Câu chuyện của Cường trên MXH Toutiao (Trung Quốc) là một minh chứng về sự khốc liệt chốn công sở thu hút sự quan tâm của CĐM.
***
Tôi bước nhanh qua tòa nhà công ty, nhìn thấy những đồng nghiệp quen thuộc bên trong vẫn đang làm việc chăm chỉ. Trước kia, tôi cũng là một trong số họ, làm việc chăm chỉ vì một ước mơ chung. Tuy nhiên, khi giấc mơ và hiện thực va chạm nhau, cuối cùng tôi đã chọn cách ra đi.
Tôi là Cường, 32 tuổi và là bác sĩ nhi khoa. Hai năm trước, tôi gia nhập một bệnh viện tư nhân chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em nổi tiếng ở thành phố. Bệnh viện có trang thiết bị y tế tiên tiến và quy trình dịch vụ tiêu chuẩn, được các bậc phụ huynh và phụ nữ mang thai rất ưa chuộng. Tôi luôn tin rằng đây là bệnh viện nhân văn, nơi lợi ích và cảm xúc của nhân viên sẽ được chăm sóc trọn vẹn. Tuy nhiên, thực tế lại khác xa so với tưởng tượng của tôi.
Khi mới vào bệnh viện tôi tràn đầy hy vọng vào tương lai. Trưởng khoa, Giáo sư Lê rất đánh giá cao tôi. Các đồng nghiệp cũng rất nhiệt tình và thường xuyên mời tôi đi ăn tối. Có một thời gian, tôi đắm chìm trong niềm vui được công nhận và hài lòng với mọi thứ ở bệnh viện.
Phải đến khi trả lương tháng đầu tiên tôi mới nhận ra rằng "mọi thứ" chỉ là vẻ bề ngoài. Tôi luôn tưởng rằng các bệnh viện tư nhân cao cấp sẽ trả lương tương xứng cho nhân viên, nhưng tôi không biết rằng lương của tôi chỉ có 20.000.000. Trực ca và làm ca đêm hơn mười ngày liên tục nên tôi luôn cho rằng bản thân lẽ ra phải nhận được nhiều tiền thưởng và phụ cấp hậu hĩnh. Tuy nhiên, khoản trợ cấp thực tế mà tôi nhận được chỉ có vài triệu đồng.
Tôi cảm thấy bối rối nên đã hỏi trưởng khoa. Giáo sư cho biết bệnh viện mới thành lập, kinh phí eo hẹp và vẫn đang trong giai đoạn khởi nghiệp nên mong mọi người phải cùng nhau vượt qua khó khăn. Lúc đó, tôi lựa chọn tin tưởng công ty.
Thời gian trôi qua, lương của tôi không được tăng lên, thay vào đó, một phần trợ cấp của tôi đã bị khấu trừ do thực hiện nhiều quy định mới. Các đồng nghiệp cũng bắt đầu thay đổi. Không còn ai nhiệt tình mời tôi ăn tối cùng, họ thậm chí còn bắt đầu tính toán thiệt hơn. Tôi một lần nữa yêu cầu được gặp trưởng khoa, hy vọng có thể thảo luận về việc tăng lương hoặc điều chỉnh kế hoạch.
"Những nhân viên như các cậu chỉ mạnh về lý thuyết. Điều quan trọng nhất khi mở bệnh viện là dòng tiền, không đóng góp lợi nhuận thì không thể đòi hỏi tăng lương, đây là chuyện bình thường." Giáo sư Lê nói như thể yêu cầu của tôi rất nực cười.
Chạm tới giới hạn cuối cùng, tôi quyết tâm nghỉ việc. Sau đó, tôi biết tin bệnh viện đăng tuyển bác sỹ nhi khoa với mức lương 60 triệu, tuy nhiên, các nhân viên mới được tuyển dụng đều không có năng lực như tôi. Một tháng sau đó, giáo sư gọi điện tới tìm tôi và đưa ra mức lương 60 triệu đồng, tôi từ chối. Mức lương cao nhưng nếu làm việc ở một nơi không được coi trọng, vậy thì điều đó liệu có còn quan trọng?
Tôi vẫn tiếp tục làm việc tại một bệnh viện khác, nơi tôi cảm thấy bản thân được coi trọng và nhận được những gì xứng đáng với nỗ lực mà mình bỏ ra.
Sau khi trải qua sự việc này, tôi hiểu rằng muốn sống sót ở nơi làm việc, vậy thì "đừng nói chuyện tình nghĩa với công ty". Đối với rất nhiều công ty, việc tối đa hóa lợi nhuận là mục tiêu quan trọng nhất. Đối với những người lao động như chúng ta, tận tâm với công việc là điều cần thiết nhưng không được sa đà vào cái gọi là cái tình cái nghĩa. Bạn được trả tiền tùy theo công việc và năng lực của bản thân, công ty và người lao động là mối quan hệ bình đẳng, hỗ trợ lẫn nhau. Chính trực, hết mình nỗ lực nhưng cũng cần biết bảo vệ quyền lợi của bản thân, đây có lẽ là thái độ tuyệt vời nhất ở nơi làm việc.