Xả súng hàng loạt ở Mỹ - xu hướng nguy hiểm tăng nhanh

Minh Hạnh |

Những vụ xả súng tại nơi công cộng của Mỹ ngày càng có xu hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ nguy hiểm trong những năm gần đây. Chính phủ Mỹ đã vô cùng đau đầu để nghĩ cách giải quyết cho vấn đề này.

Ngày 17-6-2016, cả nước Mỹ bàng hoàng trước vụ xả súng đẫm máu khi một người thanh niên da trắng đã xả đạn khiến 9 người da màu thiệt mạng một nhà thờ dành cho người Mỹ gốc Phi ở Charleston, Nam Carolina. Kể từ vụ việc trên, người ta ước tính, trung bình 47 ngày lại có khoảng 4-5 người thiệt mạng do súng đạn. Chỉ trong năm 2018, trên toàn nước Mỹ đã xảy ra hơn 300 vụ xả súng. Điều này cho thấy, vấn đề quản lý súng đạn của Mỹ đang “nóng” hơn bao giờ hết.

Mới đây, 2 vụ xả súng đẫm máu tại Mỹ đã xảy ra trong ngày 3-8, thời gian giữa 2 vụ việc trên chỉ cách nhau 13 giờ đồng hồ. Sáng 3-8, tại El Paso, bang Texas, 22 người đã thiệt mạng và 24 người khác bị thương, tất cả đều là nạn nhân của súng đạn. Hung thủ được xác định là một thanh niên 21 tuổi, đã dành tới 10 giờ đồng hồ lái xe từ nhà hắn ở gần Dallas tới thành phố gần biên giới Mexico để thực hiện hành vi phạm tội của mình. Mục tiêu của hắn là những người Latinh sinh sống tại đây, trong số 22 người xấu số đã thiệt mạng, có tới 9 người là công dân Mexico.

Sau đó 13 giờ đồng hồ, 36 người khác đã đổ máu, trong đó có 9 người tử vong, trong một vụ xả súng khác xảy ra ở khu giải trí ở Dayton, bang Ohio khi một thanh niên đeo mặt nạ nổ súng liên tiếp vào dòng người có mặt tại khu vực đó. Em gái hung thủ cũng nằm trong số 9 nạn nhân xấu số thiệt mạng.

Xả súng hàng loạt ở Mỹ - xu hướng nguy hiểm tăng nhanh - Ảnh 1.

Nhà thờ dành cho người da màu bị tấn công ở Charleston, Nam Carolina năm 2016

Mức độ ngày càng nghiêm trọng

Chỉ 8 tháng trước vụ việc gây chấn động ở Charleston hồi năm 2015, một thiếu niên 15 tuổi đã bắn chết 4 người bạn sau đó tự tử tại trường Marysville Pilchuck ở Thủ đô Washington. Khoảng cách 8 tháng giữa các vụ xả súng được đánh giá là tương đối dài. Tính theo số liệu nghiên cứu của Washington Post, khi ấy cứ trung bình 4 tháng mới xảy ra một vụ xả súng trên lãnh thổ nước Mỹ.

Lật ngược lại thời gian về trước năm 1999, người ta chỉ ra rằng, khoảng cách trung bình giữa những vụ xả súng còn dài hơn nữa, khoảng 6 tháng, người dân nước này mới lại phải hứng chịu một vụ tấn công như vậy.

Những con số trên đã cho thấy các vụ tấn công bằng súng tại Mỹ đang tăng lên nhanh chóng. Tính tới nay, trung bình cứ khoảng 6 tuần lại xảy ra một vụ việc thương tâm cướp đi sinh mạng nhiều người. Những vụ việc được đánh giá là xả súng được ghi nhận từ năm 1966 tới nay và đặc điểm là: có ít nhất 4 người thiệt mạng chưa kể thủ phạm; xảy ra ở nơi công cộng hoặc khu vực tụ tập đông người; có liên quan tới các tội ác khác như cướp giật hoặc giết người thân trong gia đình. Tính tới ngày 5-8, trang GunViolenceArchive.org chỉ ra trong năm 2019, tại Mỹ đã xảy ra tới 255 vụ xả súng như vậy.

Số người tử vong tăng cao

Tính từ năm 1966, tổng số nạn nhân thiệt mạng do các vụ xả súng ước tính khoảng 1.196 người. Gần một phần ba trong số 1.196 nạn nhân xấu số đó thiệt mạng trong các vụ tấn công tính từ sau vụ xả súng ở Charleston hồi năm 2015 tới nay. Và hai trong số những vụ xả súng đẫm máu nhất tại Mỹ cũng xảy ra trong khoảng 4 năm gần đây.

Vụ việc đẫm máu nhất được ghi nhận hồi tháng 10-2017 tại Las Vegas, khi một đối tượng 64 tuổi trang bị súng trường công suất cao đã xả đạn từ cửa sổ một khách sạn nhắm vào lễ hội âm nhạc cạnh đó. Vụ tấn công khiến 58 người thiệt mạng và 564 người khác bị thương. Tay súng sau đó đã tự sát tại chỗ. Giữa năm 2016, một tay súng khác đã tấn công Pulse, một hộp đêm đồng tính ở thành phố Orlando, bang Florida. Vụ xả súng đã cướp đi sinh mạng của 49 người vô tội có mặt tại Pulse. Đây được đánh giá là vụ tấn công đẫm máu với con số tử vong cao thứ 2 tại Mỹ.

Nhìn vào những số liệu trên do tờ Washington Post đưa ra, có thể thấy rõ mức độ nguy hiểm ngày một gia tăng của những vụ xả súng tại Mỹ.

Độ tuổi những tay súng trẻ hóa

Những tay súng tại Mỹ có độ tuổi tính từ 11 tới 73, nhưng phần lớn trong đó là những người trẻ hoặc trong tuổi trung niên. Độ tuổi trung bình của những tay súng từ trước vụ tấn công năm 2015 là khoảng 34, song kể từ sau đó, con số này đã giảm xuống còn 32.

Kể từ sau vụ tấn công nhà thờ Charleston, có tới 20 tay súng mới chỉ khoảng 20 tuổi, có tới 2 người khác đang trong tuổi thiếu niên. Trong vụ tấn công mới đây nhất ở El Paso, thủ phạm cũng là nam thanh niên mới 21 tuổi. Điều này đã chỉ ra rõ một điều, độ tuổi những tay súng của Mỹ đang “được” trẻ hóa.

Địa điểm xả súng thay đổi theo thời gian

Thật khó có thể chỉ ra cụ thể những địa điểm có khả năng xảy ra những vụ tấn công đẫm máu như vậy khi mà giờ đây các tay súng có thể xả đạn ở bất kỳ nơi nào chúng nhắm tới từ viện dưỡng lão, khu vui chơi giải trí, rạp hát, thậm chí là cả trường học. Nơi nào tụ tập đông người cũng có thể trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ này.

Vụ xả súng ở El Paso và Dayton diễn ra tại các khu vực bán lẻ sầm uất, đây được xem là 1 trong những địa điểm có khả năng bị tấn công cao trong những năm gần đây. Hơn một phần ba vụ xả súng khác cũng xảy ra ở khu vực các cửa hàng, nhà hàng. Tuy nhiên, trước vụ việc ở Charleston, các tay súng lại thường nhắm mục tiêu vào các tòa nhà văn phòng hoặc các khu vực khác như nhà kho.

Dù người ta cho rằng, các tay súng có xu hướng lựa chọn địa điểm tấn công giống nhau và thay đổi theo thời gian, song việc dự đoán hay cảnh báo trước những khu vực có nguy cơ bị nhắm tới vẫn là điều không thể. Những vụ xả súng có thể xảy ra ở khắp nơi trên lãnh thổ Mỹ, ở tất cả các bang, tại các khu đô thị lớn, thành phố và nông thôn.

Xả súng hàng loạt ở Mỹ - xu hướng nguy hiểm tăng nhanh - Ảnh 2.

Thủ phạm xả súng ở El Paso

Nguyên nhân, động cơ ngày càng đa dạng

Bên cạnh mục đích cướp giật, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ tấn công đẫm máu như vậy. Các tay súng không chỉ là những kẻ có tiền án bạo lực, thành phần của các tổ chức khủng bố, cực đoan mà còn bao gồm cả học sinh, sinh viên và cả cựu chiến binh.

Thủ phạm có thể tấn công những người vô tội với động cơ trả thù. Điển hình là vụ việc giữa năm 2018, một tay súng đã tấn công tòa soạn báo Capital Gazette ở Maryland khiến 5 người thiệt mạng vì cho rằng trang báo này đã tung tin không hay về mình.

Một nguyên nhân khác có thể nằm ở tâm lý kẻ xả súng. Tối 7-11-2018, một vụ xả súng đẫm máu khác đã cướp đi sinh mạng 12 người đã xảy ra tại quán Borderline Bar & Grill ở thành phố Thousand Oaks, bang California, Mỹ. Nghi phạm được xác định là Ian David Long, cựu binh thủy quân lục chiến Hoa Kỳ từng chiến đấu ở Afghanistan. Có vẻ như chiến tranh đã ảnh hưởng không nhỏ lên tâm lý của cựu quân nhân này.

Ngoài ra, động cơ gây án của kẻ phạm tội còn do tư tưởng phân biệt sắc tộc ăn sâu vào suy nghĩ. Vụ việc nam thanh niên người da trắng tấn công nhà thờ dành cho người da màu tại Charleston là một minh chứng rõ nhất cho việc này.

Ảnh hưởng từ phim ảnh và trò chơi điện tử cũng là một nguyên nhân gây ra những vụ tấn công đẫm máu như vậy và khiến độ tuổi những tay súng ngày càng trẻ hóa.

Sau những vụ việc trên, Mỹ vẫn đang phải loay hoay tìm cách kiểm soát súng đạn để hạn chế những vụ tấn công như vậy.

Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, mạng xã hội và Internet là nguyên nhân đằng sau sự tăng nhanh của những vụ xả súng trên, bởi hai nền tảng này chứa nhiều thông tin cực đoan và bạo lực có ảnh hưởng vô cùng lớn tới tâm trí rối loạn của người dùng, đặc biệt là thanh thiếu niên.

Mỹ vẫn đang phải loay hoay tìm cách kiểm soát súng đạn để hạn chế những vụ tấn công như vậy. Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, mạng xã hội và Internet là nguyên nhân đằng sau sự tăng nhanh của những vụ xả súng trên, bởi hai nền tảng này chứa nhiều thông tin cực đoan và bạo lực có ảnh hưởng vô cùng lớn tới tâm trí rối loạn của người dùng, đặc biệt là thanh thiếu niên.

Link gốc bài viết tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

súng

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại