Bloomberg: Hai câu hỏi khó và điều "phi logic" đằng sau việc Mỹ vội vã giáng đòn đau vào kinh tế TQ

Tất Đạt |

Tuyên bố bất ngờ của Bộ Ngân khố Mỹ trong việc liệt Trung Quốc vào danh sách "quốc gia thao túng tiền tệ" đã làm dấy lên nhiều câu hỏi cần được giải đáp.

Theo Bloomberg, đáp án cho hai câu hỏi quan trọng dưới đây sẽ phần nào giúp dự đoán được "đường đi nước bước" của hai cường quốc kinh tế thế giới trong thời gian tới.

Việc liệt kê này có hợp lí không?

Bloomberg cho hay, Trung Quốc hiện không phù hợp với các tiêu chí thông thường để bị liệt là quốc gia thao túng tiền tệ. Mặc dù hiện Trung Quốc vẫn có thặng dư thương mại với Mỹ, nhưng nhìn chung khoản thặng dư này không được duy trì ở mức cao. Dự trữ ngoại hối và số lượng trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ đã giảm trong vài năm qua.

Bên cạnh đó, sự can thiệp của chính phủ trong các quy trình làm biến động tỉ giá đã làm chậm lại quá trình đồng Nhân dân tệ (NDT) yếu đi hơn là thúc đẩy quá trình này. Trên thực tế, nếu Bộ Ngân khố Mỹ quyết định liệt Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ chỉ dựa trên những động thái gần đây, thì đáng nhẽ Mỹ đã phải làm điều này từ nhiều năm trước.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên các định nghĩa về thao túng tiền tệ, thì có thể sẽ bỏ lỡ những khía cạnh quan trọng khác. Cả Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầu vũ khí hóa các công cụ kinh tế trong cuộc chiến tranh thương mại, bắt đầu từ giao dịch, đầu tư nước ngoài và tới nay là tiền tệ. Tất cả những cuộc mâu thuẫn đều không chỉ liên quan tới các lí do về kinh tế, mà còn về an ninh quốc phòng và những vấn đề đối nội của mỗi nước.

Bloomberg: Hai câu hỏi khó và điều phi logic đằng sau việc Mỹ vội vã giáng đòn đau vào kinh tế TQ - Ảnh 1.

Cuộc chiến Mỹ - Trung đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo mạnh trong những ngày đầu tuần. Ảnh: AP

Từ quan điểm của chính phủ Mỹ, Trung Quốc đã từ lâu đã "chà đạp" lên các quy chuẩn quốc tế về bảo vệ sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Mỹ cho rằng Trung Quốc hỗ trợ cho các công ty nội địa trong khi những công ty công nghệ phát triển nhanh đều được cho là có liên quan tới chính phủ.

Lí do mà nhiều quan chức chính phủ Mỹ đưa ra để chỉ trích Trung Quốc là yếu tố thời gian. Khi Trung Quốc tăng trưởng quá mạnh mẽ, quốc gia này sẽ có nhiều tiếng nói hơn trên hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu, và gián tiếp thu hẹp cơ hội của Mỹ đối với các vấn đề đối ngoại.

Vấn đề của Bắc Kinh là Mỹ hiện đã công khai tìm cách "kìm hãm" Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh đã phải cân nhắc cẩn trọng tới các hậu quả sau khi Mỹ liệt nước này là quốc gia thao túng tiền tệ. Điều này có thể lí giải tại sao ngân hàng trung ương Trung Quốc chỉ phản ứng bằng tuyên bố rằng quyết định của Mỹ đã "vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế" mà không có hành động trả đũa kèm theo.

Quyết định của Mỹ sẽ có ảnh hưởng tới đâu?

Trong thông cáo báo chí, Bộ Ngân khố Mỹ nói: "Bộ trưởng Mnuchin sẽ cùng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xóa bỏ lợi thế bất công mà Trung Quốc đã tạo ra". Nhưng mới chỉ vài tháng trước, IMF đã không tìm thấy bằng chứng nào về việc Trung Quốc thao túng tiền tệ.

Tuy nhiên, việc liệt Trung Quốc vào danh sách nói trên sẽ đặt quốc gia này vào tầm ngắm của các lĩnh vực nhà nước và tư nhân ở Mỹ. Đây cũng là điều chính phủ Mỹ sẽ sử dụng để áp lực các đồng minh thân cận phải có hành động quyết liệt hơn nhằm vào Trung Quốc - đặc biệt khi liên quan tới vấn đề sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.

Từ những nguyên nhân và kết quả trên, có thể thấy việc liệt Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ là một sự leo thang khác trong cuộc căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ.

Các chuyên gia cho rằng, mối quan hệ giữa hai cường quốc sẽ tiếp tục xấu đi trước khi có dấu hiệu phục hồi trở lại. Điều tốt nhất có thể mong đợi hiện nay là một thỏa thuận đình chiến tạm thời. Trong tương lai vài tháng tới - hoặc vài năm tới - viễn cảnh khả thi nhất là thương chiến sẽ càng ngày càng căng thẳng theo cùng với biến động trong cuộc mâu thuẫn tiền tệ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại