Điều đáng nói, “con mồi” của họ không phải người nổi tiếng mà là các quan chức nhận những món quà có thể vi phạm luật chống tham nhũng mới có hiệu lực từ 28-9.
Ở Hàn Quốc, “săn ảnh” không chỉ dùng để mô tả những nhiếp ảnh gia đeo đuổi giới ngôi sao mà còn chỉ những cá nhân “săn” sai phạm để đổi lấy tiền thưởng.
Trong khi đó, luật chống tham nhũng mới được gọi theo tên bà Kim Young-ran, cựu nữ thẩm phán tòa án tối cao đã đề xuất luật vào năm 2012.
Đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Kim Young-ran lên tới 4 triệu người (gần 10% dân số).
Cụ thể, các viên chức, nhân viên công ty nhà nước, nhà báo, giáo viên… sẽ bị phạt nếu dự các bữa ăn có giá hơn 30.000 won (khoảng 600.000 đồng), nhận các phần quà hơn 50.000 won hay tiền mừng cưới và tiền phúng điếu trên 100.000 won - gọi chung là quy định “3-5-10”
. Vi phạm nhẹ sẽ bị phạt nhưng nếu nhận 1 món quà hơn 1 triệu won hay nhận tổng số quà trong 1 năm hơn 3 triệu won sẽ bị truy cứu hình sự.
Theo báo chí Hàn Quốc, kể từ khi Luật Kim Young-ran có hiệu lực, lịch đặt chơi ở sân golf giảm hẳn và ít khách đến dự đám cưới, còn các bệnh viện ra thông báo cảnh báo về những món quà cảm ơn.
Một số nhóm thực khách còn chia tiền hóa đơn, điều hầu như chưa từng nghe tới ở nước này.
Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc hồi tháng 6 dự báo các công ty tiêu dùng và vui chơi giải trí có thể tổn thất lên tới 11.600 tỉ won (10,43 tỉ USD) do luật chống tham nhũng.
Một quan chức thuộc Ủy ban Chống tham nhũng và Dân quyền Hàn Quốc nhắc nhở người dân tố cáo tham nhũng cần cung cấp bằng chứng chi tiết cũng như để lại tên họ cụ thể.
Với giải thưởng lên tới 200 triệu won cho người tố giác tham nhũng, chắc chắn ngành “săn ảnh” và “soi” hóa đơn của những nhà hàng đắt tiền và các đám cưới xa hoa sẽ rất sôi động, theo Reuters.
Một số người trong đó đã theo học nghệ thuật gián điệp ở một ngôi trường có tên là Trụ sở Tố cáo vì lợi ích chung, bao gồm 2 “thợ săn” nêu trên.
Ông Moon Seoung-ok, người đứng đầu ngôi trường, nói với những người đang học mẹo sử dụng máy ảnh bí mật và thu thập hóa đơn thẻ tín dụng trong thùng rác của các nhà hàng: “Các bạn vừa có thể làm giàu vừa là người yêu nước”.
Đó cũng là phương châm của bà nội trợ gốc Mông Cổ Otgoutugs Ochir, 46 tuổi, một học viên hy vọng kiếm đủ tiền mua một căn hộ và tạo môi trường sống trong sạch cho con cái.
Còn học viên Song Byung-soo, 60 tuổi, ban đầu hơi do dự vì sợ làm tổn thương người khác. “Thế nhưng sau đó, tôi nghĩ rằng nếu săn tham nhũng có thể làm xã hội trong sạch thì là điều tốt” - ông Song chia sẻ.