Ông Quyền cho biết: Các phương tiện truyền thông đại chúng đã đăng nhiều thông tin tiêu cực về thực trạng hành nghề không giấy phép, hành nghề chui, gây hậu quả.
“Cơ quan quản lý đã thanh tra, phát hiện gì chưa, xử lý gì chưa? Không phải đợi đến vụ Cát Tường mới tổng rà soát, không thể làm theo phong trào được mà phải làm hàng ngày, hàng tháng, hàng năm”, ông nói.
Theo ông, nếu GĐ Sở Y tế thường xuyên chỉ đạo thanh tra các cơ sở (bằng văn bản) rồi thì phải xem các bộ phận thanh tra đã đi làm chưa, kết quả thế nào.
Ông cho rằng nếu thanh tra không phát hiện ra vấn đề thì hoặc do năng lực yếu kém, hoặc do bảo kê ăn tiền nên bỏ qua. Điều này phải được làm rõ. Rất nhiều vụ việc xảy ra do quản lý còn lỏng lẻo.
“Quản lý nhà nước cần chặt chẽ đến mức khi xảy ra vụ việc nào đó thì phải biết ngay chỗ cụ thể phải chịu trách nhiệm, không thể chịu trách nhiệm chung chung vào không khí được. Một trong những nguyên nhân khiến tội phạm gia tăng là buông lỏng khi sự việc xảy ra mà không rõ trách nhiệm cụ thể”, ông Quyền nhấn mạnh.
Bộ trưởng phải tăng cường trách nhiệm
Trao đổi với báo chí giờ giải lao, ông Quyền cho rằng Bộ trưởng Y tế phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm của mình.
Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng không phải sự việc gì diễn ra Bộ trưởng Y tế cũng biết?
Trong trách nhiệm công vụ được giao, người đứng đầu một ngành phải thu thập được thông tin về ngành của mình, có vấn đề là phải chỉ đạo ngay.
Đương nhiên Bộ trưởng có rất nhiều công việc, nhưng cần ra văn bản chỉ đạo và đôn đốc thực hiện các văn bản chỉ đạo đó cho các cấp. Bộ trưởng phải tăng cường tất cả các trách nhiệm đó.
Việc này giống như một guồng máy, anh nọ yêu cầu anh kia, nhưng yêu cầu đó phải đi kèm với việc đôn đốc kiểm tra và xem xét trách nhiệm. Không thể cứ tung ra một văn bản yêu cầu rồi bỏ lửng, không xem xét cấp dưới làm đến đâu rồi cứ nói đã hoàn thành nhiệm vụ.
Theo ông hiện nay chúng ta có đủ cơ sở để quy trách nhiệm chưa?
Cơ chế hiện hành cũng đủ để quy trách nhiệm rồi. Nếu luật công vụ rõ hơn thì trong trường hợp đó khỏi phải bàn cãi nhiều. Nhưng nay ta cũng đã có đủ cơ sở pháp lý và quy định của pháp luật để quy trách nhiệm đối với từng địa chỉ cụ thể.
Không thể cứ tung ra một văn bản yêu cầu rồi bỏ lửng, không xem xét cấp dưới làm đến đâu
PV báo Đất Việt đặt câu hỏi: Khi liên hệ với Sở Y tế HN, họ nói là chúng tôi được chỉ đạo không được trả lời về vụ việc này nữa. Ông đánh giá thế nào về phản ứng này?
Chả có gì phải chỉ đạo cả. Người quản lý chân chính phải cảm thấy hổ thẹn, phải làm nghiêm minh, nhất là trong những vấn đề liên quan đến sinh mệnh con người. Vì sự tắc trách của quản lý nhà nước dẫn đến nhiều hậu quả, mà hậu quả lớn nhất là chết người thì lương tâm anh phải cảm thấy cắn rứt.
Hiện nay dư luận cho rằng có bảo kê, bao che, tiêu cực nhưng đó mới chỉ là dư luận, chưa có khảo sát đánh giá căn bản vấn đề này. Nhưng có hiện tượng như vậy thì các cơ quan nhà nước phải vào cuộc điều tra.
Sau khi các vụ việc xảy ra, việc tổng rà soát đó là tốt, nhưng chỉ là hình thức thôi. Bởi việc rà soát đó phải làm thường xuyên. Toàn bộ nền công vụ của chúng ta phải chấn chỉnh lại, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm.