Vừa mất tiền, vừa bị cắt trụi mái tóc dài ngay tại nhà

Người phụ nữ mua tóc bén gót theo sau, vừa đi vừa liên tục vén, vuốt mái tóc của bà Hà rồi khen “tóc chị đẹp quá.” Bà Hà chỉ nhớ được đến đó.

Như chúng tôi đã đưa tin về những kẻ dùng “bùa mê thuốc lú” đi lừa đảo ở Hưng Yên khiến nhiều người dân bị lừa. Trong đó, bà Vương Thị Quyển đã đào 12 chỉ vàng đưa cho người lạ.

Hàng xóm nhà bà Quyển – bà Mai Thị Hà (thôn Tam Nông, xã Hưng Đạo, Tiên Lữ, Hưng Yên) cũng bị mất gần mười triệu đồng. Không chỉ mất tiền, mái tóc dài bao năm của bà Hà còn bị cắt trụi. Bà Hà khẳng định rằng mình đã bị người đi mua tóc dài tóc rối đánh thuốc mê nên khi sự việc xảy ra, bà mới không biết gì như thế.

“Chiêu” mượn búa để… sửa loa của “tóc dài tóc rối”

Các con đi học, chồng đi làm cách xa nhà nên ban ngày, bà Mai Thị Hà (SN 1969) thường ở nhà một mình. Khoảng 10h30’ - 11h trưa đầu hè, bà Hà hái rau ở mảnh vườn nhỏ trước nhà thì nghe tiếng loa máy rao “ai tóc dài tóc rối bán đi”. Ngay sau đó bà Hà thấy một người phụ nữ đi qua cổng nhà mình. Người này cùng tiếng loa máy đi qua đi lại mấy lần (vì vườn rau nằm ngay cổng ngõ nên bà nhìn rất rõ). Sau mấy vòng qua lại nhà bà như thế, “tóc dài tóc rối” đột nhiên dừng lại ngay ở cổng rồi lúi húi làm gì đó. Bà Hà hỏi theo phản xạ tự nhiên: “Tóc dài tóc rối không đi mua tóc nữa à?” thì “tóc dài tóc rối” trả lời rất nhẹ nhàng: “Cái loa của em bị hỏng rồi.” Sau đó người này nhờ bà cho mượn cái búa để… sửa loa. Bà Hà thì xe máy không biết đi, điện thoại không biết dùng nên thấy người ta hỏi mượn búa thì cũng chỉ biết đi lấy búa cho người ta sửa.

Hôm ấy bà Hà gội đầu nên buông mái tóc dài đến bắp đùi. Bà vào nhà, “tóc dài tóc rối” cũng bén gót theo sau, vừa đi vừa liên tục vén, vuốt mái tóc của bà rồi khen “tóc chị đẹp quá.” Bà Hà chỉ nhớ được đến đó.

Hơn 12 giờ trưa, cậu con trai Đào Đăng Quang đi học về, vừa đẩy cánh cổng ngõ đã thấy mẹ ngồi bệt trong góc cổng, lưng dựa vào tường, mắt đờ đẫn, hai tay để ở đầu gối, nắm rau vẫn còn cầm trong tay. Tóc trên đầu thì bị cắt trụi, nham nhở. Quang lay được mẹ tỉnh lại, hỏi sao mẹ lại ngồi đây, tóc mẹ sao lại trụi thế này thì bà không nhớ gì cả mà chỉ kêu đau đầu.

Góc cổng, nơi bà Hà ngồi bệt, đờ đẫn với mái tóc nham nhở.

Chiều tối ông Đào Quang Huy chồng bà đi làm về, “tôi cứ thấy bà ấy quấn cái khăn trên đầu, nhưng tôi cũng không quan tâm lắm” – ông Huy nói. 

Ông Huy vừa tiếc mái tóc dài của vợ, vừa xót xa mỗi khi nhìn thấy mái tóc bị cắt trụi hiện tại.

Biết không chỉ bản thân mà cả chồng cũng rất yêu quý mái tóc dài của mình nên bà Hà không dám nói ngay, mãi đến tối, cơm nước xong xuôi, bà Hà mới khóc lóc: “Ông ạ, tôi phải nói thật với ông là hôm nay tôi bị cắt hết tóc rồi”. “Tôi ngạc nhiên lắm, vì nhà tôi tóc rất dài nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bán tóc, kể cả những lúc đói nghèo không có gạo ăn, phải đi vay thì cũng không nghĩ đến chuyện đó. Tôi hỏi đầu đuôi thì bà ấy khóc mếu kể lại như thế. Lúc nhà tôi bỏ cái khăn ra thì thấy mái tóc dài chỉ còn là những lọn nham nhở. Mà lại không cắt hết, vẫn còn lại một lớp tóc dài nguyên xi, một lớp mỏng lắm, ở phía trên đỉnh đầu ấy. Nhìn thấy tóc vợ như thế, tôi điên lắm. Nhưng ngay sau đấy, thấy kiểu cắt tóc đó không bình thường, tôi mới chạy đi lục tủ thì không thấy số tiền 9,8 triệu dành dụm đâu nữa.”

Cuộc “chạm trán” ngoài mong đợi

Ông Huy bảo ấy là số tiền lương hồi ông đi làm ở công ty thức ăn chăn nuôi. Họ trả tiền qua thẻ nên ông cứ để đấy. Đến khi có việc thì ông rút cả 10 triệu về. Buổi sáng hôm vợ bị cắt tóc, ông Huy rút một tờ 200 nghìn để đổ xăng nên còn 9,8 triệu đồng. Phát hiện bị mất tiền, ông chạy ngay ra đầu đường hỏi vợ chồng người bán tạp hóa xem hôm nay có người mua tóc dài tóc rối nào đến không. Họ bảo khoảng gần trưa có một người nhưng vì không mua bán gì nên họ cũng chẳng để ý lắm. “Nhà tôi không nhớ được gì, mà cũng nghĩ là nó chẳng dám quay lại đâu nên tôi không sang công an xã trình báo mà chỉ báo cho bà Oanh – chủ tịch hội Phụ nữ xã, vì bà ấy ở cùng xóm nhà tôi.”

Biết việc gặp lại kẻ lấy tiền, cướp tóc của mình là điều… không tưởng, nhưng từ hôm ấy, người mua tóc dài, tóc rối nào đi qua nhà, bà Hà cũng chạy ra gọi. Đúng một tuần sau, cả buổi sáng có đến bốn người đi mua tóc dài tóc rối đạp xe qua cổng nhà bà, ba người đầu tiên bà gọi thì ai cũng vào. Đến người thứ tư, bà định không gọi nữa nhưng cứ thấy người này đạp xe quanh quẩn nên bà mới gọi, chạy ra thì thấy người này luống cuống quay xe. Bà vừa chạy ra vừa gọi thêm câu nữa thì thấy người đó toan đạp xe bỏ đi. Chạy ra chắn lối đi thì bàng hoàng nhận ra đó chính là người “cướp” tóc, lấy tiền của mình.

Bà Hà gọi hai cậu con trai ra giữ người này lại, “tóc dài tóc rối” thừa nhận mình đã cắt tóc bà Hà, đã lấy tiền trong tủ và khai tên là Đỗ Thị Quyên, trú tại xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Ngay sau đó gia đình bà Hà đưa Đỗ Thị Quyên đến trụ sở Công an xã Hưng Đạo. Gia đình bà Hà cho biết, ngay khi đến trụ sở Ủy ban, Đỗ Thị Quyên cũng đã nhận việc mình cắt tóc và lấy tiền của nhà bà Hà.

Vờ phủi rệp trên mặt bà cụ để đánh thuốc mê?

Cùng xã Hưng Đạo, ở thôn Đặng, bà cụ Ngô Thị Trụ kể lại sự việc mình bị kẻ gian dùng “bùa mê thuốc lú” lấy mất tiền:

Hôm ấy bà vừa ngủ dậy một cái là mang mớ su hào sang vườn trồng. Vừa mới lúi húi được một lúc thì có đứa dựng xe ở tường rồi bước vào vườn, vườn nhà bà ngay đường mà. Nó bảo “su hào héo thế này thì bà giồng làm gì.” Rồi cứ thế nó vuốt mặt bà, bảo mặt bà bao nhiêu rệp đây này. Bà mới bảo sao lại có rệp được, tớ vừa lăn từ trên giường xuống thì làm sao mà có rệp được. Xong nó lại vuốt ngực, lại bảo ngực bà cũng lắm rệp lắm. Đến lúc nó lại vuốt lưng, nó vuốt nhiều lắm, vuốt mạnh lắm, vừa vuốt nó vừa hỏi bà có ngứa không. Bà lại bảo là tớ vừa ngủ dậy thì làm sao mà có rệp được. Nó vẫn cứ vừa vuốt vừa bảo bao nhiêu là rệp đây này.

Bà Trụ kể bà đã giắt lưng cái túi tiền rất kỹ, thế mà vẫn bị kẻ lạ móc rồi giắt vào khe bể nước.

Nó vuốt thế thì bà sờ đến cái túi tiền giắt lưng, nói thật là bà chắt bóp cũng có mấy triệu thật. Mắt bà bị nhức lắm, bà hỏi người ta lên Hà Nội chữa mắt thì người ta bảo bà phải có tầm chục triệu, thế là bà chưa dám đi, vì bà mới có 8,7 triệu. Bà không thấy tiền đâu thì bà bảo là mày lấy hết tiền của tao rồi. Nó trả lời cháu không lấy tiền của bà đâu, cháu là người thật thà. Nó vừa nói xong thì con dâu bà về. Bà chỉ gọi được “Mai ơi nó lấy hết tiền của tao rồi” xong là bà không nói được gì nữa. Thợ xây làm cho nhà bà, cách có cái bờ tường thôi mà bà cũng cũng không kêu được.

May mà có con dâu bà giữ nó lại, đến lúc bà tỉnh, bà mới dọa nó là mày không trả tao tiền thì tao lột hết quần áo mày ra. Lúc ấy nó mới moi tiền từ cái khe bể ở góc này này, nó moi đến ba lần cơ mà.

Về việc của bà Trụ, ông Phạm Văn Quý, Trưởng Công an xã Hưng Đạo cho biết, hồ sơ vụ việc, xã đã chuyển lên công an huyện thụ lý.

Còn vụ việc của bà Mai Thị Hà, ông Quý nói: Tại trụ sở Công an xã Hưng Đạo, Đỗ Thị Quyên thừa nhận việc mình đã cắt mái tóc của bà Mai Thị Hà, nhưng là mua, và đã trả bà Hà 200 nghìn. “Chúng tôi cũng có gọi điện hỏi công an huyện về nghiệp vụ, thì thấy rằng nếu người ta đã dám đánh thuốc mê, dám lấy tiền thì không bao giờ người ta dám quay lại. Mà lại cách nhau đến một tuần. Chúng tôi còn gọi về địa phương xác minh thì cán bộ bên ấy trả lời là người ta (Đỗ Thị Quyên) “không có gì”.

Khi PV hỏi: “Việc bán tóc là bình thường, nếu chỉ vì bán tóc thôi thì bà Hà bịa ra sự việc như thế để làm gì?” Ông Quý… phỏng đoán: “Chắc là nó cắt của bà ấy hơi quá, chồng con nói nhiều quá nên bà ấy dựa vào đấy nói thế".

Trước việc một số bà con cho rằng mình đã bị kẻ xấu dùng “bùa mê thuốc lú” rồi bị chiếm đoạt tài sản, Thượng tá Nguyễn Minh Đức - PGĐ Trung tâm nghiên cứu tội phạm và Phòng ngừa tội phạm (Học viện CSND) nhận định: Thường thì các đối tượng lừa đảo sử dụng khả năng ám thị (mỗi người có sức mạnh từ con mắt, từ tâm sinh lý để có thể ám thị người bên cạnh, làm họ bị lúng túng) sau đó có thể tấn công bằng ngôn ngữ, lời nói, ánh mắt, cử chỉ tình cảm, làm cho người đối diện bị mê muội, mất tỉnh táo dẫn đến mất cảnh giác, tê liệt ý chí, không thể quản lý được tài sản. Song cũng có những đối tượng còn kết hợp dùng cả những loại chất hóa học nào đó để gây mê, làm cho người bị hại mê muội đi rồi chiếm đoạt tài sản.

Đây không phải là một thủ đoạn mới của tội phạm, tuy nhiên trước khi ra tay các đối tượng này đã nghiên cứu rất kỹ và thường áp dụng với những người nào mất cảnh giác, hoặc yếu về mặt tâm lý. Do vậy để đối phó với loại tội phạm này, ngoài việc người dân tự nâng cao ý thức cảnh giác thì các lực lượng chức năng cũng cần phải nâng cao công tác tuyên truyền về phương thức thủ đoạn của tội phạm để người dân có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại