Sau SPYDER, Việt Nam có nên mua tiếp tổ hợp phòng không hiện đại này của Israel?

Nam Đồng |

MR-SAM kết hợp cùng SPYDER-SR/MR sẽ tạo ra lưới lửa phòng không nhiều cự ly từ ngắn đến trung, trung-xa cực kỳ lợi hại.

Bầu trời Việt Nam hiện đang được bảo vệ bởi những hệ thống tên lửa phòng không có tầm hoạt động trải dài trên nhiều cự ly, từ tầm ngắn đến tầm xa, từ đã cũ cho tới hiện đại. Có thể kể ra đây một vài cái tên tiêu biểu như S-75M3, S-125-2TM, S-300PMU1... hay mới đây nhất là SPYDER-SR/MR.

Tương tự như "Cánh én bạc" MiG-21, một cựu binh khác có mặt trong biên chế từ thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ cũng sắp đến lúc phải "nhận sổ hưu", đó chính là các tổ hợp S-75 Volga/Dvina (hay còn được gọi bằng cái tên thông dụng SA-2).

Sở hữu tầm bắn khá xa, SA-2 đang là "cầu nối", bịt khoảng trống chiến thuật giữa S-300PMU1 với SPYDER-MR và S-125-2TM.

Sau SPYDER, Việt Nam có nên mua tiếp tổ hợp phòng không hiện đại này của Israel? - Ảnh 1.

Đạn tên lửa V-750 của hệ thống phòng không SA-2

Khi SA-2 được rút khỏi biên chế chiến đấu, việc tìm kiếm một ứng viên thay thế là điều chắc chắn phải tiến hành, bởi vì nếu bắt S-300 dùng đạn tầm xa của mình để diệt mục tiêu tầm trung hay trung-xa là một sự lãng phí lớn.

Vài năm trước xuất hiện nhiều dự đoán cho rằng Việt Nam có thể mua Buk-M2 tầm bắn 50 km để phối hợp tác chiến cùng S-300, nhưng hiện nay tổ hợp trên bị đánh giá đã bắt đầu lạc hậu, nhất là khi "người em" của nó - Buk-M3 đã ra đời.

Tuy vậy Buk-M3 vẫn bị coi là "bình mới rượu cũ", khi thực chất nó chỉ là bản mặt đất của hệ thống phòng không Shtil-1 lắp đặt trên các tàu chiến của Hải quân Nga, chưa có gì đột phá về công nghệ, thêm vào đó giá thành cũng rất đắt đỏ (ước chừng trên 150 triệu USD), gây trở ngại lớn cho quốc gia nào có ý định đặt mua.

Sau SPYDER, Việt Nam có nên mua tiếp tổ hợp phòng không hiện đại này của Israel? - Ảnh 2.

Hệ thống tên lửa phòng không Buk-M3

Đối với Việt Nam, liệu chúng ta nên mua Buk-M3 hay nên quay sang một lựa chọn khác tốt hơn, đó là MR-SAM - sản phẩm hợp tác giữa Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Israel (IAI) với Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO).

Hệ thống MR-SAM được thiết kế để tiêu diệt máy bay, tên lửa, trực thăng... đối phương ở cự ly lên tới 70 -100 km bằng tên lửa Barak 8. Trong năm 2015, DRDO đã phóng thành công tên lửa đánh chặn và xác định tầm bay, các thông số kỹ thuật đều thỏa mãn yêu cầu.

So với 9M317ME của Buk-M3 thì đạn đánh chặn Barak-8 có ưu thế ở độ nhỏ gọn, khi trọng lượng chưa bằng một nửa nhưng lại mang được đầu đạn tương đương cùng tầm hoạt động lớn hơn.

MR-SAM còn sử dụng radar dẫn bắn EL/M-2084 (phiên bản mặt đất của radar MF-STAR), đây cũng là một thành phần của SPYDER-MR, do vậy sẽ tạo ra sự thống nhất và liên kết các tổ hợp thành mạng lưới phòng không hợp nhất dễ dàng hơn.

Sau SPYDER, Việt Nam có nên mua tiếp tổ hợp phòng không hiện đại này của Israel? - Ảnh 3.

Một tổ hợp tên lửa phòng không MR-SAM

Ngoài ra còn phải kể tới việc một tổ hợp Buk-M3 rất cồng kềnh với nhiều thành phần: từ xe chỉ huy, cho tới xe radar trinh sát, xe radar điều khiển hỏa lực, xe mang phóng được trang bị radar dẫn bắn (TELAR), xe nạp đạn kiêm chấp hành phóng (TEL)... làm cho giá thành bị đội lên cao, thì nhìn tấm ảnh trên rất dễ nhận thấy ưu thế về sự gọn nhẹ của MR-SAM.

Bên cạnh đó, Việt Nam - Ấn Độ là đối tác chiến lược đặc biệt, không loại trừ khả năng New Delhi sẽ tác động để bán giá ưu đãi hay cấp tín dụng giúp chúng ta mua MR-SAM dễ dàng hơn.

Nhờ những ưu điểm như tầm bắn xa, gọn nhẹ, giá thành hợp lý, dùng chung thành phần và dễ dàng tích hợp với SPYDER-SR/MR để tạo thành biên đội tác chiến, khả năng Việt Nam bỏ qua Buk-M3 để mua MR-SAM nhằm thay thế SA-2 cũng là một giả thuyết được quan tâm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại