Tính năng của những thiết bị mới được lắp trên xe tăng T-55 của Syria
Điểm khác biệt dễ nhận ra nhất của chiếc T-55 trong ảnh nằm ở máy đo xa laser lắp đặt ngay trên nòng pháo D-10T2S. Theo một số nguồn tin, thiết bị này có tầm hoạt động khoảng 4 km. Nhiều người cho rằng đây chỉ là trang bị mà Quân đội Chính phủ Syria (SAA) tự cải tiến.
Máy đo xa laser lắp trên nòng pháo 100 mm
Tuy nhiên khi xem xét kỹ hơn, các chuyên gia quân sự đánh giá đây là một phần của hệ thống nâng cấp hoàn toàn mới.
Tất cả các máy đo xa laser đều có kính bên phải phát tia, kính bên trái thu tia. Hoạt động trên nguyên tắc phát ra một chùm tia laser có tính hội tụ cao vào mục tiêu, sau đó thu tia phản xạ lại, dựa vào thời gian thu phát, máy có thể dễ dàng xác định cự ly đến mục tiêu
Trên nóc tháp pháo là một thiết bị dạng hình trụ, gồm nhiều cảm biến đặc biệt như cảm biến khí áp, cảm biến độ ẩm và cảm biến nhiệt.
Trụ cảm biến tích hợp bên phải tháp pháo
Bên trong xe là máy tính đạn đạo. Từ các chú thích tiếng Anh, ta có thể thấy bảng điều khiển cho phép pháo thủ nạp các thông tin về loại đạn (kể cả đạn súng máy 7,62 mm lẫn 14,5 mm), hướng và tốc độ gió. Máy tính sẽ nhanh chóng tính toán và đưa ra đường đạn lý tưởng nhất dựa trên những thông số pháo thủ vừa nạp và khoảng cách mà máy đo xa gửi về.
Các chú thích bên trái từ trên xuống: Núm điều chỉnh áp suất không khí; khối lượng đạn; công tắc laser. Các chú thích bên phải từ trên xuống: Núm điều chỉnh tốc độ và hướng gió; đèn hiển thị máy tính, động cơ và cảm biến; công tắc chọn loại đạn
Máy tính sẽ xuất ra kết quả trên kính ngắm tiềm vọng. Kính này đã được sửa đổi một chút nhằm phù hợp với mục đích sử dụng. Quá trình tính toán được tự động hóa hoàn toàn, không cần sự can thiệp của con người, ngoại trừ việc nhập thông tin về hướng và tốc độ gió. Đây là một tính năng nhằm duy trì hoạt động của máy trong trường hợp cảm biến bị phá hủy khi chiến đấu.
Ngoài ra còn có một màn hình kỹ thuật số hiển thị các tham số môi trường và cự ly từ xe đến mục tiêu.
Màn hình kỹ thuật số cùng một vài công tắc khởi động, công tắc chuyển tiếp thông tin cho chỉ huy (CDR - Commander) hoặc pháo thủ (GNR - Gunner)
Thành phần cuối cùng thuộc hệ thống là bảng điều khiển và đồng bộ hóa của máy đo xa laser
Ngoài nâng cấp tập trung vào hệ thống điều khiển hỏa lực thì súng máy hạng nặng DShK-M 12,7 mm đã được thay thế bằng khẩu KPV 14,5 mm, kèm theo đó là một số ống phóng đạn khói hai bên tháp pháo.
Nguồn gốc những thiết bị trên là từ đâu?
Giới chuyên gia cho rằng thiết bị này có xuất xứ từ Triều Tiên hoặc Ukraine. Khả năng nó đến từ Triều Tiên là cao hơn cả do hợp tác quân sự giữa Damascus và Bình Nhưỡng đã có truyền thống từ những năm 1970.
So sánh dễ nhận thấy hệ thống điều khiển hỏa lực trên các xe tăng T-55 này gần tương tự với tổ hợp Volna lắp đặt trên T-55M và T-62M có từ thời Liên Xô. Ở Nga, hệ thống này đã bị loại biên nhưng vì độ chính xác và tin cậy cao, nó vẫn được sản xuất và sử dụng trên các xe tăng của Triều Tiên.
Máy đo xa laser KTD-2 thuộc tổ hợp điều khiển hỏa lực Volna lắp trên xe tăng T-62M
Bảng điều khiển máy tính đã được dịch sang tiếng Ả Rập, vì vậy có thể suy ra Trung tâm Kỹ thuật Quân sự Syria, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động cải tiến kỹ thuật cho Quân đội Syria, đã nhập thiết bị từ nước ngoài rồi tự nâng cấp.
Đây cũng chính là đơn vị nghiên cứu chế tạo và lắp đặt đèn nhiễu Sarab-2 cho hàng trăm phương tiện chiến đấu của SAA cuối năm 2015, giúp làm giảm thiểu đáng kể thương vong cho lực lượng tăng - thiết giáp trên chiến trường.
Xe tăng Chonma-Ho - Phiên bản nâng cấp và cải tiến từ T-62M do Triều Tiên tự sản xuất. Lưu ý máy đo xa laser được lắp đặt trên nòng pháo 125 mm
Tuy là một quốc gia đang phát triển, chịu cấm vận trong nhiều năm, nhưng CHDCND Triều Tiên vẫn được đánh giá là sở hữu trình độ công nghệ quân sự khá cao. Điều này đã được chứng tỏ qua các thành tựu rực rỡ từ chương trình không gian, phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa, cho đến những dự án hạt nhân của họ.