Vụ lật tàu thảm khốc ở TP.HCM: “Cơ quan công an cần vào cuộc”

Tuấn Nam |

(Soha.vn) - “Đây là vấn đề an ninh, mạng sống của dân nên cơ quan công an cần phải vào cuộc để điều tra vụ việc này”, bà An nói.

Vụ tàu H29 – BP chìm vào lúc 21h ngày 2/8 ở khu vực sông Soài Rạp (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP.HCM) khiến 9 người mất tích đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị An - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho hay: “Ở đây có tổ hợp một số các yếu tố dẫn đến sự thương vong rất đáng tiếc và đáng buồn 2/8. 

Thứ nhất là chuyện quá tải. Việc kiểm tra đảm bảo an toàn này đã không được kiểm tra thường xuyên. Tại sao lại để tình trạng quá tải này xảy ra, chưa kể đến các yếu tố tàu cũ mới ra sao, chất lượng tàu như thế nào.

Thứ hai là sự phối hợp giữa các cơ quan cứu hộ, cứu nạn và việc báo điểm, vị trí tai nạn cũng là vấn đề. Vấn đề quản lý giao thông thuỷ bây giờ cũng là một việc phức tạp”.

Bà Bùi Thị An - Uỷ viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
Bà Bùi Thị An - Uỷ viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

“Nếu nói về lỗi thì ở đây lỗi ở cả chủ tàu và cơ quan quản lý, giám sát. Tại sao tàu chỉ chở được có 18 người mà lại chở 30 người? Đó là một sự thiếu nghiêm chỉnh và tính mạng của người khác. Thứ hai là cơ quan quản lý và giám sát kiểm tra đôn đốc cũng có trách nhiệm khi để cho chủ tàu làm việc thiếu nghiêm chỉnh như vậy”, bà An nói.

Theo bà An, trong việc này không thể trách người dân được vì người ta không biết tải trọng của chiếc tàu là bao nhiêu. Cũng giống như cầu thang máy, nếu người dân biết thuyền đã quá tải, chắc chắn người dân sẽ không bước lên chiếc tàu đó. Có lẽ thời gian tới sẽ phải công khai việc này, tức là khả năng vận tải của tàu và canô cho mọi người biết. Tuy nhiên, trước tiên vẫn phải là ý thức của người chủ tàu.

Đây sẽ là bài học đau xót để trong việc những người có trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ phải rút kinh nghiệm.

Bà An cũng cho rằng: “Khi xảy ra việc này, đồng chí Bộ trưởng Bộ GTVT đã đến chỉ đạo trực tiếp khắc phục sự cố, chia sẻ nỗi đau thương với các gia đình nạn nhân. Tôi cho rằng đó là việc làm kịp thời”.

“Đây là vấn đề an ninh, mạng sống của dân nên cơ quan công an cần phải vào cuộc để điều tra vụ việc này”, bà An nói.

Khi được hỏi về sự chậm trễ trong công tác cứu hộ, cứu nạn kể từ khi nhận được điện thoại cầu cứu theo lời kể của một nạn nhân, bà An nói: “Về lời kể của nạn nhân rằng sau đến 3 giờ đồng hồ gọi điện nhưng vẫn không thấy lực lượng cứu hộ đâu thì tôi không được nghe nên không có ý kiến về việc này. Nói chung, trong thời gian tới, câu chuyện sự phối hợp giữa cơ quan phục trách công tác cứu hộ, cứu nạn và các cơ quan khác vẫn là một vấn đề phải bàn đến”.

Lúc 8 giờ 30 phút sáng nay, 5/8, tàu SAR 413 (thuộc Trung tâm Tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 3 TP.Vũng Tàu) đã đưa thi thể anh Nguyễn Bá Đức (28 tuổi, quê Thanh Hóa) - thi thể cuối cùng trong vụ chìm tàu khiến 9 người thiệt mạng - vào đất liền.

Được biết, trong vụ việc này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và Cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Nhật đã có mặt tại hiện trường để chi đạo trực tiếp khắc phục hậu quả vụ tai nạn. Hiện công tác tìm kiếm những người bị mất tích vẫn được tiến hành một cách khẩn trương.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại