>> Xem toàn bộ vụ TRỌNG ÁN THẨM MỸ VIỆN LÀM CHẾT NGƯỜI, VỨT XÁC xuống sông Hồng
Trong nhiều ngày qua, các lực lượng chức năng cùng gia đình chị Lê Thị Thanh Huyền, nạn nhân bị Nguyễn Mạnh Tường, GĐ trung tâm thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang xác đã dùng nhiều biện pháp tìm kiếm nhưng cho đến thời điểm hiện tại vẫn không thấy thi thể của nạn nhân.
Không ít người đặt ra những câu hỏi nghi vấn xung quanh việc, Nguyễn Mạnh Tường có ném thi thể chị Huyền xuống sông Hồng không hay đã phi tang thi thể ở một chỗ khác?
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Bình (ở thôn Hồng Ngự, Thuỵ Phương, Từ Liêm, Hà Nội), người có hơn 40 năm vớt xác trên sông Hồng cho rằng, nếu đúng như những gì Tường đã khai nhận thì cho dù có bọc nilon thì vẫn có thể tìm thấy xác của chị Huyền.
"Nếu đúng như lời khai của đối tượng Tường là bọc xác vào túi nilon thì chắc chắn là vẫn sẽ nổi, sẽ tìm thấy nhưng phải kiên trì. Bởi hiện nay chưa tìm thấy là có thể xác vẫn nằm dưới lòng sông mà lòng sông thì bao giờ cũng lạnh nên xác sẽ bị bó vào, chưa phát lên được.
Khi bắt đầu dạ dày cương lên, các mạch máu, cơ giãn ra là sẽ nổi. Bây giờ gia đình cần tập trung tìm kiếm tại các khu vực Vụng Nhót, cảng Hồng Vân... và cứ thấy bất kỳ bao hoặc túi nilon nào có dấu hiệu khác thường nổi lên cần phải rạch ra để kiểm tra.
Thực tế có những trường hợp chết ở sông Hồng mà tôi phải mất đến hơn 2 tháng mới tìm thấy thi thể và nhiều trường hợp cũng lên tới 40, 50, 60 ngày...", bà Bình nói.
Cùng với đó, bà Bình cũng chia sẻ: "Thực tế, trong việc tìm kiếm này có nói như thế nào thì cũng phải có sự tín tâm và không ít trường hợp, gia đình tìm không thấy nhưng những người dưng lại tìm thấy. Như cách đây vài năm, có trường hợp cô gái cũng chết trên sông Hồng, gia đình đi tìm nhưng không thấy, cuối cùng lại được một ông thuyền chài vớt và chôn cất giúp.
Vì thế, gia đình cũng cần đi dọc sông, làm các tờ rơi, ghi rõ nhận dạng của người bị nạn, số điện thoại liên hệ... rồi đưa cho người dân, thuyền chài sống trên sông để có thông tin gì người ta có thể báo giúp cho".
Bà Bình phân tích, giữa người tự tử và người chết rồi bị ném xuống sông có nhiều điểm rất khác biệt.
"Người tự tử khi nhảy xuống sông bao giờ cũng lao đầu xuống, miệng ngậm, hơi nhịn lại và chưa thể uống nước nhưng khi đã hết hơi thì mới uống nước. Nếu người chưa ăn, uống nước vào thì hơi sẽ nhanh nổi nhưng nếu đã ăn cơm rồi thì nước vào, nén dạ dày chặt lại thì sẽ lâu nổi hơn.
Còn với nạn nhân của thẩm mỹ viện Cát Tường ở đây thì cho dù có bị rạch bụng, hay chặt xác ra, bọc kín vào túi nilon thì vẫn sẽ nổi.
Bởi vì, khi ném một vật nặng xuống thì chắc chắn nó sẽ phải chìm nhưng sau một thời gian nhất định thi thể con người ta sẽ cường lên, các mạch máu, cơ, gân căng lên khiến cho nilon phồng lên thì chắc chắn là sẽ nổi.
Trừ giả nếu đối tượng chặt xác nạn nhân và cho đá hoặc vật nặng vào trong đó thì thua. Vì đá nặng, khi xuống đó sẽ chìm và bị lấp.
Dòng sông Hồng chảy qua khu vực cầu Thanh Trì là khu vực nước cuối nguồn nhưng có tàu hút cát, nếu bị rơi xuống các hố hút đó thì khó nổi hoặc bị cát vùi lên...
Nhưng nếu không buộc đá thì sẽ lên, gia đình phải kiên trì, đừng bỏ dở việc tìm kiếm mà phải tội", bà Bình phân tích.
Bà Bình cũng cho hay, xác sẽ không thể trôi ngược lại mà ở cầu này, khi người bị ném xuống thì phải theo chiều gió, sau đó mới xuống sâu ở một mức nhất định và nằm lại rồi lừ lừ trôi. Rất có thể trong quá trình trôi, xác vướng vào cây hoặc một thứ gì đó nên chưa thể lên được.
Theo kinh nghiệm của mình, bà Bình nhấn mạnh, thời điểm này, bắt đầu có nắng hanh mạnh, gió bấc và nước sông Hồng đang lên sẽ giúp cho việc tìm kiếm thi thể được thuận lợi hơn.