Đại dịch bùng nổ trên toàn cầu đã buộc nhiều thứ phải thay đổi, trong đó bao gồm cả chuyện làm mẹ và lựa chọn sinh con của phụ nữ. Các xu hướng liên tục thay đổi chỉ trong 1 năm, từ việc tranh thủ đẻ để đỡ lãng phí thời gian ở nhà cho tới những đắn đo, cân nhắc do dịch kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế...
Theo Tổng cục dân số Việt Nam năm 2019, mỗi năm ở Việt Nam có trung bình khoảng 1,56 triệu trẻ em được ra đời. Đây là lý do vì sao các mặt hàng liên quan tới ngành Mẹ và bé, cụ thể là nhu cầu bỉm sữa của các gia đình Việt luôn ở mức cao. Thị trường bỉm sữa nhờ vậy mà không ngừng đa dạng và phong phú: từ mẫu mã, chất liệu cho tới độ tiện lợi trong sử dụng... để đáp ứng tối ưu yêu cầu và trở thành sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng.
Cũng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong năm 2021, các gia đình Việt đã có không ít sự thay đổi nhất định trong việc lựa chọn tiêu dùng, đặc biệt là các ngành hàng liên quan tới bỉm sữa.
Hàng nội địa bất ngờ "lội ngược dòng" trong năm 2021
Theo kết quả khảo sát và bình chọn của độc giả thông qua chiến dịch aFamilyst , thống kê về các mặt hàng bỉm sữa được người tiêu dùng lựa chọn cho thấy xu hướng tiêu dùng đã bắt đầu có những sự thay đổi nhất định và rõ rệt sau đại dịch. Theo đó, nhu cầu sử dụng hàng nội địa được quan tâm nhiều hơn so với trước đó. Lượng bạn đọc bình chọn và quan tâm tới các sản phẩm do Việt Nam sản xuất luôn chiếm ưu thế so với hàng ngoại ở tất cả các hạng mục. Bất ngờ nhất là ngay cả các sản phẩm nội địa mới ra mắt như bỉm JO hay sữa Vitagrow cũng nhận được sự quan tâm vô cùng lớn.
Theo Bộ Công thương, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sữa của Việt Nam đạt 302,7 triệu USD, tăng 10,5% so với năm 2019. Đây cũng là lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa của Việt Nam vượt mốc 300 triệu USD.
Cùng với đó, Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng sản lượng sữa Việt năm 2020 vẫn tăng trưởng tốt. Trong đó, sản lượng sữa tươi ước đạt 1.702,4 triệu lít, tăng 1% so với năm 2019. Sản lượng sữa bột ước đạt 131,6 ngàn tấn, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Kết thúc năm 2020, ngành sữa đạt tổng doanh thu 113.715 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 5% so với năm 2019.
Còn theo kết quả khảo sát người tiêu dùng Việt Nam do Deloitte Việt Nam thực hiện cũng cho thấy, trong thời điểm giãn cách xã hội toàn TP HCM, doanh số mặt hàng sữa hộp tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều người cho biết họ đã bắt đầu chuyển dần từ việc mua hàng xách tay sang sử dụng sản phẩm nội địa. Lý do đầu tiên là vì dịch nên việc vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí bị chậm trễ suốt nhiều tháng trời. Trong khi đó bỉm và sữa là đồ dùng thiết yếu, được sử dụng thường xuyên, liên tục.
Hải Vân (28 tuổi, hiện đang sinh sống tại Hải Dương) chia sẻ: "Sau một thời gian khá dài tìm hiểu, mình mới quyết định sử dụng các loại bỉm sữa nội địa cho con, nhưng cũng kể từ đó mới nhận ra không nhất thiết cứ phải hàng ngoại mới tốt cho con như suy nghĩ mặc định trước đây. Chưa kể, giá thành của các sản phẩm nội địa lại rẻ hơn khá nhiều, giúp mình tiết kiệm được không ít chi phí khi nuôi con."
Hải Vân bắt đầu chuyển sang dùng các sản phẩm nội địa cho con để tránh tình trạng không đặt được hàng trong giai đoạn giãn cách.
Xu hướng mua sắm online tăng trưởng mạnh mẽ
Trước đại dịch, cuộc “so găng” giữa các nhãn hàng vẫn chiếm trọng số ở "mặt trận offline" mặc dù ngay từ năm 2019, việc đa dạng hóa kênh phân phối trên các kênh mua sắm online như sàn thương mại điện tử, fanpage và các hội nhóm cộng đồng đã được triển khai bài bản; tuy nhiên mức độ thảo luận sôi nổi vẫn ở mức khiêm tốn.
Cho tới đợt dịch đầu tiên năm 2020 và đáng chú ý nhất là thời điểm đợt dịch thứ 4 bùng phát trên cả nước, khi các mẹ bỉm buộc phải thay đổi hành vi tiêu dùng hoàn toàn từ offline sang online, kèm theo nhiều trở ngại trong giao - nhận hàng hóa, mức độ cạnh tranh giữa các thương hiệu trên “mặt trận online” mới trở nên thật sự khốc liệt.
Có thể thấy, không chỉ các nền tảng TMĐT tăng trưởng mạnh mẽ mà ngay cả các đơn vị, nhà bán lẻ cũng buộc phải "nhảy" vào thị trường mua sắm trực tuyến một cách mạnh mẽ hơn. Cụ thể, theo Map of Ecommerce Vietnam 2021, trong năm nay tỷ lệ tăng trưởng của các ứng dụng mua sắm tại Việt Nam lên tới 43% so với năm ngoái.
Có 2 lý do cho sự phát triển của xu hướng này: một là do ảnh hưởng của đại dịch và giãn cách xã hội khiến việc đi lại bị cản trở; hai là các sàn TMĐT liên tục có những chương trình giảm giá, ưu đãi "siêu hời" cho người tiêu dùng.
Riêng với ngành hàng Mẹ và bé, việc tích trữ sữa và bỉm trở nên thiết thực hơn bao giờ hết. Vì đây là những mặt hàng có thời hạn sử dụng lâu dài và đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho bé nên nhiều mẹ bỉm cố gắng tìm cách tích trữ nhiều nhất có thể cho con. Thay vì mua 1 đến 2 bịch bỉm thì không ít người đặt hàng qua mạng vài thùng bỉm để dùng dần cho con trong khoảng nửa năm.
Đây cũng là một cách giúp tiết kiệm tài chính vì khi đặt hàng với số lượng nhiều thì giá cũng sẽ được giảm so với đặt lẻ. Chính vì điều này mà các nhãn hàng bỉm sữa tranh thủ thời gian tạo ra chương trình sale mỗi tháng để thúc đẩy nhu cầu mua sắm của các bà mẹ.
Ngồi nhà lướt mạng, chỉ cần một cú nhấp chuột là có hàng giao đến tận nhà, sự tiện dụng này khiến cho nhiều bà mẹ bỉm sữa bắt đầu "nghiện mua sắm online" nhiều hơn.
Như chị Hải My (hiện đang sinh sống tại quận Tây Hồ, Hà Nội) trong đợt dịch bùng phát, để đảm bảo an toàn, chị hạn chế ra ngoài và thay đổi thói quen sang mua sắm online thông qua các ứng dụng. Để tiết kiệm tài chính, chị My tham khảo và chọn các sản phẩm phù hợp sau khi đọc kĩ các đánh giá, đồng thời căn thời điểm sale lớn tới 50% để mua số lượng nhiều.
"Kể từ lúc đó mình lại thấy mua sắm trực tuyến rất tiện lợi và nhiều khi còn được giá hời hơn hẳn so với việc đến các cửa hàng để mua. Tuy nhiên khi sử dụng hình thức này, các mẹ nên tỉnh táo để tìm ra được địa chỉ uy tín và các sản phẩm phù hợp với con mình."
Chị Hải My cho rằng nếu biết sử dụng đúng cách thì mua sắm online đem lại rất nhiều lợi ích cho các mẹ bỉm sữa.
Các sản phẩm giúp tăng sức đề kháng tiếp cận được số đông mẹ bỉm sữa do lo ngại về tình hình sức khỏe của con
Dịch bệnh là một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng cảm thấy lo ngại về mặt sức khoẻ và có sự cân nhắc trong việc lựa chọn các sản phẩm giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể để phòng chống lại bệnh tật, đặc biệt là với sức khỏe của trẻ em. Những tiêu chuẩn về nguồn gốc nguyên liệu cũng như xuất xứ và sự an toàn của các loại sản phẩm nâng lên dưới áp lực của đại dịch. Theo đó, những sản phẩm sữa có tác dụng củng cố hệ miễn dịch của trẻ được các mẹ bỉm sữa quan tâm nhiều hơn.
Ngay cả các chuyên gia, khi tham vấn cho aFamilyst năm nay, họ cũng rất chú trọng đến những sản phẩm đem lại sự phát triển toàn diện, đặc biệt là tăng sức đề kháng như ColosCare, Aptamil hay Nutifood Grow Plus +.
Không chỉ thế, trong năm vừa qua, khi các nhãn hàng làm chiến dịch truyền thông cũng chú trọng hơn vào thông điệp cho bé khoẻ mạnh thay vì phát triển chiều cao hay trí thông minh như trước đây.
Theo SSI Research, tiêu thụ sữa chiếm 11,9% tiêu thụ FMCG tại Việt Nam. Trong đó, người dân tăng cường sử dụng sữa tươi và sữa chua để tăng khả năng miễn dịch trong thời kỳ dịch bệnh.
Xu hướng lựa chọn này được thể hiện rõ tại khu vực thành thị, nơi nhận thức người tiêu dùng tốt hơn và với thu nhập cao hơn, họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho những sản phẩm chất lượng. Đối với riêng ngành hàng sữa, các loại sữa có khả năng tăng sức đề kháng, bảo vệ sức khỏe của bé cũng được nhiều bà mẹ quan tâm hơn. Với ngành hàng bỉm, người tiêu dùng tiếp tục ưu tiên các sản phẩm có tính an toàn với làn da của con, giúp bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của các bé.
*Bài viết dựa trên số liệu được thu thập lại thông qua kết quả của chiến dịch BXH tiêu dùng tôn vinh lựa chọn phụ nữ Việt - aFamilyst 2021 do aFamily.vn tổ chức cùng số liệu tham khảo từ E-Magazine số 05: “Tái kết nối với khách hàng mùa lễ hội 2021 - 2022” của Adsota và Nền tảng SocialHeat của YouNet Media.