Niềm hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc đời của những đôi vợ chồng khuyết tật có lẽ là việc họ sinh ra được những người con bình thường.
Tuy nhiên, đáng buồn thay, những người con ấy đôi khi lại nghĩ đây là điều bất hạnh nhất cuộc đời mình ở những thời điểm ấu thơ.
Chúng tự ti, xấu hổ vì có bố mẹ hao khuyết; né tránh khi xuất hiện cùng họ ở đám đông, thậm chí là hắt hủi, xa lánh không coi họ là gia đình, là người sinh ra mình,...
Và đó cũng chính là những gì mà Akiko Asakawa (56 tuổi) muốn kể. Bà hiện đang làm việc với vai trò là một thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu cho người câm điếc ở Itabashi-ku, Tokyo.
Bà Akiko bén duyên với nghề này bắt nguồn từ những hối hận về những gì bà đã làm với bố mẹ khi còn sống.
Akiko Asakawa đang hướng dẫn người điếc về ngôn ngữ ký hiệu.
Cô con gái nhỏ xấu hổ vì có bố mẹ bị điếc
Akiko Asakawa sinh ra ở Tokyo vào năm 1963 trong một gia đình có cả bố lẫn mẹ đều bị điếc bẩm sinh. Bà kể, khi còn là một đứa trẻ, bà đã rất xấu hổ vì bố mẹ mình không thể nghe thấy bất cứ thứ gì.
Đôi khi bà còn hoang mang trước cách bố mẹ giao tiếp với nhau bằng những ký hiệu mà bà cho là khá "ngớ ngẩn".
"Tôi ngại phải giao tiếp với mẹ trên tàu hay xe buýt những khi hai mẹ con ra ngoài cùng nhau.
Những khi ấy, tôi ra dấu cho bà đừng dùng ngôn ngữ ký hiệu nữa, vì làm thế mọi người sẽ chú ý. Sẽ biết bà là người điếc và tôi là con gái của một người điếc" - Akiko Asakawa hồi tưởng.
Gia đình Akiko Asakawa.
Bà kể tiếp, một lần khác, trường tiểu học của bà có tổ chức hội thao mời tất cả phụ huynh đến cổ vũ và tham gia chơi bóng chày cùng học sinh.
Tất nhiên, bố mẹ của bà cũng đến, nhưng thay vì giống như bao ông bố bà mẹ khác ngồi cổ vũ cho con mình hoặc hướng dẫn con chơi bóng thì bố mẹ của bà chỉ mỉm cười và kêu lên những âm thanh mà chính họ cũng không hiểu, đó là lý do khi ấy Akiko chỉ biết chạy loanh quanh sân.
"Đến khi mẹ tôi chơi bóng. Tôi nhớ như in gương mặt buồn bã của bà khi ấy, bà không biết phải làm gì, không nghe thấy tiếng tôi hướng dẫn hay cổ vũ.
Đến giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy hối tiếc vì bản thân đã không giúp gì được cho bố mẹ" - Akiko chia sẻ.
Akiko Asakawa lúc bé.
Những gì quan trọng nhất bố mẹ và con cũng không thể hiểu nhau
Tiếp đó là chuỗi những ngày gia đình Akiko Asakawa rơi vào tĩnh mịch. Giữa bố mẹ và con cái dường như có một khoảng cách gì đó rất lớn mà không có loại ngôn ngữ nào có thể cải thiện được.
Khi Akiko bước vào năm 3 trung học. Thông thường ở giai đoạn này, thế hệ bà đều chọn tìm việc làm sau khi tốt nghiệp nhưng riêng Akiko thì không, bà cảm thấy mình muốn đi học đại học.
Tuy nhiên bà không thể nào truyền tải được hết những mong muốn và suy nghĩ của mình cho bố mẹ được.
Bố mẹ Akiko: Ông Shozo và bà Taiko.
Vốn từ ngôn ngữ ký hiệu của bà chỉ dùng trong giao tiếp thường ngày, còn trong những vấn đề lớn hơn cần được sự sẻ chia sâu sắc chia của bố mẹ, Akiko hoàn toàn bất lực.
Hơn nữa, bà cho biết, bố của bà không được đi học đến nơi đến chốn, ông thậm chí không thể viết, mẹ bà thì cũng chỉ được đi học đến lớp 3.
Vì vậy, họ không tài nào hiểu được con gái mình, cũng như là các vấn đề xoay quanh môi trường đại học mà Akiko mong muốn.
Đến cuối cùng, Akiko đành phải từ bỏ việc học đại học. Lại một lần nữa, bà cảm thấy việc bố mẹ bị điếc thật sự rắc rối và có chút gì đó khó chịu.
Quyết tâm theo học ngôn ngữ ký hiệu
Thời gian thấm thoát trôi đi, mãi đến năm 1995 thì mẹ Akiko qua đời. Akiko kể, khi ấy bố bà phải sống một mình trong buồn bã.
Ông không biết giao tiếp cùng ai, không còn người bạn, người tri kỷ đầu ấp tay gối trong thế giới vắng lặng như tờ.
Với nghĩa vụ là một đứa con gái, bà tự nhủ phải làm một cái gì đó cho bố mình. Và lúc này đây ý định đi học ngôn ngữ ký hiệu bắt đầu lóe lên trong đầu bà. Nó có thể giúp bà giao tiếp nhiều hơn với bố để ông vơi đi nỗi buồn.
Đáng tiếc thay do phải sinh con và chăm sóc con nhỏ nên ý định của Akiko bị trì hoãn.
Akiko Asakawa và mẹ.
Càng buồn hơn, đến năm 1999 khi việc chăm sóc con cái của Akiko đã ổn định thì bố bà cũng ra đi. Nuối tiếc vì những gì mà bà chưa làm được cho bố mẹ, sống bao năm với danh nghĩa là con của người điếc mà bà không hề biết gì về thế giới của họ.
Akiko vẫn giữ nguyên quyết định theo học một khóa ngôn ngữ ký hiệu.
"Dù đã muộn màng nhưng ít nhất tôi có thể nói chuyện với bạn bè của bố mẹ tôi bằng ngôn ngữ ký hiệu. Qua đó biết đâu tôi có thể hiểu bố mẹ mình thêm một chút thì sao" - Akiko bộc bạch.
Bước chân vào thế giới của người điếc và những nuối tiếc muộn màng
Khi học ngôn ngữ ký hiệu được một thời gian, Akiko mới ngộ ra được nhiều điều - những điều mà bà chưa bao giờ muốn tìm hiểu mãi cho đến lúc bố mẹ không còn trên đời nữa.
Mỗi thứ mà bà biết thêm về thế giới của người điếc, giống như từng mũi dao đâm vào tim bà khiến bà phải ân hận vì sự tệ bạc của bản thân dành cho bố mẹ khi xưa.
Đôi khi nói chuyện với nhiều người điếc, nghe về những câu chuyện riêng tư của họ, Akiko Asakawa thấy hình bóng của mình trong đó. Bà nói: "Liệu có phải tôi đã từng làm những hành động rất thô lỗ với bố mẹ mình hay không?
Tôi đã ngoảnh mặt đi trong lạnh giá, không quay đầu lại mặc dù có những điều quan trọng mà họ muốn tôi hiểu, tôi cũng không nói với họ những gì bản thân muốn sẻ chia".
Gia đình Akiko Asakawa.
Từ những nuối tiếc, từ những điều dang dở chưa làm được cho bố mẹ. Akiko Asakawa quyết tâm trở thành một thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu dành cho người câm điếc.
Bà chia sẻ những gì mà bà không làm được cho bố mẹ khi xưa, bà sẽ bù đắp cho những người khác giống họ. Ít ra bà cũng sẽ thấy nhẹ nhõm hơn phần nào:
"Tôi sẽ bù đắp những gì mà người điếc cần. Tôi muốn bố mẹ ở thế giới bên kia biết rằng, giờ đây tôi đã có thể tự mình nói chuyện với họ bằng ngôn ngữ ký hiệu".