Cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến: "Rất tiếc, anh em không tham mưu, không ai yêu cầu nên chúng tôi sai"
Tiêu điểm sự kiện
- Cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng: "Tôi xin nhận khuyết điểm"17:57
- Bị cáo Nguyễn Văn Hiến khai về việc đưa 3 khu đất vào làm kinh tế16:27
- Cựu Trưởng phòng Quân chủng Hải quân khai làm việc theo nhiệm vụ được giao16:21
- Bị cáo Bùi Như Thiềm cho rằng hợp đồng liên doanh thực chất là cho thuê đất15:11
- Cựu Trưởng phòng Quân chủng Hải quân lên khai báo đầu tiên13:45
- VKS: Không đủ căn cứ xác định thiệt hại số tiền 20 tỷ đồng12:35
- HĐXX bác đề nghị triệu tập thêm nhân chứng liên quan10:11
- 8 bị cáo, trong đó 1 cựu Thứ trưởng, 4 cựu sĩ quan quân đội09:19
- Phiên tòa bắt đầu, HĐXX gồm 5 người08:04
17:57 ngày 18/05/2020
Cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng: "Tôi xin nhận khuyết điểm"
Bị cáo Nguyễn Văn Hiến nói thêm, trong buổi họp đầu tiên, Giám đốc Công ty Hải Thành có báo cáo, tờ trình về năng lực công ty Yên Khánh. Cụ thể, nói công ty Yên Khánh đã làm một số nội dung và ông chỉ nắm chung chung bởi việc này do Giám đốc Công ty Hải Thành nắm.
HĐXX sau đó công bố lời khai của bị cáo Hiến tại cơ quan điều tra cho rằng, không biết năng lực công ty Yên Khánh mà tin tưởng vào năng lực công ty này như tờ trình, báo cáo của công ty Hải Thành.
"Cho đến bây giờ, bị cáo thấy việc tin tưởng có cơ sở, có đúng không?", HĐXX hỏi. Bị cáo Hiến cho rằng: "Công ty Hải Thành đã để chúng tôi tin tưởng sai". Đối với việc Bộ Tư lệnh Quân chủng hải quân có chỉ đạo công ty Hải Thành nộp tiền về cho quân chủng không?
Bị cáo Hiến cho hay, đây là lĩnh vưc chuyên môn của tài chính và ngành tài chính phải thực hiện việc này. HĐXX đặt câu hỏi về việc Bộ trưởng Bộ QP có chỉ đạo về việc không được góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại các khu đất thì bị cáo có chỉ đạo gì với các cơ quan chức năng và công ty Hải Thành không?
Bị cáo Hiến trả lời có giao văn phòng sao thành 13 bản gửi các cán bộ trong thường vụ, các cơ quan chức năng và sau đó, giao cho phòng Tài chính quản lý vốn triển khai cho công ty Hải Thành cũng như gửi thẳng văn bản cho công ty.
Trả lời về việc có kiểm tra lại không? Bị cáo Hiến cho hay, không trực tiếp kiểm tra nhưng năm 2010 khi triển khai nội dung này thì năm 2011 có văn bản tổng kiểm tra, rà soát các dự án, trong đó có 3 dự án này về việc cháp hành luật pháp, chấp hành quy định của Bộ quốc phòng, chấp hành quy định của Quân chủng hải quân.
Đoàn công tác phải đến từng công ty, từng miếng đất để kiểm tra báo cáo. "Tức là không kiểm tra riêng nội dung này mà kiểm tra tổng thể các dự án", bị cáo Hiến nói. HĐXX hỏi tiếp về trách nhiệm của bị cáo như thế nào có sâu sát, quyết liệt trong công tác chỉ đạo quản lý không?
Bị cáo Hiến trả lời: "Tôi đã xác nhận với cơ quan điều tra, VKS và hôm nay với HĐXX là tôi có khuyết điểm là thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình thiếu sát sao, quyết liệt.
Tôi đã ra mệnh lệnh kiểm tra, đã họp Bộ Tư lệnh phân công công tác triển khai các nhiệm vụ của Thường vụ Đảng ủy Quân chủng nhưng không truy đến cùng, thiếu độ sát sao quyết liệt. Nếu sát sao quyết liệt hơn nữa cũng có thể phát hiện sai sót nhưng tôi về nhận thức, kiến thức không đủ nên không phát hiện được sai sót và không đủ sát sao quyết liệt.
Tôi xin nhận khuyết điểm". Ngay sau đó, bị cáo Hiến đã được cho về chỗ. HĐXX yêu cầu vệ binh đưa bị cáo Đinh Ngọc Hệ cách ly khỏi phòng xét xử, đồng thời, hỏi bị cáo Vũ Thị Hoan.
16:27 ngày 18/05/2020
Bị cáo Nguyễn Văn Hiến khai về việc đưa 3 khu đất vào làm kinh tế
HĐXX yêu cầu bị cáo Nguyễn Văn Hiến, cựu Tư lệnh quân chủng Hải quân, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lên bục khai báo. Do có vấn đề sức khỏe nên bị cáo Hiến được cho ngồi để trả lời các câu hỏi của HĐXX.
Bị cáo Nguyễn Văn Hiến khai nghe rõ các lời khai của bị cáo khác. Theo bị cáo Hiến, thời gian thực hiện các dự án này, bị cáo giữ cương vị Tư lệnh quân chủng Hải quân. Theo bị cáo Hiến, về chức trách, ở quân chủng là Tư lệnh quân chủng nhưng làm về kinh tế, đất đai là Thường vụ Đảng ủy Quân chủng vì theo quy chế.
Bị cáo Nguyễn Văn Hiến
Cựu Tư lệnh quân chủng Hải quân cho rằng, sau khi làm việc với cơ quan điều tra thì mới rõ 3 khu đất được đưa vào hợp đồng chưa chuyển mục đích làm kinh tế mà vẫn là đất quốc phòng.
Nguồn gốc khu đất 9-11 là Bộ Tư lệnh cũ đã điều cho công ty Hải Thành làm nhà khách. Khu số 2 một phần điều cho Hải Thành làm nhà khách, một phần quân chủng điều về sau. Khu số 7-9 trước là của Viện y học 1-5 phía Nam sau đó chuyển về công ty Hải Thành.
Bị cáo Hiến cũng trả lời, về văn bản thể hiện quyết định của Thường vụ Đảng ủy là văn bản kết luận ngày 13/3/2006 và các văn bản tiếp theo. Thường vụ có 5 lần họp, đưa ra 5 kết luận về nội dung này, đưa 3 khu đất vào làm kinh tế.
Đối với việc Thường vụ Đảng ủy có quyền quyết định hay có phải xin phép cơ quan nào về việc đưa 3 khu đất này vào làm kinh tế không? Bị cáo Hiến cho hay, Thường vụ phải báo cáo với Bộ Quốc phòng và khi ông làm việc với cơ quan điều tra thấy còn phải báo cáo Thủ tướng nhưng "rất tiếc, anh em không tham mưu, không ai yêu cầu nên chúng tôi sai".
Về lý do đưa 3 khu đất vào làm kinh tế, theo bị cáo Hiến, lý do thứ nhất là do TPHCM đề nghị chỉnh trang đô thị; lý do thứ 2 là nhu cầu của quân chủng nâng cao đời sống bộ đội và lúc đó rất cấp bách do đời sống cán bộ, chiến sỹ quân chủng Hải quân rất kham khổ.
16:21 ngày 18/05/2020
Cựu Trưởng phòng Quân chủng Hải quân khai làm việc theo nhiệm vụ được giao
Đại diện VKS sau đó hỏi bị cáo Bùi Như Thiềm về việc thương thảo hợp đồng kinh doanh với công ty Yên Khánh? Bị cáo Thiềm khai việc này thực hiện khoảng 4 lần với Giám đốc công ty Hải Thành, cơ quan công ty, luật sư...
Về phía công ty Yên Khánh có 3-4 người, luật sư. Về phía Hải quân có 2 người. Đối với nội dung các buổi thương thảo, bị Thiềm khai lần 1 không đạt được kết quả gì.
Lần thứ 2 chuyển hình thức do công ty Yên Khánh đề xuất là thành lập pháp nhân mới và về giá cũng căng thẳng.
Lần 3 nhất trí được phương án ký hợp đồng theo hình thức khoán kinh doanh và tiền trả theo phương án sau thuế. Kết quả lần thứ 4 nhất trí hình thức hợp đồng là thành lập pháp nhân mới, tiền khoán 5 USD/m2, tiền khoán thu cho Hải Thành 6 tháng/lần.
Bị cáo Thiềm khai trong tất cả các lần đàm phán không có bị cáo Đinh Ngọc Hệ. Đại diện VKS sau đó công bố bút lục lời khai trong quá trình điều tra trong đó, bị cáo Thiềm khai có 2 lần bị cáo Hệ tham gia đàm phán. Bị cáo Thiềm sau đó khai, có gặp 2 lần bị cáo Hệ trước khi đàm phán, được giới thiệu là Út.
Bị Cáo Bùi Như Thiềm
Hôm ký hợp đồng số 07, theo bị cáo Thiềm, có bị cáo Nga, cơ quan và công ty Yên Khánh có khoảng 3-4 người, trong đó, có bị cáo Hoan, còn về phía quân chủng có bị cáo Thiềm, bị cáo Thảo. Trước khi ký hợp đồng bị cáo Nga có đề nghị bị cáo Thiềm, bị cáo Thảo ký nháy và ông Thiềm có hỏi luật sư, được trả lời, chữ ký đó không chịu trách nhiệm gì nên ký.
Về hợp đồng số 07 theo ông Thiềm có 2 người ký chính thức là ông Bùi Văn Nga và bị cáo Hoan. Trước khi ký hợp đồng 07, theo bị cáo Thiềm không tham mưu gì mà chỉ thực hiện theo nhiệm vụ được giao.
Đại diện VKS sau đó đã nêu văn bản của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong đó có nội dung yêu cầu Quân chủng Hải quân không được góp vốn bằng quyền sử dụng đất và hỏi bị cáo Thiềm về việc bị cáo vẫn tiếp tục tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Tư lệnh tiếp tục góp vốn là đúng hay sai?
Bị cáo Thiềm trình bày "Tôi mới mổ tim xong, yếu, nằm nhà", tuy nhiên, đại diện VKS sau đó ngắt lời và nhắc lại câu hỏi, bị cáo Thiềm cho rằng, việc liên quan đến đất, tiền không liên quan còn ký là nể nang "các anh tôi ký" chứ không phải chức trách, nhiệm vụ của mình.
15:11 ngày 18/05/2020
Bị cáo Bùi Như Thiềm cho rằng hợp đồng liên doanh thực chất là cho thuê đất
Cựu Trưởng phòng Quân chủng Hải quân cũng cho hay, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, ông đã cùng phòng Tài chính quân chủng, công ty Hải Thành đàm phán thêm với công ty Cảnh Hưng, Yên Khánh, Mai Anh. Bị cáo này cũng nêu rõ, thời hạn liên doanh của các hợp đồng này là 49 năm.
Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc liên doanh này có lợi cho Quân chủng không? Bị cáo Thiềm nói, đơn vị đã thuê 2 đơn vị là văn phòng luật sư và Công ty Luật đã trả lời bằng văn bản, khuyên không nên góp vốn bằng quyền sử dụng đất cũng như thành lập pháp nhân mới vì sẽ gây bất lợi cho Quân chủng.
Bị cáo đã in văn bản này, gửi cho từng vị Thường vụ Quân chủng đề nghị không lập pháp nhân mới. Bị cáo Thiềm cho rằng, hợp đồng liên doanh này thực chất là cho thuê đất. Đồng thời, tại thời điểm ký hợp đồng liên doanh thì 3 khu đất này chưa được chuyển mục đích sử dụng đất.
13:45 ngày 18/05/2020
Cựu Trưởng phòng Quân chủng Hải quân lên khai báo đầu tiên
13h30 phiên tòa tiếp tục làm việc buổi chiều. Mở đầu phiên làm việc, HĐXX đã yêu cầu bị cáo Bùi Như Thiềm, nguyên Trưởng phòng kinh tế Quân chủng Hải quân lên bục khai báo. Bị cáo Thiềm cho biết, bản thân nhận được chỉ thị ngày 14/6/2006 về tổ chức đàm phán ở khu đất số 2 và số 7-9 Tôn Đức Thắng, tham gia đàm phán vào hợp đồng ở khu đất 9-11 Tôn Đức Thắng.
Khi tham gia đàm phán với các đối tác tại những khu đất trên, bị cáo Thiềm khai được giao nhiệm vụ đàm phán nội dung thương mại, cơ chế thương mại, phối hợp với phòng Tài chính quân chủng, công ty Hải Thành liên quan đến tiền khoán, thời gian trả tiền khoán.
Bị cáo Thiềm khai đàm phán với công ty Cảnh Hưng, Công ty Yên Khánh và trong quá trình này, bị cáo không kiểm tra năng lực của đối tác. Kết quả thương thảo với đối tác, ông Thiềm khai đã báo cáo Phó Tư lệnh quân chủng lúc đó là Lê Văn Đạo. Sau khi báo cáo các văn bản với Bộ Tư lệnh đã có văn bản báo cáo với Thường vụ quân chủng về kết quả đàm phán.
12:35 ngày 18/05/2020
VKS: Không đủ căn cứ xác định thiệt hại số tiền 20 tỷ đồng
Sau khi trình bày xong cáo trạng, đại diên VKS tại phiên tòa đã nêu bổ sung cáo trạng. Cụ thể, theo đại diện VKS, trong cáo trạng nêu, khi ký kết hợp đồng họp tác liên doanh tại khu đất số 7-9, các bị can không căn cứ vào giá đất được UBND TPHCM quy định, dẫn đến thực hiện việc họp tác liên doanh góp vốn với giá đất hàng năm tính theo m2 thấp hơn nhiều so với giá nhà nước quy định, gây thiệt hại số tiền 20.382.653.362 đồng (tính từ 4/9/2006 đến năm 2018).
Các bị can Nguyễn Văn Hiến, Bùi Như Thiềm, Bùi Văn Nga, Đoàn Mạnh Thảo có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền này. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra lại với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ, VKS quân sự Trung ương xác định không đủ căn cứ xác định thiệt hại này.
Vì vậy, tại phiên tòa hôm nay, VKS rút nội dung yêu cầu các bị can Nguyễn Văn Hiến, Bùi Như Thiềm, Bùi Văn Nga, Đoàn Mạnh Thảo liên đới bồi thường số tiền này.
Ngoài ra, đại diện VKS cũng bổ sung việc sửa lại một số số liệu trong cáo trạng do lỗi đánh máy nhầm. Sau khi đại diện VKS trình bày cáo trạng, HĐXX cho biết, do lý do sức khỏe nên bị Bùi Như Thiềm được đưa ra ngoài.
Sau đó, chủ tọa đã hỏi bị cáo Thiềm về một số nội dung liên quan và bị cáo này đồng ý, không có ý gì khác. Trả lời câu hỏi của chủ tọa về việc có ý kiến gì đối với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị truy tố theo cáo trạng không? Bị cáo Đinh Ngọc Hệ trả lời "không phạm tội này". Phiên tòa tạm dừng nghỉ trưa và sẽ tiếp tục lúc 13h30.
10:21 ngày 18/05/2020
VKS công bố cáo trạng vụ án
Trước đó, đại diện Ngân hàng BIDV đề nghị tòa triệu tập Văn phòng công chứng trung tâm và Văn phòng đăng ký đất đai TPHCM. Về vấn đề này, HĐXX cho rằng, việc này không thuộc phạm vi xem xét của vụ án này. Khi nào có bản án sơ thẩm, ngân hàng có quyền khiếu nại.
Sau khi các luật sư, những người tham gia phiên tòa không còn ý kiến nào khác, HĐXX tuyên bố kết thúc phần thủ tục, chuyển sang phần tranh tụng. Đại diện VKS đã công bố cáo trạng vụ án. Do cáo trạng dài nên bị cáo Nguyễn Văn Hiến và các bị cáo khác được ngồi nghe cáo trạng.
10:11 ngày 18/05/2020
HĐXX bác đề nghị triệu tập thêm nhân chứng liên quan
Trả lời trong phần thủ tục tại tòa, bị cáo Nguyễn Văn Hiến do sức khỏe không tốt nên được cho phép ngồi. Cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng trả lời rõ ràng các câu hỏi được chủ tọa đưa ra về nhân thân. Bị cáo Hiến cho hay, trước vụ án này chưa bị kỷ luật hay bị tòa xét xử. Trong phần thủ tục phiên tòa, một số luật sư đã đề nghị tòa triệu tập thêm nhân chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
HĐXX sau đó trả lời, không cần thiết phải triệu tập thêm những người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Một số luật sư cho biết, xuất trình tài liệu chứng cứ mới đề nghị HĐXX xem xét.
HĐXX đề nghị luật sư nộp cho thư ký tòa án. Các tài liệu này sẽ được HĐXX xem xét, làm căn cứ để ra bản án. Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Văn Duyệt đề nghị triệu tập đại diện Sở TN-MT TPHCM, Văn phòng đăng ký đất đai TPHCM.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Trọng Tuấn cũng đề nghị triệu tập thêm một số nhân sự của Công ty Hải Thành. Đại diện VKS cho rằng, đối với việc triệu tập thêm các cá nhân, tổ chức thì hồ sơ vụ án đã có đủ lời khai và cơ bản đủ nên không cần thiết triệu tập thêm. Đại diện VKS cũng cho rằng, nếu có thêm chứng cứ về tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo có thể cung cấp.
09:19 ngày 18/05/2020
8 bị cáo, trong đó 1 cựu Thứ trưởng, 4 cựu sĩ quan quân đội
Vụ án này, tám bị cáo bị truy tố về ba nhóm tội danh khác nhau. Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng là người duy nhất hầu tòa với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bốn cựu sĩ quan quân đội (cấp hàm đại tá) bị cáo buộc về tội vi phạm các uy định về quản lý đất đai, gồm: Bùi Như Thiềm (cựu Trưởng phòng Kinh tế Quân chủng Hải quân), Đoàn Mạnh Thảo (cựu Trưởng phòng Tài chính Quân chủng Hải quân), Bùi Văn Nga (cựu Giám đốc Công ty Hải Thành, thuộc Quân chủng Hải quân) và Trần Trọng Tuấn (cựu Phó giám đốc Công ty Hải Thành).
Ba bị cáo còn lại là Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc", cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn), Phạm Văn Duyệt (cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình) và Vũ Thị Hoan (cựu Giám đốc Công ty Yên Khánh) bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Nguyễn Văn Hiến
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ
Trong số trên, Út “trọc” đã bị Tòa án quân sự Trung ương tuyên phạt 12 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Hiện nay, Út “trọc” cũng đang là bị can trong hai vụ án do Bộ Công an điều tra, gồm lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Quân sự Trung ương, ba khu đất số 2, số 7-9, số 9-11 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM có nguồn gốc là đất quốc phòng, thuộc quyền quản lý của Quân chủng Hải quân.
Tuy nhiên, ông Hiến cùng các bị cáo là cựu cán bộ Quân chủng Hải quân đã có những sai phạm trong việc đưa ba khu đất này vào liên doanh làm kinh tế không đúng quy định. Hậu quả, Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng cả ba khu đất trong thời gian 49 năm, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước số tiền hơn 939 tỉ đồng.
08:04 ngày 18/05/2020
Phiên tòa bắt đầu, HĐXX gồm 5 người
Đúng 7h50, phiên tòa chính thức khai mạc.
Theo thông báo, HĐXX xét xử 5 người gồm: thẩm phán đại tá Lê Thành Nam làm chủ tọa, thẩm phán thượng tá Nguyễn Xuân Minh và ba hội thẩm quân nhân. Đại diện VKS quân sự Quân chủng Hải quân gồm Thượng tá Hoàng Đăng Tuyên, Thượng tá Ngô Văn Sáng, Trung tá Nguyễn Thăng Bình. Thư ký phiên tòa là Đại úy Dương Văn Hưng và Thiếu úy Đỗ Thành Thắng.
Ngoài ra, HĐXX còn có thành phần dự khuyết một thẩm phán, một hội thẩm quân nhân. Tòa xác định bị hại trong vụ án là Quân chủng hải quân. Hàng loạt pháp nhân được triệu tập tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Trong đó có một số công ty lớn như Công ty cổ phần Xăng dầu Thái Sơn B.Q.P, Công ty TNHH MTV Dịch vụ và du lịch biển, đảo Hải Thành (gọi tắt là Công ty Hải Thành), Công ty cổ phần Cảnh Hưng Hải Thành, Ngân hàng BIDV…
Ngoài ra, hơn 20 luật sư là người bào chữa cho các bị cáo và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
07:03 ngày 18/05/2020
An ninh siết chặt tại phiên tòa từ sáng sớm
Sáng 18/5, phiên tòa xét xử cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến và các đồng phạm diễn ra tại trụ sở Tòa án quân sự Thủ đô. Ngay từ sáng sớm, an ninh khu vực Tòa án quân sự Thủ đô được siết chặt.
Tại khu vực cổng, mọi cá nhân ra vào đều chịu sự kiểm soát của lực lượng quân đội. Bên trong khu vực sân tòa, an ninh tiếp tục chia thành nhiều lớp. Phóng viên tác nghiệp qua màn hình tivi, được bố trí ở một phòng riêng biệt so với hội trường xét xử.