Vụ TMV Cát Tường: Những tình tiết không thể bỏ qua về Tường qua lời kể của luật sư

Hoa Đỗ |

Tiến sĩ - luật sư Chu Thị Trang Vân, bào chữa cho bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, cho hay, qua luật sư, Tường quyết định chia sẻ những băn khoăn quanh cáo buộc mới.

 

Quanh co chuyện chị Huyền co giật hay co tay trước khi chết

Theo bà Vân, từ khi VKSND TP Hà Nội ra bản cáo trạng thay thế cáo trạng cũ, luật sư đã 2 lần làm việc với Tường. Sau đó vụ án được chuyển sang TAND TP Hà Nội, được tiếp xúc với hồ sơ, luật sư Vân đã trao đổi lại với Tường. Với cáo buộc mới này, Tường đưa ra nhiều điểm không đồng tình.

Thứ nhất, bản cáo trạng mới có đoạn “chị Huyền bị co giật”. Theo Tường, chị Huyền “co tay”, một phản xạ tự nhiên vì cảm giác đau khi thuốc gây tê chưa ngấm. Chuyện “co giật” và “co tay” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Ở bản cáo trạng cũ không có chi tiết này và bà Vân nói, “chị Huyền bị co giật” là lời khai của một nữ y tá tại phiên tòa. Quá trình điều tra bổ sung, luật sư không thấy CQĐT lấy lời khai của y tá này. “Điều tra lại phải củng cố chứng cứ nhưng lời khai này không được làm rõ; biên bản tại tòa lại trở thành nguồn chứng cứ” – luật sư nói.

Thứ 2, theo cáo trạng, khoảng 12g30 phút ngày 19-10-2013, Tường đi xe ô tô đến thẩm mỹ viện (TMV), bảo chị Vân và Hoa pha 5 chai thuốc…”. Trong khi, bị cáo khẳng định, đến TMV là bắt tay vào làm ngay. Ngoài ra, cáo trạng còn đề cập, trong lúc phẫu thuật, Tường bảo chị Vân đi mua thuốc động kinh. Tường khẳng định, sau khi chuyển chị Huyền sang phòng hậu phẫu, đo thấy các chỉ số ổn định, Tường đi lễ. Đang lễ thì nhận được điện thoại báo tình trạng của nạn nhân, lúc này, Tường mới bảo chị Vân đi mua thuốc động kinh phòng trường hợp khách hàng bị động kinh nhưng không mua được.

Thứ 3, được thông báo đã tìm thấy xác chị Huyền, Tường cảm thấy nhẹ lòng, giải tỏa được tâm lý. Tuy nhiên, khi được nhận dạng chiếc áo mà chị Huyền mặc hôm đến làm thẩm mỹ (áo không cổ, tay cộc, có hoa văn) thì Tường thấy không trùng khớp. Như lời bác sĩ này, trong trí nhớ của anh ta, nạn nhân mặc áo sơ mi màu trắng, hoa văn màu đen, tay lỡ và có cổ (thường thì khi phẫu thuật ngực cho khách hàng, bác sĩ thường yêu cầu nạn nhân mặc áo cài cúc để lúc thay đồ hạn chế đau).

Thứ 4, cáo trạng kết luận, Tường và người quản lý là chị Mai, bảo các nhân viên tháo dỡ, thu dọn đồ… cất giấu. Song bị cáo quả quyết, mình không sai bảo ai. Sau khi về hiện trường, đo thấy chỉ số của chị Huyền không còn, bị cáo lao vào cấp cứu, tiêm 2 mũi trợ tim, bóp bóng. Biết nạn nhân đã chết, Tường bỏ lên tầng 3 hút thuốc. Lúc ấy, mọi người trong TMV thu dọn thế nào, bị cáo không biết, cũng không chỉ đạo.

Thứ 5, bản cáo trạng lần này nhận định, hành vi phạm tội của Tường gây phẫn nộ trong dư luận… Nhưng luật sư Vân lý giải, Tường bị buộc tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế”; bản thân tội này thì không thể gây phẫn nộ. “Hành vi nguy hiểm kết thúc khi nạn nhân chết, bản thân tội này cấu thành độc lập và việc ném xác đã là tình tiết tăng nặng của Điều 246 (tội “Xâm phạm thi thể”). Nhận định gộp thế này là không công bằng với bị cáo” – bà Vân nói.

Thứ 6, bị cáo Tường không đồng tình khi bị chuyển khoản với khung hình phạt nặng hơn. Tường cho rằng, tìm thấy xác chị Huyền, bản chất vụ án không có gì thay đổi nhưng anh ta lại bị truy tố ở khoản 3.

Luật sư của bị cáo cho rằng, phải dựa trên sự công bằng khi đánh giá hành vi của Tường. Với tư cách là giám đốc TMV, không thể quy mọi trách nhiệm với Tường mà cần tách bạch, bị cáo chỉ phải chịu trách nhiệm về những gì mình làm. Theo bà Vân, bà cảm nhận được Tường cảm thấy nặng nề khi hay tin khung hình phạt của mình bị tăng. Dù sốt ruột vì vụ án bị kéo dài nhưng Tường vẫn muốn trước khi được xét xử, những thắc mắc của bị cáo về bản cáo trạng mới được làm rõ. Vì lẽ đó, luật sư Vân đang cân nhắc để có một bản kiến nghị cụ thể gửi tòa.

Chia sẻ với luật sư, Tường tỏ ra day dứt. Luật sư Vân cho hay, suốt thời gian qua, Tường suy nghĩ nhiều. Lần gặp này, luật sư thấy bị cáo gầy, già đi trông thấy với mái đầu ngả bạc. Tuy nhiên, bác sĩ này tỏ ra điềm tĩnh, nhớ khá rành mạch sự việc và luôn có lời khai nhất quán. Tường giữ các lời khai trước đó tại CQĐT. Không chỉ mất ăn mất ngủ vì vụ án, Tường còn lo lắng cho vợ, nhớ con. Bị cáo muốn luật sư chụp hình con để Tường được nhìn mặt nó nhưng bà Vân nói, điều này không được phép.

Là một hộ lý, lại gánh nặng con nhỏ, tiếp tế cho chồng hàng tuần nhưng vợ của Tường tỏ ra cố gắng. Theo lời Tường dặn, chị này đã xoay sở để khắc phục hậu quả tối đa nhất. “Ngày lễ tết, giỗ chị Huyền, tôi động viên vợ đến nhà bị hại. Chỉ mong gia đình bị hại chuyển thù thành sự tha thứ. Khi có cơ hội, tôi sẽ đền đáp. Còn trả bằng cách nào, giờ tôi cũng chưa biết; có thể là dành phần đời còn lại để sám hối, bù đắp cho gia đình họ” – qua luật sư của mình, Tường gửi lời nhắn nhủ.

Luật sư Vân trăn trở về những điều Tường giãi bày.     Ảnh: H. Đỗ

Tường và Khánh khai vênh nhau?

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án tại tòa, luật sư Tạ Anh Tuấn, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho biết, qua nhiều lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, vụ án chuẩn bị được xét xử lại nhưng lời khai của Tường và Khánh vẫn nhiều mâu thuẫn.

Ông Tuấn nói, trong khi Tường khẳng định, Khánh là người khởi xướng và là chủ mưu trong việc phi tang xác chị Huyền, thì Khánh có lời khai ngược lại. Cụ thể, Tường cho rằng, sau khi đưa xác chị Huyền lên xe ô tô và chở đến BV Bưu Điện, Hà Nội, lúc ấy Khánh cùng đi. Thấy xác chị Huyền cứng lại, không thể mang vào trong BV thì Khánh đề xuất mang xác chị Huyền phi tang. Sau đó, Tường lái xe chở xác nạn nhân đến khu vực đường Cổ Linh, huyện Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội; Khánh đi xe máy của chị Huyền, chở Nguyễn Thị Hằng, vợ của Tường, phía sau. Gần đến nơi, Khánh vượt lên, ra hiệu cho Tường dừng xe rồi bỏ lại xe máy cùng túi xách của chị Huyền ở đường Cổ Linh. Khánh, Hằng lên xe ô tô của Tường.

Nhưng Khánh khai khác. Anh ta nói rằng, khi đưa xác chị Huyền đến trước cổng BV Bưu Điện, Tường và Khánh định đem xác chị Huyền vào trong BV. Vì lúc ấy, xác đã cứng, Khánh có nói với Tường, xác cứng như thế này rồi thì làm sao cấp cứu được nữa. Tường đã bàn với Khánh đem xác phi tang. Khánh tiếp lời, bảo mang lên cầu Vĩnh Tuy ném. Chính Tường là người chủ động cho xe ô tô vượt xe lên phía trước, ép xe Khánh phải dừng.

Luật sư Tuấn chia sẻ, bản cáo trạng mới về cơ bản không có gì thay đổi và vai trò của từng người trong vụ án chưa rõ ràng; không chốt được ai là người khởi xướng, ai là kẻ chủ mưu ở việc ném xác nạn nhân. Cho rằng, nguyên nhân chết của nạn nhân vẫn có thể làm rõ, ông Tuấn bày tỏ, sẽ đề nghị trưng cầu giám định quy trình phẫu thuật để có thể tìm ra thực sự về cái chết của chị Huyền.

Sở y tế Hà Nội trả lời CQĐT rằng, về những loại thuốc bác sĩ Tường dùng trong quá trình hút mỡ bơm ngực, các tai biến có thể xảy ra phụ thuộc vào tổng lượng thuốc và cách pha chế. Việc sử dụng tất cả các loại thuốc pha lẫn vào nhau cùng một chai là không hợp lý. Trong những thuốc sử dụng pha trộn có 2 loại thuốc Getamicin và Vitamin C không rõ lý do, cách dùng không hợp lý. Riêng thuốc Lidocain được pha trong 1 chai loại 500ml và sử dụng 5 chai đã pha để dùng cho chị Huyền, liều sử dụng là quá cao và có thể gây biến chứng nghiêm trọng kể cả đây là loại Lidocain 1%. Khi chị Huyền có biểu hiện co giật việc sử dụng Diazepam cắt cơn co giật là không đúng, không gây ảnh hưởng đến tính mạng nhưng quy trình cấp cứu co giật phải tiếp tục tìm và giải quyết nguyên nhân. Khi tiến hành cấp cứu nghĩ đến việc thông khí là hợp lý.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại