Xe máy hay ô tô cũng chỉ là đống sắt vô tri, vậy đâu là thủ phạm tắc đường?

Bảo Nam |

Suốt thời gian vừa qua, màn đổ lỗi lẫn nhau giữa ô tô và xe máy vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Xe máy hay ô tô? Cuộc chiến không hồi kết

Tham gia những diễn đàn về giao thông trên Facebook, bạn ngày nào cũng được ngắm một tấm ảnh làm nóng cuộc chiến giữa ô tô và xe máy.

Người đi ô tô thì cho rằng, xe máy đi lộn xộn, len lỏi. Đa phần các vụ vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, tạt đầu… thủ phạm đều là người điều khiển xe máy. Sự cơ động của xe máy khiến cho giao thông hỗn loạn và đường xá cũng theo đó mà tắc theo.

Cá nhân tôi ngày nào cũng từ đường Phạm Hùng rẽ trái vào đoạn Nguyễn Chánh cạnh bến xe Mỹ Đình.

Bất chấp là đèn xanh đã bật sáng và các ô tô bắt đầu rẽ, xe máy từ đường Nguyễn Chánh vẫn vượt đèn đỏ hàng loạt, khiến ô tô bị tắc cứng ở giữa ngã tư. Chỉ cần 5 phút như vậy là đường tắc, cảnh sát cũng bất lực.

Xe máy hay ô tô cũng chỉ là đống sắt vô tri, vậy đâu là thủ phạm tắc đường? - Ảnh 1.

Vậy nên, tắc đường là do xe máy.

Trong khi đó “phe xe máy” thì lý luận rằng, ô tô thiếu ý thức, lấn hết sang làn xe máy thì chúng tôi đi vào đâu?

Hơn thế nữa, nếu làm bài toán: Diện tích chiếm dụng mặt đường và công năng sử dụng, ô tô thực tế mới là kẻ gây tắc đường.

Ví dụ: Ô tô chiếm diện tích mặt đường bằng 3-4 chiếc xe máy, nhưng rất nhiều ô tô chỉ có mỗi lái xe. Như vậy là thay vì có từ 3-8 người có thể lưu thông trong khoản diện tích đó, giờ đây chỉ có mỗi ông lái xe ô tô.

Ở Mỹ, người ta sáng tạo ra một làn đường dành riêng cho những chiếc xe ô tô gia đình, chở từ 4-6 người. Những chiếc xe chở đông người sẽ có làn riêng di chuyển, trong khi đó xe chỉ có duy nhất người lái thì phải xếp ở làn chung.

Cách tổ chức giao thông này giúp giảm thiểu đáng kể tình trạng tắc đường.

Đó là còn chưa kể đến tội đỗ xe tràn lan ở những con phố nhỏ, gây thu hẹp mặt đường đáng kể. Xe máy có thể phi lên vỉa hè đỗ, trong khi đó ô tô đỗ kín 2 bên đường, chỉ tạo ra một khoảng nhỏ ở giữa cho người di chuyển.

Vậy nên, ô tô mới là thủ phạm gây tắc đường. Cứ nhìn đường Nguyễn Chí Thanh vào giờ cao điểm chẳng hạn sẽ thấy: Ô tô đỗ kín cả 5 làn đường. Xe máy có biết bay mới thoát nổi.

Nhưng thủ phạm thật sự là…

Cá nhân người viết cho rằng, chẳng phải xe máy, cũng chẳng phải ô tô là thủ phạm gây tắc đường. Chúng chỉ là những đống sắt vô tri.

Thủ phạm gây tắc đường chính là những người điều khiển chúng.

Xe máy hay ô tô cũng chỉ là đống sắt vô tri, vậy đâu là thủ phạm tắc đường? - Ảnh 3.

Dù có dùng biện pháp chống tắc đường nào, điều quan trọng vẫn nằm ở ý thức của những người tham gia giao thông

Đài Loan là một trong những quốc gia phát triển vẫn cho phép xe máy lưu thông chung với ô tô. Tuy nhiên, người dân bên đó chạy xe vô cùng ý thức, chuẩn mực.

Ô tô có 2 làn, xe máy một làn trong cùng, không ai chen đường của ai cả. Kể cả làn xe máy trống rỗng và làn ô tô chẳng có chiếc xe nào di chuyển, họ cũng không “mượn” tạm làn của nhau để xài.

Tất cả xuất phát từ ý thức con người. Sẽ chẳng ai phải đổ lỗi cho ai nếu người lái ô tô không xâm phạm làn xe máy và ngược lại.

Sẽ không có những vụ tắc cứng giữa ngã tư vì những chiếc xe máy vượt cố đèn đỏ nếu người lái chiếc xe đó có ý thức.

Chúng ta có thể về nhà muộn hơn 5-10 phút, nhưng thư giãn, nhẹ nhàng hơn so với việc về sớm hơn 5-10 phút, nhưng phải căng thẳng chen chúc, chui rúc, lạng lách trên đường.

Người đi qua đèn xanh sẽ cứ thế mà đi mà chẳng cần quan tâm tới những kẻ thình lình xuất hiện từ phần đường mà các xe khác đều đang dừng.

Ý thức người lái xe quyết định tất cả. Bao nhiêu đường cũng không vừa với những tài xế ích kỷ và vô ý thức. Và ngược lại: Đường có chật hẹp cũng có thể thông với những bác tài biết nghĩ cho người khác.

Xe máy hay ô tô cũng chỉ là đống sắt vô tri, vậy đâu là thủ phạm tắc đường? - Ảnh 4.

Có nhiều đường đến mấy cũng không "ăn thua" nếu vẫn còn những tài xế hành động như thế này

Có người hỏi tôi câu này: Nếu xe máy phải đi làn sát vỉa hè, họ sẽ phải làm sao nếu cần rẽ trái ở các ngã tư lớn?

Như ở Việt Nam, 99% xe máy sẽ cắt chéo đầu hàng loạt ô tô để từ làn sát vỉa hè rẽ trái qua ngã tư. Và những cú cắt chéo với số lượng lên tới 10-30 chiếc xe cùng lúc sẽ ngay lập tức tạo ra khung cảnh hỗn loạn giữa ngã tư. Rồi lại tắc đường.

Đài Loan thực tế cũng gặp cảnh tương tự. Và họ phải nghĩ ra cách này: Những chiếc xe máy rẽ trái phải đỗ ở một ô vuông kẻ giữa ngã tư rồi tiếp tục chờ đèn đỏ cùng những phương tiện chờ đèn đỏ để đi thẳng. Khi hết đèn đỏ, xe máy sẽ lưu thông qua ngã tư bình thường.

Cách không thiếu. Vấn đề là con người có tuân theo hay không?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại