Ngày 4/10, phiên xét xử bị cáo Châu Thị Thu Nga (cựu ĐBQH, cựu Chủ tịch Housing Group) và 9 đồng phạm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bước vào ngày làm việc thứ ba.
Tòa triệu tập hơn 500 bị hại cùng hơn 70 người, cơ quan có quyền, nghĩa vụ liên quan, song chỉ có vài chục người có mặt.
Không đến tòa có thể gửi đơn
Trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Nguyễn Hữu Toại, Công ty Luật Hừng Đông (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, việc HĐXX thấy việc vắng mặt của bị hại không ảnh hưởng đến quá trình xét xử nên không đồng ý hoãn phiên tòa là hoàn toàn hợp lý.
Trong nhiều trường hợp, nếu bị hại không thể trực tiếp đến tòa họ vẫn hoàn toàn có thể gửi đơn hoặc các chứng cứ đi kèm đến tòa để yêu cầu tòa xét xử sao cho đảm bảo quyền lợi của mình.
Sau này, khi tòa ra phán quyết, những bị hại vắng mặt sẽ được gửi bản án tòa đã tuyên, nếu thấy bản án đó không giải quyết thỏa đáng quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật thì họ có quyền kháng cáo bản án.
“Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, người bị hại nếu từ chối khai báo hoặc không có mặt thì tùy mức độ có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 308 Bộ luật Hình sự, tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu.
Nhưng thực tế trường hợp này rất ít khi xảy ra”, luật sư Toại phân tích.
Trở lại diễn biến phiên tòa ngày hôm qua, khi trả lời thẩm vấn, các bị hại đều có chung nguyện vọng tiếp tục được mua nhà tại B5 Cầu Diễn nếu dự án được triển khai.
Sau khi tòa phân tích khả năng dự án không thể triển khai, các bị hại mới muốn đòi lại tiền. Đa số bị hại chỉ có hóa đơn chứng từ với khoản tiền góp vốn, tính theo giá gốc mua căn hộ.
Số tiền chênh lệch hàng trăm triệu đồng mỗi suất không có chứng từ.
Chồng là bị cáo, vợ là bị hại
Tại phiên tòa, có một trường hợp rất hy hữu khi chồng là bị cáo, còn vợ là bị hại trong vụ án. Đó là trường hợp của bị cáo Đinh Phúc Tiếu (SN 1960, nguyên Phó tổng giám đốc, nguyên Kế toán trưởng Công ty Housing Group).
Chia sẻ với PV báo chí, bị cáo Đinh Công Tiếu cho biết, bản thân có trình độ tiến sĩ về chuyên ngành kế toán, trước đây từng giảng dạy tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, sau đó ra làm doanh nghiệp.
Ông khẳng định, nếu biết bị cáo Châu Thị Thu Nga lừa đảo thì không bao giờ ông làm việc cùng, chứ chưa nói đến việc giúp sức.
Khai tại tòa, bị cáo Tiếu nói chính mình cũng là bị hại trong vụ án, bởi bị cáo đã đặt cọc hơn 1,5 tỷ đồng để được mua 5 căn hộ ở dự án B5 Cầu Diễn, nhưng vì làm ở công ty nên vợ bị cáo đứng tên.
Hai vợ chồng đồng thuận việc đó nên vợ bị cáo Tiếu là người ký hợp đồng, còn bị cáo lại chính là người thu tiền cho bị cáo Châu Thị Thu Nga. Bởi thế, bị cáo Tiếu nhận mình vừa là bị cáo, vừa là bị hại. “Lúc đó, tôi tin tưởng dự án B5 Cầu Diễn sẽ thành công.
Trong quá trình làm bất động sản nhiều người đều biết, có những lúc doanh nghiệp phải đi trước một bước, nhất là trong thời kỳ bất động sản đang nóng, nhiều doanh nghiệp cũng huy động tiền của khách hàng khi dự án chưa triển khai”, bị cáo Tiếu nói.
Bị cáo cũng thừa nhận vì thấy bị cáo Châu Thị Thu Nga vào thời điểm đó đang là ĐBQH, đại biểu HĐND đã rất tin tưởng nên mới ký vào các phiếu thu để thu tiền của khách hàng giúp bà Nga.
Theo cáo trạng, bị cáo Đinh Phúc Tiếu đã ký 128 phiếu thu tiền mặt của khách hàng giúp sức cho Châu Thị Thu Nga chiếm đoạt số tiền hơn 50 tỷ đồng.