Người Việt chết ngạt tại Nga: Ai oán khóc than gọi tên chồng

Cả thôn nghèo chìm trong đại tang khi nhận hung tin từ bên kia trái đất. Mẹ già, vợ trẻ, con thơ chết lặng trong nỗi đau đớn tức tưởi.

Tin sét đánh

Chiều muộn ngày 31/12, cả thôn 10A xã Nghĩa An (Nghĩa Đàn, Nghệ An) ảm đạm trong cái lạnh tê tái. Đầu làng cuối ngõ vẳng lên những tiếng khóc đau xót, cả xóm nghèo nhuốm màu tang tóc.

Từ vài ngày nay, chị Đặng Thị Điệp (vợ nạn nhân Sầm Văn Bình) cứ vật vờ như người vô hồn. Nỗi đau đến đột ngột khiến chị như đổ sụp. Chị kiệt sức bên 2 đứa con thơ dại, ai oán khóc than gọi tên chồng.

Quê nghèo, cuối năm, Nga, lao động

Chị Đặng Thị Điệp cùng 2 con: Sầm Thị Lý (14 tuổi) và Sầm Quang Nhật (5 tuổi) khóc ngất trước bàn thờ anh Sầm Văn Bình.

“Trưa ngày 27/12, lúc tôi đang đi làm thì nhận được điện thoại giục về nhà bà ngoại có việc gấp lắm. Tôi nghĩ nhà có chuyện gì nên vội về. Vừa lúc đó, có người báo anh Bình chết rồi, chết cùng 2 người khác. Tôi nghe như sét đánh bên tai mà gục xuống” – chị Điệp sụt sùi kể lại.

Từ hôm trước, chị cùng con cái đã lập bàn thờ tạm cho chồng. Trước bức di ảnh nghi ngút khói hương, người phụ nữ lam lũ chẳng cầm được giọt nước mắt. Đứng bên mẹ, 2 đứa con ủ rũ trong vành tang trắng. Thi thoảng, 3 mẹ con lại ôm nhau khóc nghẹn trước bàn thờ.

“Bình ơi, sao con bỏ mẹ bỏ vợ con mà đi! Cả nhà ngày ngày ngóng tin mà con lại chết thảm nơi đất khách quê người con ơi!’ – bà Nguyễn thị Thời (SN 1930, mẹ đẻ anh Bình) khóc than thảm thiết.

Cách nhà chị Điệp không xa là nhà nạn nhận Phạm Văn Tiện (SN 1993). Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Tiện đã sớm phải làm đủ nghề để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Trước bàn thờ con trai, ông Phạm Văn Thuần (bố Tiện) cứ bứt tóc mà khóc nghẹn.

“Mấy lần gọi về nó đều nói anh em phải ở trong phòng kín để tránh bị kiểm tra. Con tôi chăm chỉ, chịu thương chịu khó thế mà ông Trời lại bắt con chết thảm, thương quá con ơi!” – ông Thuần nức nở.

Quê nghèo, cuối năm, Nga, lao động

Tang tóc ở gia đình nạn nhân Đặng Văn Xuân, một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn trong xóm.

Trong 3 nạn nhân tử nạn, gia đình anh Đặng Văn Xuân có hoàn cảnh khó khăn nhất. Gia cảnh nghèo khó lại đông con, vợ chồng anh quanh năm dầm mưa dãi nắng làm đủ việc để kiếm tiền nuôi 5 nứa đứa con.

Anh vừa sang Nga làm việc được mấy tháng thì gặn đại nạn. Hiện chị Hoàng Thị Thanh (vợ anh Xuân) cùng các con vẫn phải sống trong nếp nhà tồi tàn.

Trời không thương nhà nghèo!

Ngồi đổ rạp trước bàn thờ chồng, chị Hoàng Thị Thanh khóc mãi không dứt. Nhà nghèo, chị đành cắn răng đi vay mượn một số tiền lớn để chồng và con trai cả xuất khẩu lao động đi Nga. Chị còn nhớ buổi chiều hôm trước, chính con trai chị đã gọi điện về báo tin cha gặp nạn.

“Nó làm việc cách chỗ bố hàng trăm cây số, nghe tin bố mất đã gọi điện về báo với tôi. 2 mẹ con vừa nói được vài câu đã khóc. Khổ lắm các chú ơi!” – chị Thanh sụt sùi.

Thông tin từ các gia đình, cả 3 lao động đều mới sang Nga được độ 7 tháng, số tiền gửi về chưa được bao nhiêu.

Quê nghèo, cuối năm, Nga, lao động

Chị Hoảng Thị Cảnh (SN 1975) khóc than trước di ảnh con trai cả Phạm Văn Tiện. Anh Tiện ra đi khi mới qua tuổi đôi mươi.

“Nghe chồng nói có người rủ đi Nga làm việc, không quá vất vả mà có thu nhập khá nên gia đình đi vay mượn hơn 50 triệu để anh lo giấy tờ và chi phí sang Nga. Anh gọi về cho biết sang làm phụ hồ, vất vả lắm, phải ở trong phòng kín để tránh bị cảnh sát phát hiện.

Cuộc gọi gần nhất anh nói thời tiết bên ấy lạnh lắm, làm việc rất vất vả nhưng vẫn cố gắng chịu đựng để làm việc qua ngày, hi vọng kiếm tiền gửi về cho vợ con. Thế mà anh đi luôn không về nữa rồi!”, chị Điệp khóc nghẹn khi kể lại.

Các gia đình cho biết, người thân họ đi Nga đều theo con đường du lịch, sau đó bắt mối với người Việt bên ấy rồi ở lại làm việc “chui”. Do không có giấy tờ hợp pháp, họ phải sống chui lủi, khổ cực. Đi hơn 7 tháng nhưng tiền gửi về chưa đủ trả nợ ngân hàng.

Ông Võ Đức Công, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết, toàn xã có gần 100 lao động đang làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là ở Nga. Riêng mỗi xóm 10 đã có gần 50 lao động đang làm việc ở Nga, phần lớn đi theo con đường “chui”, không có bất cứ hợp đồng lao động nào.

“Hiện tại chi phí để đưa thi thể các nạn nhân về quê nhà là khổng lồ, gia đình các lao động không thể xoay sở được. Rất mong các cơ quan nhà nước cũng như tổ chức đoàn thể, cá nhân cùng chung tay giúp đỡ các hộ dân này” – ông Công bày tỏ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại