Vụ em cắt chân chị: Bác sĩ từ chối tiết lộ tổn thương ở chân

Sáng nay, khi phóng viên đề nghị cung cấp thông tin chính xác tổn thương ở chân, BS Hưng từ chối trả lời do yêu cầu bảo mật thông tin của người nhà bệnh nhân.

Trước lúc xảy ra sự việc rạng sáng 2/1, bệnh nhân D. – người bị em trai mình cắt chân – đã trải qua hai lần cấp cứu do dọa ngừng thở.

Trao đổi với báo chí sáng 6/1, ThS, BS Nguyễn Đình Hưng – Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội cho biết: "Bệnh nhân D. hiện được điều trị tích cực, liên tục được theo dõi, thăm dò chức năng để đảm bảo tình trạng được ổn định nhất".

Nói thêm về bệnh nhân D., BS Hưng cho rằng có hai vấn đề trên bệnh nhân này, thứ nhất: Bệnh nhân bị ung thư, thể trạng không khỏe mạnh như người bình thường. Ngay từ lúc nhập viện thì gọi – biết, nhưng nhiều lúc không kiểm soát được bản thân mình, không tỉnh táo như người thường. Thứ 2 là tổn thương ở chân.

Sau hôm 2/1, thương tổn ở chân bệnh nhân D. được các bác sĩ xử lý nhanh, đến nay vết thương khô, không có dấu hiệu của nhiễm khuẩn, được thay băng, chăm sóc cẩn thận.

Còn thương tổn đặc biệt nguy hiểm nhất trên bệnh nhân là vấn đề u não, tổn thương do hậu quả của di căn. Ngay khi phẫu thuật ở chân xong, các bác sĩ đã tiến hành theo dõi, chụp kiểm tra lại thương tổn ở trên. Bản chất thương tổn ở trên, bác sĩ không thể mổ để lấy hết ra được và vẫn còn nguyên như thế và lúc nào cũng có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

BS Hưng cũng cho biết: Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cấp cứu, phải chụp cắt lớp não ngay và phát hiện thương tổn. Trong quá trình điều trị ở khoa từ 23-28/12/2013, bệnh nhân có hai lần dọa ngừng thở. Trong những ngày đó, các bác sĩ đã phải chụp thêm cộng từ não, sáng 28/12, phải chụp cắt lớp sọ não.

Trả lời câu hỏi: "Vì sao phải chụp chiếu nhiều lần như vậy?",  BS Hưng cho giải thích nguyên nhân là do thương tổn có thể tiến triển. “Bản chụp phim cuối cùng ngày 28/12 cho thấy sự chèn ép của khối u đã rất mạnh. Bệnh nhân bắt buộc phải mổ não cấp cứu ngay để giải quyết tình trạng khẩn cấp chứ không lấy được khối u ra” – BS Hưng nói.

Sau khi bác sĩ xử lý cấp cứu ngày 2/1, bệnh nhân D. đã trở về tình trạng như lúc đầu khi chưa bị cấp cứu, nhưng vẫn nằm trong tình trạng không tỉnh táo hẳn, não chưa kiểm soát được bản thân mình.

"Bệnh nhân D. vẫn được chăm sóc đặc biệt, chúng tôi cho thuốc an thần kinh và không để bệnh nhân sợ có ảnh hưởng tâm lý và cho bệnh nhân ngủ nhẹ nhàng không sâu. Bệnh nhân có thể trao đổi lúc đúng – lúc sai nên việc trao đổi thông tin về vụ việc với bệnh nhân cũng rất khó” – BS Hưng nói.

“Ngay sáng nay chúng tôi kiểm tra bệnh nhân, thì gọi – biết, hỏi tên bệnh nhân vẫn trả lời, nắm tay vẫn nắm tay được nhưng thực tế những bệnh nhân bị não lúc nào cũng đe dọa tính mạng và bệnh nhân có thể bị nặng bất cứ lúc nào” – BS Hưng cho hay.

Khi phóng viên đề nghị cung cấp thông tin chính xác tổn thương ở chân, BS Hưng từ chối trả lời do yêu cầu bảo mật thông tin của người nhà bệnh nhân.

BS Hưng cũng thông tin thêm: Các bác sĩ, điều dưỡng, y tá trong kíp trực rạng sáng 2/1 lúc xảy ra sự việc thực sự có hoảng loạn nhưng vẫn tập trung cứu chữa cho bệnh nhân D..

“Ngay buổi sáng 2/1, ê kíp rất mệt mỏi và cũng có gì đó không thể mô tả hết được bởi đây là sự việc rất hãn hữu, không thể ngờ tới. Chúng tôi ngoài việc làm việc với ê kíp đó về chuyên môn, cấp cứu thì cũng phải trấn an tư tưởng của bác sĩ và ê kip” – BS Hưng chia sẻ.

Cũng theo Phó giám đốc BV Xanh Pôn, êkíp này đã mất 1-2 ngày để trở lại bình thường. Hiện tại, điều dưỡng hôm trực rạng sáng 2/1 đã trở lại dòng trực thứ 2 như bình thường.

Thông tin việc con gái bệnh nhân D. có tiếp tục chăm sóc mẹ ruột của mình hay không cũng không được tiết lộ. “Hiện tại, chắc chắn có chị gái bệnh nhân vẫn hàng ngày chăm sóc cho bệnh nhân D.” – BS Hưng cho biết.

Ngoài ra, để siết chặt an ninh bệnh viện, BS Hưng cho biết, bệnh viện đã tăng cường ca bảo vệ của hai vòng: bảo vệ của bệnh viện và lực lượng vệ sĩ tại bệnh viện, đặc biệt tại khu nhà A1.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại