Xu hướng cho robot 'nghỉ hưu' trong nhiều ngành công nghiệp

H.Thủy |

Đối với bất kỳ ai ở bất kỳ ngành nghề nào, đời sống lao động có dài đến đâu rồi cũng đến lúc kết thúc. Lực lượng lao động hiện đã mở rộng và đa dạng hóa đến mức bao gồm cả những bot phần mềm được gọi là Quy trình Tự động hóa bằng Robot (RPA).

Robot Spot làm nhiệm vụ giám sát tại công trình xây dựng. Ảnh: Reuters

Robot Spot làm nhiệm vụ giám sát tại công trình xây dựng. Ảnh: Reuters

Trong vòng đời làm việc của mình, những robot này có nhiệm vụ liên quan tới các bước hay lặp lại trong hệ thống và quy trình làm việc, cũng như chịu trách nhiệm về việc thực thi, quản lý và báo cáo.

Một khi doanh nghiệp có thể xác định các nhiệm vụ có thể lặp lại, có thể định danh và định lượng rõ ràng và liên quan đến việc sử dụng một ứng dụng - ví dụ như điền vào biểu mẫu thông tin chi tiết của người dùng - một robot RPA có thể đảm nhận công việc có khối lượng lớn và nhàm chán này.

Tuy nhiên, ngay cả các công việc của robot cũng không tồn tại mãi mãi.

Khi robot cũng "nghỉ hưu"

Tại sao doanh nghiệp cần phải loại trừ một số robot mà không thể chuyển chúng sang một số công việc đòi hỏi hiệu suất thấp hơn?

Phó Chủ tịch phụ trách tự động hóa kỹ thuật số và người máy tại công ty phần mềm Pegasystems, ông Francis Carden, nói rằng ban đầu các robot RPA thường được tạo ra để tự động hóa các quy trình có sẵn trên các ứng dụng cũ.

Để tối ưu hóa các quy trình cũ được "máy tính hóa", doanh nghiệp thường dùng robot RPA để tự động hóa những gì mà con người thường làm theo cách cũ. Robot có thể thực hiện những chức năng như đối chiếu và mở tài khoản mới, đăng ký gói bảo hiểm hay gói dịch vụ điện thoại mới...

Ứng dụng đó tỏ ra hiệu quả trong thời đại trước. Nhưng với cuộc cách mạng kỹ thuật số hiện thời, bất kỳ quy trình mới nào cũng phải được xây dựng theo hướng ưu tiên nền tảng kỹ thuật số trước hết, cũng như có thể thích nghi hay kết nối hơn với bất kỳ hệ thống nào mà không cần RPA. Do đó, các doanh nghiệp sẽ không còn cần nhiều robot RPA như trước đây.

Ông Carden cho hay, sự thay đổi này không phải là một điều xấu. Các ứng dụng và quy trình cũ đã được tạo ra trong kỷ nguyên máy tính hóa cách đây nhiều thập kỷ, để tự động hóa cách người lao động làm việc.

Một yếu tố khác cũng thúc đẩy nhiều công ty cho robot "nghỉ hưu" là vấn đề tài chính. RPA là một khoản chi phí bổ sung vào tổng chi phí sở hữu cho hầu hết các hệ thống công nghệ thông tin. Khoản phí đó sẽ không phải vấn đề nếu chúng mang tới lợi nhuận đầu tư tốt.

Nhưng các khoản chi phí cho giấy phép và bảo trì đang ngày một cao và điều này đang làm xói mòn lợi nhuận mà các robot RPA mang lại. Do đó, các công nghệ cũ như RPA đương nhiên sẽ bị thay thế khi các dịch vụ điện toán cùng công nghệ mới phổ biến hơn với chi phí hợp lý hơn trong cuộc cách mạng kỹ thuật số hiện thời.

RPA đã đến hồi kết?

Việc cho robot "nghỉ hưu" đang diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, với tốc độ nhanh hơn khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chuyển đổi kỹ thuật số.

Vậy doanh nghiệp nên cho robot "thôi việc" ra sao?

Theo ông Carden, các doanh nghiệp nên lập kế hoạch cho robot "nghỉ hưu" cũng như xác định giá trị lâu dài của chúng trong quá trình nghiên cứu. Thông qua các công nghệ mới, một doanh nghiệp có thể nhanh chóng xác định tuổi thọ của bất kỳ ứng dụng hoặc quy trình nào mà họ đang muốn sử dụng RPA và sau đó lập kế hoạch cho robot đó dừng hoạt động.

Ông cho biết có một số tổ chức đòi hỏi việc có chiến lược kết thúc vòng đời robot trước khi phát triển bất kỳ robot RPA nào. Đây là lý do tại sao các tổ chức cần có một trung tâm nghiên cứu, sáng tạo, và đổi mới ở trình độ cao để kiểm soát hoạt động phát triển RPA.

Tuy nhiên, dù đã xuất hiện xu hướng cho robot "nghỉ hưu" trong nhiều ngành công nghiệp, điều đó không đồng nghĩa rằng robot RPA sẽ biến mất hoàn toàn. Thay vào đó, một giai đoạn mới cho RPA đã bắt đầu.

Ông Carden giải thích rằng tự động hóa phần mềm và robot là một giai đoạn trong quá trình phát triển tự nhiên của công nghệ. Thậm chí, nhiều mô hình RPA phát triển sau này đang trở thành một phần của một quá trình lớn hơn, mang tính chiến lược hơn và lâu dài hơn nhiều: Tự động hóa Thông minh (IA).

Theo ông Carden, giờ đây khi các kỹ sư xem xét một vấn đề nào đó cần "tự động hóa", họ hướng đến một loạt các công nghệ có thể giải quyết vấn đề đó như IA, IA kết hợp RPA hoặc RPA độc lập có khả năng phát triển lên IA.

Câu hỏi mới đặt ra cho các doanh nghiệp là liệu họ có đang đặt cược vào chiến lược RPA sẽ mang lại lợi ích lâu dài hơn cho tương lai, hay là một chiến lược sắp chạm vào ngõ cụt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại