Đi tìm căn nguyên cho những pha vượt đèn đỏ tại Việt Nam

Bảo Nam |

Vượt đèn đỏ ngày càng trở thành căn bệnh nan y của giao thông Việt Nam. Để giảm thiểu tình trạng này, có lẽ nên nhìn vào nguyên nhân tại sao người Việt luôn sẵn sàng vượt đèn đỏ.

Sự xuất hiện của những chiếc camera hành trình gắn trên các ô tô ngày càng cho chúng ta thấy nhiều hơn những chiếc xe vượt đèn đỏ một cách liều lĩnh, bất chấp.

Hôm 2/1 vừa qua, tại chân cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội), một chiếc taxi bất chấp đường khá đông vẫn tăng ga vượt đèn đỏ và rồi tông thẳng một chiếc xe máy khiến tài xế xe máy văng xa cả chục mét.

Mới đây, hôm 9/1 vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh, 2 vị khách du lịch tình nguyện đứng điều tiết giao thông ở một ngã tư. Họ tuýt còi ngăn các phương tiện vượt đèn đỏ và giúp người qua đường an toàn.

Tuy nhiên theo rất nhiều người có mặt ở đó khẳng định: Bất chấp nỗ lực của 2 chàng tây ba lô tốt bụng, vẫn có khá nhiều xe hồn nhiên vượt đèn đỏ. Những kẻ vượt đèn đỏ thậm chí còn tỏ ra khó chịu khi bị chỉ trích.

Hai vị khách Tây và sự xấu hổ dành cho những ai vượt đèn đỏ

Báo chí đã có khá nhiều bài viết lên án gay gắt hành động vượt đèn đỏ, thậm chí thành phố Quy Nhơn, cực chẳng đã, từng phải treo tấm băng rôn: "Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học", ở ngã tư để đánh vào tâm lý xấu hổ của người dân.

Đáng tiếc, mèo vẫn cứ hoàn mèo.

Thật ra những người Việt vẫn còn tôn trọng pháp luật không cần quá chán nản, bởi chuyện vượt đèn đỏ diễn ra ở khắp nơi trên thế giới.

Trang Roadio của Mỹ từng phải chạy một loạt bài phân tích cho người dân thấy những thống kê đáng sợ về chuyện vượt đèn đỏ như: 733.000 ca chấn thương/năm vì vượt đèn đỏ, tại bang Arizona, từ năm 1999 đến nay, 80% vụ tai nạn chết người có liên quan tới vượt đèn đỏ…

Tuy nhiên, trong khi thế giới vượt đèn đỏ vì 3 lý do chủ chốt: Lái xe thiếu kiên nhẫn, xe đã chờm vào giữa ngã tư và không kịp đạp phanh (3 lý do được tờ New York Post thống kê) thì ở Việt Nam, những lý do có phần nhiều hơn và khác biệt khá nhiều.

Và sau đây là những lý do tương đối đặc thù, gián tiếp thúc đẩy người dân xem thường pháp luật, coi chuyện vượt đèn đỏ là bình thường:

+ Sự dung túng của những "đồng phạm"

2 năm trước tôi có dịp sang Hàn Quốc du lịch. Trên taxi từ sân bay về trung tâm thành phố, tôi hỏi người lái xe taxi: Ở Seoul có ai vượt đèn đỏ không?

Lái xe khẳng định: Vẫn còn rất nhiều người vượt. Tuy nhiên, vượt đèn đỏ ở Seoul là một hành vi cực kỳ liều lĩnh. Bạn có thể bị chiếc xe đi đúng tông thẳng vào người. Chúng tôi không bao giờ nhường người vượt đèn đỏ cả.

Bây giờ hãy xem một con số ở Mỹ: Hiệp hội an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) cho biết, trung bình mỗi năm nước Mỹ có 2,3 triệu trường hợp vượt đèn đỏ và có tới 800.000 tai nạn liên quan tới chuyện này.

Có nghĩa là cứ trung bình 2,8 xe vượt đèn đỏ là 1 xe gặp tai nạn do bị xe đi đúng chiều tông vào.

Ở Hà Nội thì sao? Những chiếc xe hồn nhiên vượt đèn đỏ và thậm chí còn được những chiếc xe đi đúng… nhường đường. Tại sao họ nhường đường? Vì chính họ thi thoảng cũng vượt đèn đỏ nên không ai lên án gay gắt chuyện này làm gì.

Chiếc ô tô vượt đèn đỏ khiến cả đoàn xe máy đang đi phải dừng lại

Chính sự dung túng, bao bọc ấy tạo nên tâm lý: Vượt đèn đỏ là chuyện bình thường. Những kẻ phá vỡ sự thượng tôn của pháp luật không hề chịu sự chỉ trích, lên án của dư luận, hay nặng nề hơn là sự trừng phạt như chuyện trung bình 2,8 xe vượt đèn đỏ là 1 xe gặp tai nạn như ở Mỹ.

Vậy nên họ thích là họ vượt thôi. Tâm lý "tránh voi chẳng xấu mặt nào" đang gián tiếp tạo điều kiện để những kẻ vượt đèn đỏ hồn nhiên vượt.

+ Sự mất niềm tin

Sự lộn xộn chung ở rất nhiều nơi lẽ ra phải văn minh như siêu thị, sân bay, rạp chiếu phim… đang khiến niềm tin vào sự trật tự của xã hội bị sói mòn.

Tâm lý của những người dừng đèn đỏ luôn sợ hãi khi đèn xanh bật sáng, họ sẽ không đến lượt thong dong đi qua ngã tư, mà sẽ bị những xe khác đè đầu, cướp đường. Vậy nên thay vì kiên nhẫn chờ đợi, họ cũng vượt để giành lấy lợi thế cho mình.

+ Một thế hệ luôn nói: Tôi

Đây là một trong những nguyên nhân từng xuất hiện trên các tờ báo ở Nhật Bản. Những con người luôn coi bản thân là nhất. Với họ, sự tiện lợi của chính họ lấn át hoàn toàn những quy chuẩn xã hội. Nói nôm na là những con người ích kỷ.

Sự ích kỷ lâu dần tạo thành thói quen. Những người này không có nhu cầu nhìn rộng ra tổng thể mà chỉ chăm chăm giành giật những gì phục vụ cho riêng họ, bao gồm cả thời gian dừng chờ đèn đỏ.

+ Sự bùng nổ về dân số

Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới xu hướng vượt đèn đỏ tràn lan ở các thành phố lớn. Việc phải dừng chờ 5, 6 nhịp đèn để đi qua một ngã tư khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi. Và họ vượt.

Có lẽ đã tới lúc cần những cách thức tuyên truyền mạnh hơn, trực tiếp hơn, đánh trúng vào tâm lý để những kẻ vượt đèn đỏ cảm thấy họ khác biệt hoàn toàn so với xã hội văn minh. Đến khi đó tình trạng này họa may mới giảm được ít nhiều.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại