Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) đưa tin, Bộ trưởng Ash Carter ngày 29/9 (giờ địa phương) tuyên bố, bộ phận quân sự trong chiến lược "xoay trục châu Á-Thái Bình Dương" của Mỹ đang bước sang giai đoạn thứ ba.
Theo đó, quân đội Mỹ sẽ trọng điểm nâng cao và củng cố ưu thế về sức mạnh quân sự của lực lượng này tại châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời tiếp tục xây dựng khuôn khổ an ninh khu vực dựa trên các nguyên tắc.
Carter nói, sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc đẩy chiến lược "xoay trục" vào năm 2011, giai đoạn đầu tiên quân đội Mỹ đã chú trọng triển khai nhiều binh sĩ và khí tài hơn tới châu Á.
Năm 2015, chiến lược này bước vào giai đoạn thứ hai, tức tập trung nâng cao chất lượng trang thiết bị, vũ khí và nỗ lực tăng cường, mở rộng quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh, đối tác trong khu vực.
Trong giai đoạn ba, quân đội Mỹ giữ vững và phát triển kết quả từ giai đoạn hai. Sẽ có thêm nhiều vũ khí hiện đại được đưa tới châu Á, bao gồm chiến đấu cơ F-35, máy bay trinh sát P-8 hay tàu ngầm hạt nhân, máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới cùng các công nghệ tối tân về vũ trụ và mạng Internet.
Bộ trưởng Carter tiết lộ quân đội Mỹ còn nắm trong tay một số vũ khí mới mà "mọi người không thể ngờ tới" sẽ được triển khai sử dụng ở châu Á-Thái Bình Dương.
Ông nói, mục đích chiến lược "xoay trục" của Mỹ là "gìn giữ hòa bình và ổn định khu vực, tạo điều kiện để tất cả các quốc gia, bao gồm Trung Quốc, có cơ hội phồn vinh thịnh vượng".
Ông chủ Lầu Năm Góc nhấn mạnh, Washington "không chấp nhận một số hành vi của Trung Quốc ở các vùng biển khu vực, nhưng sẽ nỗ lực đối thoại với quân đội Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro do phán đoán sai và hiểu lầm".
Ông Carter hy vọng Bắc Kinh "không đặt mình bên ngoài" chiến lược này của Mỹ.
Từ khi Obama khởi động chiến lược "xoay trục", chính phủ Trung Quốc đã cáo buộc đây là tác nhân làm thay đổi "tình hình hết sức yên bình, ổn định vốn có" ở biển Đông.