Ngày 14/4 tới đây tại Hà Nội sẽ diễn ra phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Trung tâm TMV Cát Tường. Theo cáo trạng, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (giám đốc thẩm mỹ viện Cát Tường) sẽ bị đưa ra xét xử với 2 tội danh: “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác và xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.” Theo mức án này, bị cáo Tường có thể chịu mức án tổng cộng 10 năm tù.
Còn đối với Đào Quang Khánh (bảo vệ thẩm mỹ viện) cũng bị đưa ra truy tố với hai tội danh: “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt và trộm cắp tài sản”. Án cao nhất theo khung hình phạt đối với hai tội danh trên là 8 năm tù, theo quy định tại Khoản 2 Điều 246 bộ Luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung 2009.
Nhận định về mức hình phạt trên đối với Đào Quang Khánh (nhân viên coi xe, bảo vệ cho trung tâm TMV Cát Tường khi chưa đủ 18 tuổi). Luật sư Trương Quốc Hòe, trưởng Văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư Hà Nội đã đưa ra quan điểm:
Theo quy định tại Điều 246 bộ Luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.
“Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.”
Luật sư Hòe phân tích: “Theo quy định tại Điều 246 Bộ luật hình sự ta có thể thấy những dấu hiệu pháp lý của tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Trong đó hành vi khách quan của tội phạm là hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt trong đó có hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để trong mộ, trên mộ. Hành vi đào, phá mồ mả là hành vi đào, phá nơi chon cất người chết (hình thức địa táng). Chiếm đoạt đồ vật để trong mộ mà lấy cho mình các đồ vật đã được chôn cùng người chết; chiếm đoạt đồ vật để ở trên mộ là lấy cho mình các đồ vật để trên mộ theo phong tục tập quán và dành cho người chết”, ông Hòe nói.
Cũng theo ông Hòe, hành vi đào, phá mồ mả và hành vi chiếm đoạt đồ vật để trong mộ, trên mộ là hai dạng hành vi được xác định cụ thể trong điều luật.
“Ngoài ra, điều luật còn xác định những hành vi khác xâm phạm đến thi thể, mồ mả, hài cốt cũng được coi là hành vi khách quan của tội phạm. Trong đó thi thể được hiểu là thân xác người chết, hài cốt được hiểu là phần xương còn lại của người chết. Với hình thức hỏa tang hiện nay thì phần tro người chết mà sau đó được đựng trong bình để chôn hoặc để ở các ngăn trong nghĩa trang cũng được coi là hài cốt. Một số ví dụ về hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt có thể là đâm, yểm bùa vào mồ mả, đập phá hài cốt, bình tro hài cốt…Theo quy định tại điều luật trên, tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được cấu thành khi thực hiện hành vi phạm tội.” ông Hòe cho biết.
Từ những căn cứ theo điều luật, luật sư Hòe khẳng định: “Như đã phân tích trong các trường hợp trên, Khánh chỉ buột miệng gợi ý bác sĩ Tường: “Hay là đem đi vứt”, đây chỉ là một lời nói của Khánh, câu nói này chưa đủ căn cứ để cho thấy Khánh đã thực hiện hành vi này. Vì vậy, với câu nói trên của Khánh chưa đủ căn cứ để khép Khánh vào tội “ xâm phạm thi thể, mồ mả, hài côt” theo quy định tại Khoản 2 Điều 246 bộ Luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung 2009.