Vụ thu giữ 559 cây vàng: Chủ tịch quận có phải bồi thường?

Tuệ Minh |

(Soha.vn) - Nêu quan điểm về vụ thu giữ 559 cây vàng, LS Bùi Phương Lan cho rằng: “Bà Mai không thể khởi kiện UBND quận Bình Thạnh về tội vu khống”.

LTS: Liên quan đến việc khám xét tiệm vàng Hoàng Mai của bà Nguyễn Thị Thanh Mai, mới đây người chủ tiệm vàng này đã có yêu cầu Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh công khai xin lỗi. Đồng thời người được Công an TP. Hồ Chí Minh cho là có hành vi mua bán 100 USD đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc này bởi không có biên bản được lập tại thời điểm đó. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Bùi Phương Lan - phó trưởng văn phòng luật sư Danh Chính về một số khía cạnh pháp lý xung quanh vụ việc này.

Luật sư Bùi Phương Lan - phó trưởng Văn phòng luật sư Danh Chính
Luật sư Bùi Phương Lan - phó trưởng Văn phòng luật sư Danh Chính

 

PV: Dưới góc độ của một chuyên gia về luật, chị đánh giá như thế nào về việc khám xét của Công an quận Bình Thạnh đối với tiệm vàng Hoàng Mai?

LS Bùi Phương Lan: Theo thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, cho đến nay, theo chỉ đạo của Công an TP. Hồ Chí Minh, Công an quận Bình Thạnh đã trao trả lại cho bà Mai các tài sản như vàng, ngoại tệ bị tạm giữ trong quá trình khám xét (trừ 100 USD), sau khi xác định việc khám xét, thu giữ tại tiệm vàng Hoàng Mai ngày 24/04/2014 là chưa đúng quy định của pháp luật. Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, tôi cho rằng nhận định này của Công an TP. Hồ Chí Minh là có cơ sở pháp lý, đúng quy định của pháp luật.

Điều 129 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: “Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính ... trong trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở thì đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét quyết định”.

Căn cứ quy định của pháp luật, về nguyên tắc, quyết định khám xét phải căn cứ vào hành vi vi phạm hành chính cụ thể, và phải có căn cứ cho rằng có việc cất giấu tang vật vi phạm. Trong trường hợp này, hành vi vi phạm hành chính (nếu có) thì chỉ liên quan đến số tiền 100 USD, và số tiền đó thì đã thu giữ ngay rồi. Thêm nữa, Luật xử lý vi phạm hành chính không có quy định nào cho phép ban hành quyết định khám xét hành chính căn cứ vào các hồ sơ, tài liệu, nghiệp vụ trinh sát. Do đó, có thể thấy việc khám xét cả sáu tầng lầu, thu giữ, niêm phong các tài sản của chủ tiệm vàng Hoàng Mai ngày 24/04/2014 là chưa đúng quy định của pháp luật.

PV: Theo chị, bà Mai có quyền khởi kiện chủ tịch UBND quận về quyết định khám xét và niêm phong tài sản không?

LS Bùi Phương Lan: Theo quy định tại khoản 1 điều 15 Luật xử lý vi phạm hành chính: “Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”. Điều 5 Luật tố tụng hành chính quy định về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi hợp pháp, theo đó: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của luật này”.

Căn cứ quy định của pháp luật, trong trường hợp bà Mai nhận thấy quyết định khám xét hành chính chỗ ở, thu giữ, niêm phong tài sản của bà là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án có thẩm quyền để giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính.

PV: Việc cơ quan chức năng không có biên bản được lập tại thời điểm cho rằng có việc mua bán 100 USD có đúng quy trình không, thưa luật sư?

LS Bùi Phương Lan: Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, điều 56 quy định về xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản, theo đó: “Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong  trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000đ đối với cá nhân, 500.000đ đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt tại chỗ”. Ngoài các trường hợp trên, về nguyên tắc việc xử phạt vi phạm hành chính đều phải lập biên bản vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật thì mới đáp ứng yêu cầu của pháp luật về trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính.

Lý do khám xét được đưa ra trong quyết định khám xét: Là nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Lý do khám xét được đưa ra trong quyết định khám xét: "Là nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính".

PV: Có ý kiến cho rằng với quyết định khám xét có nêu lý do khám: “Là nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”, nếu cơ quan chức năng không chứng minh được thì bà Nguyễn Thị Thanh Mai có quyền khởi kiện UBND quận Bình Thạnh về tội “vu khống”. Theo luật sư, dư luận cần hiểu ý kiến này như thế nào?

LS Bùi Phương Lan: “Tội vu khống” là một tội danh được quy định tại điều 122 Bộ luật Hình sự. Tội vu khống chỉ áp dụng đối với cá nhân không áp dụng đối với tổ chức, do đó bà Mai không thể khởi kiện UBND quận Bình Thạnh về tội Vu khống.

Trong trường hợp đủ cơ sở kết luận quyết định khám xét hành chính của Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh là trái luật thì bà Mai chỉ có quyền khiếu nại theo luật khiếu nại, tố cáo theo luật Tố cáo, hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền. Trong trường hợp chứng minh được thiệt hại phát sinh do quyết định trái pháp luật, bà có quyền yêu cầu bồi thường. Điều 13 khoản 2 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về việc bồi thường thiệt hại như sau: “Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý vi phạm hành chính gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

PV: Với việc không chứng minh được số tài sản không liên quan đến 100 USD là tang vật vi phạm hành chính, chị có cho rằng Chủ tịch UBND quận phải xin lỗi bà Mai?

LS Bùi Phương Lan: Về nguyên tắc, khi xảy ra tranh chấp, pháp luật luôn khuyến khích các bên hòa giải, thương lượng với nhau. Trong trường hợp người ban hành quyết định hành chính tự nhận thấy quyết định của mình chưa đúng quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền là lợi ích chính đáng của công dân thì hoàn toàn có quyền tự nguyện đưa ra lời xin lỗi đối với bên bị vi phạm, đây cũng là cách thể hiện thái độ thiện chí, cầu thị của người ban hành quyết định hành chính chưa đúng quy định của pháp luật.

Trong trường hợp người ban hành văn bản cho rằng họ không sai, và không chấp nhận thương lượng, hòa giải thì bà Mai có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để được giải quyết. Trong đơn khởi kiện, bà Mai có quyền yêu cầu Tòa án buộc người vi phạm phải xin lỗi công khai nếu có căn cứ chứng minh bà bị thiệt hại về uy tín, danh dự.

Xin trân trọng cảm ơn luật sư đã trả lời phỏng vấn!

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại