Gần đây, Moscow đã thông báo về đợt chuyển giao lô S-400 thứ hai cho Trung Quốc. Tin tức này lập tức thu hút sự chú ý của truyền thông.
Hôm 29/7, truyền thông Singapore thậm chí còn ví đợt chuyển giao này như một "nhân tố thay đổi cuộc chơi" trong khu vực. Một khi hoàn tất triển khai S-400, Quân đội Trung Quốc (PLA) sẽ giành được ưu thế lớn hơn tại eo biển Đài Loan.
Tuy nhiên, về phần mình, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng truyền thông nước ngoài đã quá cường điệu khi móc nối hệ thống tên lửa S-400 với tình hình tại eo biển Đài Loan.
Cụ thể, tờ Lianhe Zaobao (trụ sở tại Singapore) cho biết Moscow đã chuyển giao hệ thống phòng không S-400 cho Bắc Kinh trong bối cảnh căng thẳng tại eo biển Đài Loan đang gia tăng, và nhờ thế, PLA sẽ kiểm soát tốt hơn tình hình tại đây.
Trang mạng Defense News của Mỹ nhận định, phạm vi tấn công của S-400 sẽ bao trùm đảo Điếu Ngư và Đài Loan, nếu PLA triển khai hệ thống tên lửa này ở các vùng ven biển như tỉnh Sơn Đông và Phúc Kiến. Tờ này nhấn mạnh rằng, S-400 sẽ thay đổi "luật chơi" ở đông Á.
Trước đó, một chuyên gia phương Tây từng phân tích rằng, vai trò của S-400 sẽ thay đổi từ "phòng thủ" sang "tấn công" với các tên lửa tầm cực xa và năng lực tác chiến điện tử mạnh mẽ của hệ thống này.
Giả sử PLA phát động tấn công vào Đài Loan thì họ sẽ phá hủy căn cứ và đường băng của Không quân Đài Loan bằng cách triển khai các tên lửa đất-đối-đất trước tiên, sau đó những máy bay chiến đấu còn lại của Đài Loan sẽ bị S-400 tấn công trước khi chúng kịp cất cánh.
Trong trường hợp đó, PLA sẽ hoàn toàn chiếm quyền kiểm soát ưu thế đường không ở eo biển Đài Loan và chặt đứt đường hỗ trợ của Mỹ-Nhật dành cho hòn đảo này.
Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, quá cường điệu khi gán cho S-400 cái danh "nhân tố thay đổi cuộc chơi", mặc dù đúng là hệ thống của Nga sở hữu nhiều tính năng tiên tiến.
Bên cạnh đó, theo những chuyên gia này, nhận định cho rằng "các máy bay Đài Loan sẽ bị bắn hạ trước khi cất cánh nếu PLA triển khai S-400 dọc bờ biển phía đông nam Trung Quốc" thiếu khả năng phán đoán quân sự cơ bản.
Ngoài ra, trong bối cảnh các phương thức tấn công đường không liên tục được nâng cấp và công nghệ tác chiến điện tử nhanh chóng được triển khai thì không thể chỉ phụ thuộc vào 1 hoặc 2 hệ thống phòng không để thay đổi được cuộc chơi.
Hiệu quả của trang thiết bị phụ thuộc vào cả vào hệ thống hỗ trợ và vận hành. Mặc dù S-400 có tính năng vượt trội nhưng về bản chất, nó không thể thay đổi vai trò là vũ khí phòng thủ.
Các chuyên gia Trung Quốc cho hay, dữ liệu được công bố trong cuộc triển lãm hàng không trước đây chỉ cho biết tên lửa 48N6E3 có tầm bắn tối đa 250km ở bản xuất khẩu. Ngay cả nếu được tối ưu hóa tầm bắn lên 400km thì tên lửa 48N6E3 cũng khó có thể bắn hạ bất cứ mục tiêu nào, ở bất cứ độ cao nào, trong cự ly 400km do độ cong của Trái Đất.
Để bắn hạ các mục tiêu nằm trong phạm vi 400km, độ cao bay của mục tiêu phải ở mức trên 10.000m, trong khi chúng khó có thể đạt tới độ cao này khi mới cất cánh.
Các chuyên gia Trung Quốc nhận định thêm rằng, Trung Quốc đã chiếm ưu thế quân sự trước Đài Loan mà không cần phải triển khai S-400 để củng cố lợi thế này.
Tên lửa S-400 trong một cuộc diễn tập