Phiên tòa xét xử vụ án cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản chiều qua diễn ra muộn hơn bình thường do sức khỏe của bị cáo Nga không đảm bảo.
Bị cáo Nga được đưa về bệnh xá của trại tạm giam để ổn định sức khỏe.
Trong phần thẩm vấn, HĐXX hỏi những bên liên quan về số tiền mà bà Nga đã chi có hóa đơn chứng từ.
Theo cáo trạng, bà Nga đã chi hơn 85 tỷ đồng thực hiện một số hạng mục tại dự án B5 Cầu Diễn và chi hoa hồng môi giới; chi hơn 80 tỷ đồng cho mục đích cá nhân gia đình và hoạt động công ty Housing Group.
Đồng thời, bà Nga cũng chi hơn 6,2 tỷ đồng mua cổ phần tại công ty Đầu tư BĐS Á Châu; hơn 7,7 tỷ đồng đầu tư góp vốn cho công ty BĐS Á Châu; hơn 3,6 tỷ đồng cho ông Nguyễn Văn Ngọc (Chủ tịch HĐQT công ty CP đầu tư và Xây lắp H36) vay và thực hiện dự án Xuân La; chi hơn 1,4 tỷ đồng cho công ty chuyển giao và công nghệ Công Anh để làm thủ tục vay tiền nước ngoài.
Bà Nga còn chi gần 10 tỷ cho các dự án làm phim; hơn 25 tỷ đồng cho các dự án khác.
Như vậy, trong tổng số tiền thu được từ khách hàng là hơn 377 tỷ đồng, bà Nga đã sử dụng hết 219 tỷ có hóa đơn chứng từ.
Còn lại hơn 157 tỷ đã được sử dụng, nhưng không có chứng từ chi nên Phạm Thị Thu Hạnh - kế toán trưởng Housing Group hạch toán vào công nợ phải thu của Châu Thị Thu Nga.
Đi về đâu hơn 157 tỷ đồng?
Bà Châu Thị Thu Nga khai, số tiền hơn 157 tỷ đồng được bà ta sử dụng như sau: Chi 54 tỷ đồng cho ông Nguyễn Xuân Quý (nguyên Phó TGĐ Housing Group, đã chết năm 2013); 12 tỷ cho ông Lê Hồng Cương (nguyên Phó TGĐ công ty Housing Group) để chi phí việc giải quyết thủ tục đầu tư dự án được thuận lợi; 47,5 tỷ đồng để "chạy" dự án và để được ứng cử ĐBQH khóa 13.
Đối với việc chi số tiền không có chứng từ này, CQĐT Bộ Công an đã lấy lời khai của những người mà bà Nga khai đưa tiền, nhưng những người này đều không thừa nhận.
Về việc bà Nga khai sử dụng số tiền hơn 157 tỷ đồng, do thời hạn điều tra đã hết, ngày 9/6/2017, CQĐT đã ra quyết định tách nội dung này để điều tra làm rõ.
Đối với hành vi, trách nhiệm của một số cá nhân thuộc sở, ban, ngành thuộc UBND TP Hà Nội, UBND huyện Từ Liêm và hành vi của một số cá nhân thuộc UBND thị trấn Cầu Diễn như: Để cho công ty Housing Group thi công khoan nhồi khi chưa có giấy phép xây dựng, giao cho liên danh Housing Group và công ty HAIC nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Dự án B5 Cầu Diễn nhưng không kiểm tra đôn đốc việc triển khai dự án và hoàn thiện các thủ tục pháp lý..., quá trình điều tra, VKSND TC đã có nhiều văn bản yêu cầu CQĐT làm rõ nội dung này.
Ngày 9/6, CQĐT tách hành vi trên để điều tra làm rõ và đề xuất xử lý theo quy định pháp luật.
Ngoài Dự án B5 Cầu Diễn, công ty Housing Group còn thực hiện một số dự án khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên địa bàn Hà Nội như: Khu nhà ở để bán cho cán bộ công nhân viên quận Cầu Giấy có khó khăn về nhà ở và các đối tượng khác tại phường Dịch Vọng (Cầu Giấy); Khu nhà ở kinh doanh tại Phú Thượng (Tây Hồ); Trung tâm thương mại kết hợp văn phòng và nhà ở chung cư cao tầng tại 132 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), CQĐT đang tiếp tục xác minh, thu thập tài liệu.
Do nội dung của những dự án này không liên quan đến nội dung lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Dự án B5 Cầu Diễn nên không xử lý trong vụ án này, nhưng VKSND TC yêu cầu CQĐT tiếp tục điều tra, thu thập tài liệu và xử lý theo quy định.
Tại tòa, đại diện Housing Group cho biết đã nhiều lần kiến nghị, mong Dự án B5 Cầu Diễn được tiếp tục triển khai. Người đại diện này cho hay: Gần đây công ty đã tìm được đối tác sẵn sàng đầu tư dự án nếu cơ quan chức năng cho công ty tiếp tục triển khai. Lợi rất nhiều nếu dự án được triển khai, ngược lại, nhiều vấn đề sẽ không được giải quyết. Nguyện vọng của công ty và toàn bộ khách hàng là dự án được tiếp tục triển khai. |