu Á
Các kiểu học viện hoàn thiện bản thân như Pierrefeu tuy không còn quá phổ biến ở châu Âu, nhưng lại là xu hướng mới nổi ở châu Á.
Tại Trung Quốc, giới thượng lưu đổ xô đi học nghi thức quý tộc châu Âu với mong muốn muốn được cộng đồng quốc tế chào đón và tôn trọng.
Bùng nổ kinh tế đã tạo ra một thế hệ giàu có mới, nhưng rất ít người trong số họ được tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây hay đi du lịch quốc tế.
"Nếu bạn đến Mỹ hay Australia và ăn tối với đối tác kinh doanh ở một nơi sang trọng, bạn cần phải biết cách gọi món", Guillaume Rue de Bernadac - một trong những giáo viên dạy lễ nghi được "săn tìm" nhất Trung Quốc - cho biết.
Bản thân anh cũng sở hữu Học viện Hoàn thiện bản thân De Bernadac. 95% số học viên của anh là phụ nữ, nhưng ngày càng có nhiều gia đình gửi chồng, con tới các lớp học này.
"Ở đây không có nhiều người làm nội trợ toàn thời gian. Hầu hết họ đều là nữ doanh nhân thành đạt. Họ quyết tâm muốn trở thành một con người tốt hơn".
Tương tự, tại Ấn Độ, các học viện hoàn thiện bản thân đang mọc lên như nấm.
Theo Atul Raheja - Giám đốc Học viện Lifelong, đối tượng học viên ở đây chủ yếu là phụ nữ sắp kết hôn.
Giáo viên sẽ giúp họ chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân sau này, từ cách nấu nướng, ăn uống, trang điểm cho đến quản lý nhà cửa và tài chính gia đình.
Số lượng phụ nữ đa đi làm đăng ký học nghi thức cũng rất đông đảo, bởi họ muốn biết các kỹ năng cần thiết để có thể cân bằng giữa công việc và gia đình.
Theo học viên Gunjan Agnihotri (20 tuổi), điều quan trọng nhất là nó khiến con người trở nên tự lập hơn. Họ sẽ không cảm thấy hoang mang khi bước chân vào cuộc sống hôn nhân nếu biết ứng xử đúng đắn.
Ngoài ra, các kỹ sư IT tại Ấn Độ cũng rất thích thú với mô hình học viện này. Họ đến đây để học cách ăn mặc, cầm đồ uống, tiếp chuyện với khách hàng và văn hóa bàn ăn.
"Các chuyên gia IT ở đây nằm trong số những người giỏi nhất thế giới, nhưng họ lại thiếu kỹ năng giao tiếp để làm ăn với phương Tây", Sudhir Udayakanth - người sáng lập công ty IT Edge Advanced Learning Private Ltd. - nhận xét.
Tại Việt Nam, các học viện hoàn thiện bản thân cũng bắt đầu ra đời, trong đó có thể kể tới Iris Finishing Institute tại Hà Nội.
Chị Nguyễn Cẩm Uyên – người từng tham gia 2 khóa học tại Institut Villa Pierrefeu - học viện hoàn thiện bản thân cuối cùng tại Thụy Sỹ - chia sẻ, bản thân đã mất 2 năm chuẩn bị để đưa mô hình bài bản và chính xác nhất về với giới thượng lưu trong nước.
Khi với với Iris Finishing Institute, học viên sẽ được trải nghiệm những khóa học ngắn hạn, được lấy cảm hứng từ ngôi trường lâu đời tại Thụy Sỹ, với giáo trình chuẩn mực quốc tế. Nguyễn Cẩm Uyên sẽ trực tiếp đứng lớp để giảng dạy.
Điểm thú vị khi tới với IFI là học viên sẽ được học đi đôi với hành, bao gồm việc set up bàn tiệc, cắm hoa nghệ thuật, dùng bữa trưa và một số buổi thưởng tiệc trà, nếm thử và cảm nhận rượu vang, pho mát, cà phê…
Ngoài việc chú trọng chất lượng về thực phẩm cho bữa ăn thực hành khi sử dụng nguyên liệu cao cấp, phù hợp theo chủ đề văn hoá các nước Châu Âu với thực đơn đặc sắc, Cẩm Uyên còn mời các đầu bếp khách sạn 5 sao; đầu bếp nhiều năm nấu ăn cho đại sứ Pháp… về thực hiện.
Không gian trường học tiện nghi và thanh lịch tiêu chuẩn khách sạn là một điểm cộng, đem lại lợi ích cho học viên của Iris.
Việc tạo ra cảm xúc từ môi trường học là một cách thú vị để việc học và thực hành hoà quyện với nhau, mỗi một học viên trải nghiệm các khoá học tại Iris đều cảm thấy thoải mái và hứng khởi tựa như một chuyến du lịch Châu Âu nhiều kỷ niệm, đây là sự khác biệt lớn so với những kiểu lớp học thông thường".
Giàu sang nằm cả ở cách ứng xử, không phải tiền
Amanda King - Giám đốc Học viện Hoàn thiện bản thân Australia - cho biết, khách hàng giờ không còn thích thú với giáo trình cũ, chẳng hạn như cách cắm hoa, cách đi lại sao cho lưng thẳng,..
"Họ muốn học các kỹ năng mềm để giao tiếp tốt hơn, cảm thấy tự tin và thu hút hơn trong những giao tiếp xã hội, cũng như hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng hình tượng bản thân trong mắt người đối diện".
Theo King, trong xã hội toàn cầu ngày nay, quy tắc ứng xử quốc tế chính là thứ quyết định ai sẽ là người dẫn đầu, ai sẽ bị bỏ lại phía sau. Chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể hủy hoại cơ hội phát triển sự nghiệp.
"Nếu không nhận biết được các khác biệt về văn hóa, bạn có thể gây xung đột vì những lý do rất ngớ ngẩn", bà Neri cho biết. Chẳng hạn, xì mũi nơi công cộng là bất lịch sự ở Nhật, nhưng lại là điều được khuyến khích ở Đức.
Ông Udayakanth từng gặp không ít những tình huống xấu hổ vì đồng nghiệp ứng xử kém duyên dáng.
"Lúc nào gặp khách nước ngoài tôi cũng căng thẳng, sợ đồng nghiệp sẽ gây rắc rối", ông chia sẻ. "Anh ta có thể mặc xấu, hút thuốc, cậy răng hoặc ợ to. Tôi đã mất vài khách hàng vì chuyện này".
Các khóa học nghi thức này không thể thay đổi hoàn toàn sự nghiệp hay cuộc sống của ai, nhưng nó giúp học viên mở rộng hiểu biết, vượt qua giới hạn và chú ý đến tiểu tiết.
"Đây là cách để tôn trọng người khác và chính mình", bà Neri khẳng định.
Amanda King cũng đồng ý với quan điểm này: "Cách bạn ăn mặc, nói năng, giao tiếp - tất cả những kiến thức đó không hề cũ kỹ, lạc hậu.
Chúng là công cụ quan trọng giúp bạn vượt qua những tình huống điên rồ trong cuộc sống mà ai cũng phải đối mặt".
Theo Jacqueline Tang - một học viên tại Học viện De Bernadac, tiền chẳng để làm gì nếu văn hóa ứng xử không tương xứng với số tài sản đang sở hữu.
"Ai cũng ngưỡng mộ cái đẹp, nhưng mặt đẹp chỉ là một phần. Bạn có thể sở hữu một bó hồng đẹp, nhưng bạn cần một chiếc lọ hoa tốt để cắm chúng", bà kết luận.