Em trai cắt chân chị: Hung thủ có lẽ phải quen với công việc này

Nguyễn Huệ |

(Soha.vn) - Vụ “em trai cắt chân chị” tại phòng cấp cứu của Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội khiến nhiều người “rùng mình” và tự đặt ra câu hỏi về “đạo đức” ở xã hội mình đang sống.

Như chúng tôi đã đưa tin, nữ bệnh nhân T.T.T.D (SN 1963, sống tại ngõ 2 Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã bị chính người em ruột của mình cắt chân khi đang nằm điều trị tại Khoa sọ não, Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội.

Theo đó, đêm 2/1, Trần Tuấn Khương (SN 1971), em ruột bà D, trú tại phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội đã cầm dao gọt hoa quả cắt lìa bàn chân và khoảng 1 nửa cẳng chân phải của bà D. Có thông tin rằng sau 20 phút từ khi Khương cắt chân bà D thì sự việc mới được phát hiện.

Trao đổi với một Giáo sư chuyên về tim mạch về câu chuyện này, mặc dù đã có nhiều năm cầm dao mổ cho người bệnh và cứu sống không ít bệnh nhân nhưng ông cũng không thể tưởng tượng hết được câu chuyện đang diễn ra.

Trong cuộc đời làm nghề y của mình cũng chưa bao giờ ông gặp những câu chuyện phi đạo đức như thế. “Đạo đức xã hội xuống cấp ghê quá, cái gì cũng có thể xảy ra. Có những cái mình không thể tưởng tượng được nhưng vẫn hiển hiện trước mặt”, vị GS này chia sẻ.

Hiện tại sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định
Hiện tại sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định

Không ít độc giả cho rằng, có rất nhiều “bất thường” trong vụ việc này. Trước những “nghi vấn” của độc giả về những “bất thường” đó, vị GS này phân tích:

“Cần nói ngay là bệnh nhân bị cắt chân chứ không phải ở đầu gối, sau đó là cắt bắp chân cho đến sát xương. Đây là thông tin do PGS. TS Nguyễn Công Tô, Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội cung cấp cho tôi. Như vậy, muốn tháo rời khớp cổ chân lại khó hơn là khớp gối, tức là mất nhiều thời gian hơn.

Điều đó chứng tỏ hung thủ chắc phải quen với công việc này nếu không thì làm sao mà làm nhanh như vậy ở trên một người giẫy giụa mà không cần trợ giúp. Ngay đối với sinh viên mới ra trường thậm chí cả bác sĩ không làm việc mổ xẻ cũng chưa chắc đã làm được.

Ở đây, cũng có khía cạnh chúng ta nên bàn đó là, khi sử dụng ma túy đã sẽ tạo ra ảo giác, hoang tưởng cho người dùng nên mới có những hành động quái dị như vậy”.

Hơn nữa khi hung thủ thực hiện hành vi cắt chân như thế, máu sẽ chảy ra rất nhiều. Hung thủ phải quen với máu mới có thể giữ được bình tĩnh để tiếp tục thực hiện hành vi tàn độc của mình.

“Nhưng cắt rời bàn chân như thế là “đồ tể” chứ không phải chuyên môn”, vị GS này chia sẻ.

GS. TS Nguyễn Công Tô, Phó Giám đốc bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội cho biết, người thân ở lại trông bệnh nhân qua đêm chỉ có một và phải có áo vàng do bệnh viện cấp. Có ý kiến cho rằng: “Như vậy, tại sao ngoài con gái nạn nhân thì người cậu ruột lại có mặt? Phòng hồi sức cấp cứu mà ai muốn vào thì vào, ai muốn ra thì ra được sao?”

Trước tình huống này, vị GS này phân tích: Theo quy định thì ở phòng hồi sức chỉ có một người vào nhưng cũng có rất nhiều nội quy không thực hiện được. Vào buổi đêm vẫn có 2 – 3 người nhà bệnh nhân cùng chăm sóc ở đó. Các y, bác sĩ không thể yêu cầu họ ra ngoài được. Điều này chỉ có thể nói là do hung thủ chứ không thể quy trách nhiệm cho bệnh viện. Chỉ có phòng hồi sức tăng cường thì tuyệt đối không có người nhà.

Hơn nữa, theo báo chí đã đưa tin thì lúc xảy ra sự việc trên có cả y tá và người nhà các bệnh nhân khác nhưng vì hung thủ có hung khí nên sự việc đáng tiếc đó đã xảy ra.

“Tâm lý của con người thay đổi ghê gớm. Ngày trước con người không bao giờ tưởng tượng ra được những chuyện như thế này nhưng ngày nay những chuyện tương tự như thế lại diễn ra thường xuyên”, vị GS này nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại