Vụ showroom bị tố cấm khách Việt: "Ý kiến lạ" của các doanh nhân

Phương Nhi |

Trong khi đa số ý kiến cho rằng việc cấm người Việt vào showroom là một hình thức kỳ thị, khó chấp nhận được, thì một số doanh nhân lại đưa ra những "ý kiến lạ" trái chiều.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải những ý kiến này, nhằm đưa lại cho độc giả có một cái nhìn đa chiều hơn.

Thái Lan cũng có show cấm người Thái

Mới đây, thông tin về showroom H.A Cao su thiên nhiên ở 148 Xuân Thủy (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), thuộc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tuệ Dân chỉ tiếp khách đoàn Trung Quốc chứ không cho khách Việt Nam vào mua sắm gây bức xúc trong dư luận.

Thậm chí, lãnh đạo Sở Công thương Đà Nẵng còn cho rằng: “Bán hàng ở đâu cũng vậy, khách nào cũng phải cho vào. Đà Nẵng không cần những doanh nghiệp như thế”.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ khác, những người làm trong ngành du lịch lại cho rằng, việc “nói không” với khách bản địa như cách làm của Công ty Tuệ Dân thì nhiều nước trên thế giới vẫn diễn ra, không có gì đáng ngạc nhiên hay lạ lẫm.

Ông Trần Quốc Hưng, Trưởng phòng du lịch hành hương Công ty Panvin đưa ra ví dụ: Khi đi du lịch Thái Lan, những show diễn sexy Thái chỉ "phục vụ" người Việt Nam, không "phục vụ" người Thái.

Lý do bởi vì: Thứ nhất, người Thái sẽ biết giá thực của show diễn đó. Thứ hai, cũng giống như casino, họ chỉ “chăn” khách ngoại quốc thôi, chứ không “chăn” dân nước mình.

Theo ông Hưng, người Việt không nên tẩy chay showroom “cấm cửa người Việt chỉ tiếp người TQ” ở Đà Nẵng, vì họ đã làm một việc rất tốt là hút ngoại tệ về và bán sản phẩm cho dân Việt ta.


Ông Trần Quốc Hưng

Ông Trần Quốc Hưng

“Có một điều mà những người trong ngành du lịch chúng tôi nhận thấy là Việt Nam chưa khuyến khích được nhu cầu mua sắm hàng hóa của du khách.

Chính vì vậy, giá cả tour của Việt Nam vẫn rất đắt. Hiện tại, giá tour Thái Lan, Malaysia, Singapore rẻ hơn tour Nha Trang rất nhiều” – ông Hưng nhận xét.

Hơn nữa, các nước như Thái Lan, Malaysia, Singapore đều biết kết hợp siêu thị, các đại lý bán hàng vào trong hành trình tour nhằm thúc đẩy nhu cầu mua sắm của du khách.

Trong khi đó, ở Việt Nam, một vài năm gần đây, phương thức này mới được các công ty tour áp dụng.

Nói về cách làm của công ty Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tuệ Dân mở showroom “chỉ tiếp khách Trung Quốc”, ông Hưng cho rằng, khi tập trung vào phân khúc khách Trung Quốc, công ty du lịch này có lẽ đã tìm ra cách để chăm sóc các “thượng đế” của mình.

Họ đã làm hợp đồng với các đại lý, bán sản phẩm “Made in Vietnam” nhằm mục đích thu hút ngoại tệ về cho Việt Nam.

“Tôi nghĩ, những sản phẩm tại showroom đó chỉ hợp với khách Trung Quốc, bởi công ty du lịch kia hiểu thị hiếu tiêu dùng của khách Trung” – ông Hưng nói.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong quá trình hướng dẫn, thiết kế tour cho du khách, ông Hưng nhận xét, khách Trung Quốc mua sắm nhiều nhất thế giới.

“Tôi không giải thích được tại sao dân du lịch Trung Quốc thích mua sắm, nhưng họ mua sắm cứ như “lên đồng”, họ có thể mua chục đồng hồ Rolex một lúc.

Dân Trung Quốc cũng rất thích các sản phẩm tự nhiên như đệm Kim Đan. Do ở Trung Quốc đồ dởm nhiều, nên khi sang Việt Nam, những sản phẩm như đệm, gối ôm, đệm làm bằng mủ cao su, họ đều ưng ý và thích mua lắm!.

Việc showroom nọ không tiếp khách Việt Nam là rất bình thường.

Hãy hiểu rằng, cửa hàng đó chỉ hợp với khách Trung Quốc, với thị hiếu của người Trung Quốc mà thôi. Nếu bạn là người trong ngành du lịch, bạn sẽ hiểu đó là một phương cách kinh doanh khá phổ biến hiện nay” – ông Hưng cho hay.

“Nếu nhìn ở góc độ kinh doanh thì điều này bình thường”

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Công Hoan, Phó TGĐ Công ty Hanoi Redtours cũng phân tích, đối với các khách hàng Hàn Quốc, TQ, Nhật Bản, khi làm tour, các công ty du lịch thường tổ chức shopping tour với mức giá “siêu rẻ”, giá tour rẻ hơn giá thành.

Các công ty du lịch thường buộc phải thu lợi nhuận từ việc mua sắm của khách. Do đó, họ luôn tạo những sản phẩm đặc biệt, không có giá để mà so sánh.

“Mức giá của các sản phẩm này có thể cao hơn giá bình thường bên ngoài. Các công ty du lịch khi gửi khách đến đây có thể được hưởng chiết khấu hoa hồng.

Vì vậy, các đại lý, showroom thường tổ chức bán hàng cho khách đoàn chứ không bán cho khách lẻ, để họ có thể kiểm soát được hóa đơn và tính chiết khấu.

Nếu cho khách lẻ vào sẽ không kiểm soát được. Hơn nữa, khách lẻ vào mặc cả, bàn luận sẽ ảnh hưởng tới các thỏa thuận bán hàng trước đó của họ” – ông Hoan nói.

Mục đích chính của các showroom trên, theo ông Hoan là khuyến khích khách vào đó mua hàng để công ty du lịch đưa khách tới sẽ được chia sẻ một phần lợi nhuận.


Bên trong showroom được cho là cấm cửa người Việt. Ảnh: Đình Thức

Bên trong showroom được cho là "cấm cửa người Việt. Ảnh: Đình Thức

Với câu hỏi tại sao showroom đó lại nhất quyết không đón tiếp khách Việt dù họ có tiền, ông Hoan trả lời rằng: “Nếu cho khách lẻ vào mua sẽ xảy ra 2 sự cố: Thứ nhất là lộ giá, người khách lẻ sẽ hỏi: Tại sao giá lại cao như vậy.

Thứ hai, khách lẻ vào đó mua, người bán sẽ không biết là khách của bên nào để chiết khấu hoa hồng. Ví dụ một cái gối lẽ ra ngoài thị trường chỉ có giá 20.000 đồng thì ở đây có thể họ sẽ bán với mức giá 50.000 đồng và chia hoa hồng cho công ty du lịch 20 – 30.000 đồng.

Hơn nữa, với mức giá “ngất ngưởng” như vậy, khách lẻ có vào thì cũng không mua được.

Tôi đã gặp một số trường hợp, có người vào đó không mua nhưng khi thấy khách nước ngoài định mua thì bàn luận không hay. Ví dụ như: “Sản phẩm này bên ngoài, tôi thấy rẻ bằng nửa chừng đó thôi”. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của khách khác”.

Ông Hoan tiết lộ, phương thức kinh doanh chiết khấu hoa hồng giữa đại lý bán hàng và công ty tour là thông lệ ở nhiều nước trên thế giới.

Một số tour khách Việt khi đi sang nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan, mỗi đoàn tour khi vào các đại lý hay các nhà hàng, siêu thị, họ đều được dán một mã số, nhờ đó, nhân viên biết để trả hoa hồng cho đơn vị tổ chức tour.

Xung quanh câu chuyện này, trao đổi với chúng tôi, Tổng Giám Đốc công ty Du Lịch Việt, ông Trần Văn Long bình luận, mục đích kinh doanh của showroom H.A là để giữ chân khách Trung Quốc – thị phần quan trọng trong chiến lược làm ăn của họ.

“Việc họ từ chối tiếp khách nào, không nhận đón khách nào, đó là việc cá nhân của công ty họ, mình không can thiệp được vào chuyện đó.

Về khía cạnh thương trường, làm như vậy là không tế nhị lắm vì chỉ đánh vào đúng đối tượng đó thôi. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, những mặt hàng đó, khách Việt cũng không có nhu cầu mua nhiều vì họ chỉ bán sản phẩm cao su thiên nhiên”, ông nói.

Khách du lịch ở Đà Nẵng. Ảnh minh họa: Infonet
Khách du lịch ở Đà Nẵng. Ảnh minh họa: Infonet

Tuy nhiên, để tránh những hiểu lầm không đáng có, theo ông Long, doanh nghiệp Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tuệ Dân không nên làm thế vì sẽ không hay cho việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp.

“Một số người sẽ thấy sự phân biệt đối xử, như vậy thì không nhân văn, không được hay cho lắm và có phần kinh doanh mang tính cơ hội, chụp giật.

Nhưng mục tiêu kinh doanh của người ta là vậy, đó là con đường, là lựa chọn của họ. Việc phản ứng theo đó cũng rất khó nói” – ông Long nhấn mạnh.

Trưởng VP Luật sư Phạm Nguyên, TP.HCM
LS. Phạm Công Út
Việc bán hàng cho đối tượng nào là quyền của chủ doanh nghiệp đó, vì họ tự chịu trách nhiệm về sự sống còn của chính họ. Nhưng điều ấy chỉ gây phẫn nộ hoặc phản cảm cho những thượng đế mà thôi!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại