Sáng ngày 15/1 TAND TP.HCM tiếp tục phần tranh luật trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm đoàn luật sư TP.HCM bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty cổ phần chứng khoán Saigonbank – Berjaya (SBBS) đã yêu cầu Vietinbank chi nhánh TP.HCM bồi thường 210 tỷ, chứ không phải Huyền Như.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm cho rằng Huyền Như đã qua mặt lãnh đạo Vietinbank chiếm đoạt tiền từ tài khoản của Công ty cổ phần chứng khoán Saigonbank – Berjaya (SBBS) tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM.
Theo luật sư Tâm thì cáo trạng nêu Huyền Như đã làm giả 14 hợp đồng ủy thác đầu tư giữa SBBS với Vietinbank chi nhánh nhà bè, ký giả chữ ký của giám đốc và phó giám đốc chi nhánh để huy động 245 tỷ nhưng thực tế SBBS mới chuyển 225 tỷ đồng.
Để chiếm đoạt được số tiền 225 tỷ đồng, Huyền Như yêu cầu SBBS mở tài khoản tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM. Khi SBBS chuyển tiền vào tài khoản, Như đã làm lệnh chi giả để chuyển tiền trả cho những tổ chức, cá nhân đã vay trước đó. Đến nay Như còn chiếm đoạt của SBBS số tiền 210 tỷ đồng. Cáo trạng cho rằng công ty SBBS đã bị Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối ký 14 hợp đồng giả để chiếm đoạt 210 tỷ đồng là chưa hợp lý.
Trong giai đoạn tố tụng xét hỏi các luật sư gặp khó khăn nhất định khi đại diện Vietinbank được HĐXX cho phép ngồi nghe sau đó trả lời chung những câu hỏi chứ không trả lời trực tiếp như thường lệ vì sợ trùng lặp, mất thời gian.
Luật sư Tâm cho rằng, Huyền Như đã lừa lãnh đạo Vietinbank, cáo trạng của VKS không đi sâu vào phân tích để xác định chủ thể nhân sự là Vietinbank hay Huyền Như.
“Đối chiếu với bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về nguyên đơn dân sự tại khoản 1 điều 52, không có căn cứ để xác định công ty SBBS là nguyên đơn dân sự như cáo trạng xác định”, luật sư Tâm nêu quan điểm
SBBS đã yêu cầu Vietinbank chi nhánh TP.HCM bồi thường 210 tỷ, chứ không phải Huyền Như.
Theo phân tích của luật sư Tâm thì Công ty SBBS không phải là tổ chức bị thiệt hại do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Huyền Như. Công ty SBBS đã bị Huyền Như “dụ” mở tài khoản tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM sau đó chuyển tiền vào tài khoản này 225 tỷ đồng.
Huyền Như đã giả chữ ký của chủ tài khoản, làm con dấu giả của công ty SBBS để chuyển tiền. Những việc này Công ty SBBS không hề hay biết nên không thể là người bị Huyền Như lừa mà chính Vietinbank đã bị Huyền Như qua mặt. Những sơ hở trong cơ chế quản lý nội bộ ngân hàng mới là điều kiện để Huyền Như chiếm đoạt tiền từ tài khoản của công ty SBBS tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM. Vietinbank mới chính là nạn nhân của Huyền Như vì họ đang quản lý tài khoản của công ty SBBS, tiền của SBBS đã nằm trong tài khoản Vietinbank. Nếu Vietinbank TP.HCM không bị Huyền Như lừa thì SBBS không bị mất tiền. Do đó Công ty SBBS không phải là đơn vị bị thiệt hại do hành vi phạm tội của Huyền Như.
Do không phải nguyên đơn nhân sự nên SBBS không có đơn yêu cầu Huyền Như bồi thường mà là Vietinbank.
SBBS mở tài khoản hoàn toàn hợp lý, có chữ ký của lãnh đạo Vietinbank, giấy mở tài khoản là hồ sơ gốc chứ không bị Huyền Như làm giả như một số pháp nhân khác. Tài khoản được mở hợp pháp thì phát sinh giá trị thực hiện giữa Công ty SBBS và Vietinbank chi nhánh TP.HCM.
Căn cứ điều 12 quyết định 1284 của ngân hàng nhà nước thì Vietinbank chi nhánh TP.HCM đã vi phạm như thực hiện lệnh thanh toán giả, yêu cầu sử dụng tài khoản giả của Huyền Như, không kiểm soát lệnh thanh toán, không lập đúng thủ tục quy định mà công ty SBBS đã ký với Vietinbank. Vietinbank đã không gửi kịp thời giấy báo nợ, giấy báo có, số dư tài khoản theo cam kết với công ty SBBS.
Vietinbank đã hoàn toàn có lỗi trong khâu quản lý, giám sát việc sự dụng của Công ty SBBS nên họ phải chịu trách nhiệm trả lại cho SBBS số tiền 210 tỷ đồng cùng lãi suất.
Trong buổi sáng cùng ngày, các luật sư tiếp tục bào chữa cho các bị cáo tại tòa.