Vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần dệt Quế Võ (Công ty dệt Quế Võ) và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh.
Các bị cáo gồm: Nguyễn Việt Hoàng, sinh ngày 5/6/1977, trú quán tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Dệt Quế Võ; Nguyễn Quốc Hùng, sinh ngày 28/12/1970, trú quán quận Ba Đình (Hà Nội), nguyên Phó Giám đốc Công ty cổ phần dệt may xuất khẩu Chương Dương; Nguyễn Thị Tuyết Thanh, sinh năm 1971, ở số nhà 08 Bà Triệu, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, nguyên kế toán trưởng công ty Dệt Quế Võ; Nguyễn Thế Tài, sinh ngày 22/12/1977, trú quán tại quận Long Biên (Hà Nội), nguyên cán bộ tín dụng Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh; Trần Đức Lực, sinh ngày 06/01/1965, trú quán tại quận Đống Đa (Hà Nội), nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh; Nguyễn Huy Bình, sinh ngày 9/3/1973, trú quán tại thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), nguyên Phó Trưởng phòng tín dụng Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh; Nguyễn Thế Thư, sinh ngày 16/8/1952, trú quán tại thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), nguyên Giám đốc Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh.
Đây là một trong 6 vụ án kinh tế, tham nhũng trọng điểm mà Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo xét xử trong năm 2016.
Trước đó, ngày 27/12/2016, TAND tỉnh Bắc Ninh đã đưa vụ án ra xét xử, tuy nhiên do Trần Đức Lực có đơn xin hoãn tòa vì lý do sức khỏe nên phiên tòa bị hoãn lại.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, năm 2005, Doãn Ngọc Giang và vợ là Kiều Thị Thanh Hương, trú tại số nhà 344 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đã thành lập Công ty cổ phần dệt Quế Võ có địa chỉ tại Khu công nghiệp Quế Võ, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Vợ chồng Giang - Hương có nhờ Nguyễn Việt Hoàng làm giám đốc Công ty và Nguyễn Thị Tuyết Thanh làm cổ đông và kế toán trưởng công ty Dệt Quế Võ.
Đồng thời, để tạo dựng bộ hồ sơ nhập khẩu máy móc, thiết bị cho Công ty Dệt Quế Võ làm thủ tục vay vốn, giải ngân chiếm đoạt tiền của Quỹ hỗ trợ phát triển chi nhánh Bắc Ninh.
Giang và Hương đã thành lập thêm Công ty Cổ phần Dệt may xuất khẩu Chương Dương, trụ sở tại số 2C Lê Phụng Hiểu, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, và nhờ Nguyễn Quốc Hùng là lái xe của Giang và Hương làm phó giám đốc công ty.
Trong thời gian từ tháng 12/2005 đến tháng 5/2016, theo sự chỉ đạo của vợ chồng Giang – Hương, Nguyễn Việt Hoàng, Nguyễn Thị Tuyết Thanh và Nguyễn Quốc Hùng đã ký không hồ sơ nhập khẩu máy móc thiết bị không có thật để Quỹ hỗ trợ phát triển chi nhánh Bắc Ninh cho vay vốn, giải ngân số tiền 45 tỷ đồng.
Số tiền này Giang và Hương đã rút ra và chiếm đoạt sau đó bỏ trốn.
Do chưa bắt được Doãn Ngọc Giang và Kiều Thị Thanh Hương nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tách vụ án hình sự, tạm đình chỉ điều tra vụ án và bị can đối với Giang, Hương, để khi nào bắt được sẽ phục hồi điều tra, kết luận xử lý sau.
Còn Quỹ hỗ trợ phát triển chi Nhánh Bắc Ninh do Nguyễn Thế Thư; Trần Đức Lực, Nguyễn Huy Bình, Nguyễn Thế Tài, đã cùng nhau cố ý làm trái các quy định của Quỹ hỗ trợ phát triển về thẩm định cho vay vốn, giải ngân, dẫn đến hậu quả Chi nhánh Quỹ HTPT Bắc Ninh bị Doãn Ngọc Giang và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt số tiền 45 tỷ đồng, đến nay còn 28.374.241.000 đồng nợ gốc không thu hồi được.
Kết thúc 4 ngày xét xử, trên cơ sở quan điểm, đề nghị của Viện kiểm sát, quá trình tranh luận tại Tòa, HĐXX đã áp dụng điểm a, khoản 4, Điều 139; khoản 3, Điều 165 của Bộ luật hình sự, tuyên phạt: Bị cáo Nguyễn Việt Hoàng, Nguyễn Quốc Hùng mỗi bị cáo 15 năm tù, bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Thanh 14 năm 6 tháng tù, về tội " lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; Phạt bị cáo Nguyễn Thế Tài 8 năm tù, bị cáo Trần Đức Lực và Nguyễn Huy Bình mỗi bị cáo 7 năm tù, bị cáo Nguyễn Thế Thư 6 năm tù, về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".