Bói toán thường được xem là một hình thức mê tín, thậm chí có thể bị cấm tuyên truyền ở một số quốc gia. Nhưng với người Nhật Bản, đây lại là một nét văn hóa cực kỳ quan trọng.
Có nguồn gốc từ hàng ngàn năm trước, nhưng bói toán chỉ xuất hiện một cách quy củ kể từ thời kỳ Edo (1603 - 1867). Qua thời gian các hình thức bói toán của người Nhật ngày càng đa dạng.
Từ omikuji truyền thống (hình thức rút quẻ ở đền mỗi dịp đầu năm mới tại Nhật Bản) cho đến cung hoàng đạo, chiêm tinh... nhìn chung xã hội Nhật cực kỳ xem trọng cái gọi là vận mệnh.
Đối với người Nhật, bói toán là một ngành nghề được công nhận, và tất nhiên hoàn toàn hợp pháp.
Ngành nghề bạc tỉ
Nếu chỉ dựa vào những con số thì có thể nói người Nhật thực sự mê tín.
Theo thống kê từ TV Tokyo, mỗi năm người Nhật chi khoảng 1,2 tỷ yên (khoảng 256 tỉ đồng) để xem bói, và con số ấy có xu hướng tăng dần theo từng năm.
Nêu vậy để thấy nghề thầy bói ở Nhật "kiếm" rất được.
Như Misono - một thầy bói đang làm việc tại Tarim (khu vực dành riêng cho các thầy bói tại Harajuku, phường Shibuya) cho biết cô lấy phí 5000 yen (gần 1,1 triệu đồng) cho mỗi buổi xem kéo dài 30 phút.
Không khó để thấy hình ảnh này ở Nhật Bản.
Một ngày cô chỉ xem cho 8 người, làm 3 ngày/tuần. Công việc không có bảo hiểm, và phần lớn thu nhập được nộp về cho người quản lý.
Vậy mà cô cho biết thu nhập của mình thừa đủ để lo cho 2 con của mình ăn học.
Hiroshi Takeshita - một thầy bói khác ở Yokohama cũng lấy 5000 yen mỗi khách, nhưng khác ở chỗ đó là cơ sở xem bói do anh tự mở, nên không phải cắt lại chi phí cho bất kỳ ai.
Là một thầy bói có tiếng, mỗi ngày Takeshita xem cho 10 người, luôn luôn kín khách và ai muốn xem đều phải đặt lịch trước cả tháng.
Omikuji - hình thức bói truyền thống nhất của người Nhật.
Một số thầy bói khác còn có dịch vụ xem qua điện thoại, với mức chi phí từ 5000 - 8000 yen cho 20 phút tại khu vực Tokyo.
Với một số thầy bói "lành nghề" và nổi tiếng, mức phí thậm chí có thể lên tới 30.000 yen mỗi lần, tương đương hơn 6,6 triệu đồng.
Không chỉ là bói toán
Theo Kazunori Kawai là tổng biên tập của tạp chí Koiunreki - một trong ba cuốn tạp chí dành riêng cho bói toán tại Nhật Bản, lý do một phần là vì văn hóa Nhật chấp nhận khá nhiều tôn giáo khác nhau.
Đồng thời, khái niệm về "thần thánh" của người Nhật cũng góp phần giúp nghề bói toán trở nên phát đạt hơn ở Nhật.
"Hầu hết mọi người dù không theo bất kỳ tôn giáo nào, cũng dễ dàng chấp nhận về sự hiện diện của một vị thánh thần nào đó đang dõi theo và quyết định vận mệnh của mỗi chúng ta," - Kawai cho biết.
Còn Masakatsu Hayashi - chủ tịch của Starmark Co. - một công ty cung cấp chương trình bói toán chuyên nghiệp trên nền tảng website và điện thoại di động thì có cách giải thích khác: lý do đơn giản là.... mê tín.
Nghe thì hơi thừa thãi, nhưng người Nhật có xu hướng tìm đến thầy bói thay vì bệnh viện khi mắc các vấn đề về tâm lý.
Các phương pháp cơ bản trong bói toán Nhật Bản
Hayashi cho biết về cơ bản, nghề bói toán tại Nhật không đòi hỏi phải có chứng chỉ hay bằng cấp để hành nghề.
Tuy nhiên để là một thầy bói "chuyên nghiệp", một người buộc phải làm chủ được (tự học hoặc được đào tạo) 3 phương pháp sau.
Đầu tiên là "meisen" - phương pháp bói toán dựa trên ngày tháng sinh nhật, với các biến thể của chiêm tinh học của cả phương Đông lẫn phương Tây.
Tiếp theo là "bokusen" - hình thức bói bằng vật thể, như bài tarot, bói cầu pha lê, thậm chí là kinh dịch.
Cuối cùng là "sousen" - còn gọi là bói tướng số, dựa trên tướng mạo, ngoại hình của đối tượng. Có thể là bói chỉ tay, giải mộng...
Khi nền kinh tế xuống dốc, các công ty thắt chặt nhân sự, thúc ép công nhân viên làm việc, tạo ra những áp lực rất lớn. Họ lo lắng về tương lai bất định, lo bị sa thải, dần dần dẫn đến các chứng bệnh thần kinh.
Và họ tìm đến các thầy bói, một phần để cho khuây khoả, phần khác là để chia sẻ về các vấn đề bế tắc trong cuộc sống.
Với người Nhật, thầy bói thậm chí có thể thay thế các chuyên gia tư vấn tâm lý, thậm chí đôi khi là cứu vớt cả những người có ý định tự sát.
Thầy bói thậm chí có thể là chuyên gia tâm lý.
Tương lai u ám trước thời đại 4.0
Khi Internet và điện thoại di động xuất hiện, cũng là lúc các nền tảng bói toán "hiện đại" cũng ra đời.
Zappallas, công ty sở hữu mạng lưới bói toán trực tuyến lớn nhất Nhật Bản gồm hơn hơn 200 website. Kumiko Wada - người phát ngôn của Zappallas cho biết họ tiếp cận được hàng triệu người mỗi tháng.
Mỗi thành viên khi tham gia phải đóng 300 yen lệ phí/tháng, có nghĩa Zappallas có thể thu được hàng tỉ yen.
Thị trường bói toán qua ứng dụng di động cũng tăng trưởng rất mạnh. Theo số liệu năm 2009, giá trị của thị trường này đạt 18 tỷ yen, và luôn tăng trưởng rất ổn định trong những năm kế tiếp.
Tuy nhiên khi công nghệ phát triển quá nhanh, cách mạng công nghiệp 4.0 đến gần, ngành bói toán tại Nhật Bản cũng đang đứng trước một thay đổi rất lớn, kéo theo sự thất nghiệp của hàng ngàn thầy bói "lành nghề".
Trước tiên cần hiểu rằng một số phương pháp như thuật xem tướng có những căn cứ khoa học khá rõ ràng.
Thậm chí, có nghiên cứu còn đưa ra bằng chứng rằng việc bói toán thực chất là dựa trên cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể, sắc thái...
Điều này dẫn đến một câu hỏi, rằng nếu máy tính có thể xử lý và phân tích các thông tin cấu tạo nên cái gọi là "số phận", thì rất có thể robot cũng sẽ trở thành thầy bói trong tương lai?
Hiện nay, nhiều AI (trí tuệ nhân tạo) đang được "dạy" nhằm dự đoán hành động của con người, nghĩa rằng chúng thực sự có thể "xem bói" cho chúng ta.
Tại Hàn Quốc, công ty phần mềm Handasoft đã tung ra tới 13 ứng dụng xem bói trong suốt 5 năm qua.Jeomsin là ứng dụng nổi tiếng nhất của họ với hơn 3 triệu lượt tải về chỉ trong 2 năm.
Hàng ngày, chỉ cần bạn cung cấp ảnh chụp selfie hoặc ảnh lòng bàn tay, "thầy" Jeomsin sẽ đưa ra lời tiên tri cho ngày hôm đó.
Robot Buddha 1 - một trong những robot có khả năng xem bói hiện nay.
Các nhà nghiên cứu tại MIT đã thành công khi tạo ra một hệ thống máy tính có khả năng dự đoán thời điểm hai diễn viên sẽ hôn, bắt tay, ôm hoặc high-five (đập tay), chỉ bằng cách cho chúng "xem" hàng triệu giờ đồng hồ phim truyền hình.
Ở Trung Quốc, họ cũng đã tạo ra bộ máy tiên tri giúp nhận dạng tội phạm trong tương lai với tỉ lệ chính xác lên đến 9/10 trường hợp.
Sự xuất hiện của những "cỗ máy tiên tri" với độ chính xác ngày càng tăng khiến cho nhiều người tin rằng tương lai của ngành bói toán sẽ rất ảm đạm.
Viễn cảnh ấy có thành thực hay không, hãy để tương lai trả lời.
Tham khảo: Japan Times