Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên là Thư ký Quân sự ở Văn phòng Tổng Chính ủy, một trong những người giúp việc đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm nay đã gần 90 tuổi. Nhắc lại những kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giọng kể của ông Giong vẫn rất hào sảng.
"Từ một nhà giáo yêu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành người đứng đầu quân đội. Anh Văn là người học trò được Bác Hồ trực tiếp rèn luyện. Bác đã giao cho anh Văn trọng trách thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được toàn dân, toàn quân ta yêu kính đặc biệt. Vì Đại tướng là người rất có trí tuệ và rất nhân văn. Trí tuệ chinh phục đầu óc của chúng ta và nhân văn chinh phục trái tim chúng ta" - Đại tá Giong bày tỏ.
Cũng theo Đại tá Giong kể, sau khi học xong bằng tú tài tại trường Bưởi, ông tham gia chiến đấu trong tổ Thanh niên cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, cướp chính quyền ở Hà Nội rồi chiến đấu trong 60 ngày đêm khói lửa, sau đó là toàn quốc kháng chiến.
Tháng 5-1947, ông được cử đi học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Đến tháng 2-1948, Nguyễn Bội Giong được điều động về công tác ở phòng Bí thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà lúc đó ông Nguyễn Cơ Thạch làm Bí thư trưởng.
Trong thời gian từ tháng 2-1948 đến 6-1951, ông Giong là Thư ký Quân sự ở Văn phòng Tổng Chính ủy với công việc hằng ngày giúp Đại tướng nghiên cứu các báo cáo của ủy ban hành chính kháng chiến các khu và tỉnh thành, nhất là vùng tạm chiếm. Đồng thời, giúp Đại tướng đưa ra dự thảo Huấn lệnh, mệnh lệnh chỉ đạo quân sự và đi theo ông đến các khu, đơn vị để kiểm tra tình hình huấn luyện, chiến đấu.
Đại tá Nguyễn Bội Giong tại Hoàng thành Thăng Long.
"Thực sự cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ rằng, mình có phúc phận nên mới được sắp xếp vào những vị trí làm việc và giúp việc trực tiếp cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp.
Cá nhân tôi, ngay khi học trường Bưởi, Đại tướng dạy ở trường Thăng Long nhưng tôi đã biết tiếng về ông - Giáo sư Sử học Võ Nguyên Giáp từ lâu. Có nhiều buổi giảng sử của ông tôi đã bỏ trường bên này, sang đó nghe nhờ. Bài giảng sử về Quang Trung - Nguyễn Huệ kéo dài trong 3 tiếng vào năm 1940 của giáo sư Giáp đã từng nổi danh trong giới thanh niên, trí thức trẻ lúc bấy giờ.
Tháng 2 - 1948, tôi được trên điều về làm việc ở Văn phòng Tổng Chính ủy. Tôi còn nhớ lúc đó, từ quân y hậu phương đi ngựa lên đến nơi làm việc của Đại tướng mất hơn 1 ngày, 1 đêm đi đường mà qua rất nhiều suối. Trên suốt quãng đường đó, các đồng chí cán bộ của văn phòng đưa tôi đi đã chăm sóc tôi còn hơn cả ruột thịt. Mỗi khi bị làm sao một chút là mọi người lại hỏi han rất kỹ càng.
Đến nơi rồi mới thấy, khu vực làm việc của cơ quan lúc đó hết sức nghiêm nhưng nhà cửa rất giản đơn, chỉ được làm bằng các cây mương, chẻ ra, đan thành vách, lấy lá gồi ghép thành mái... Và các nhà ở cũng rất rải rác, hai bên nhà có giao thông hào để nếu xuất hiện máy bay địch thì có thể chạy ra trú ẩn...
Cuộc sống ở đây cũng rất khó khăn, gian khổ. Mỗi ngày, mỗi người chỉ ăn 1 bát cơm, còn lại là ăn sắn đào được trong rừng hoặc từ các đồi sắn của bà con dân tộc đã thu hoạch chỉ còn lại một ít sắn già. Nhìn anh em ăn như vậy, Đại tướng rất thương nhưng thời điểm lúc bấy giờ quá khó khăn nên anh cũng chỉ biết động viên, nói mọi người cố gắng.
Tôi còn nhớ mãi, câu của anh Văn nói là: "Đằng nào chúng ta cũng phải giành được chiến thắng cuối cùng nên phải cố gắng. Có thế này, chứ gian khổ nữa cũng phải cố gắng để chiến thắng..."" - Đại tá Giong kể.
Đại tá Giong kể tiếp: "Khi mới về, tôi chưa được tiếp xúc mà chỉ nghe mọi người nói, hôm nay anh Hai (bí danh của Đại tướng trong cơ quan lúc đó - PV) ra chỉ thị này, ý kiến này... Hơn một tháng sau, một hôm, anh Nguyễn Cơ Thạch mới thông báo với tôi là chuẩn bị tài liệu để ngày mai lên báo cáo với anh Hai.
Buổi gặp đầu tiên đó đến giờ tôi vẫn không thể nào quên được. Sau khi vào, tôi đứng nghiêm chào thì anh Hai ra bắt tay, cười rồi cùng ngồi vào bàn tre. Trước khi vào làm việc, anh có hỏi qua về việc tôi học ở đâu, ai dạy. Sau khi tôi trả lời, anh Hai đã rất vui vẻ nghe tôi báo cáo.
Một hôm khác, anh Hai nói tôi đi cùng anh xuống một bản ở gần đó để thâm nhập, nghe tình hình dân quân, du kích và ở đó 1 đêm để viết sách. Tôi cũng lo vì văn chương tôi cũng được nhưng viết sách thì tôi chưa làm bao giờ.
Sau khi làm việc với cán bộ địa phương, tối đó, các đồng chí bố trí một phòng riêng với bàn tre để anh Hai làm việc đêm. Đêm đó, anh vừa đi lại trong phòng, vừa đọc cho tôi chép. Đến một số đoạn anh dừng lại, hỏi tôi xem văn như thế đã ổn chưa và cho phép tôi được đề nghị nên sửa lại từ này, từ kia cho hợp lý. Cuốn sách sau đó đã được in ngay tại chiến khu Việt Bắc mang tên “Đội quân giải phóng”...
Những kỷ niệm, hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tôi rất sâu. Tôi ra đi làm cách mạng khi bố đã mất, không rõ mẹ và em ở đâu nên anh Văn đúng như là một người anh ruột thịt của tôi vậy".
Cũng theo Đại tá Giong, ông còn có một may mắn khác là được cùng các anh em trong cơ quan, theo anh Văn sang nhận thụ phong quân hàm Đại tướng do Bác Hồ trực tiếp trao.
"Anh Văn nhận thụ phong quân hàm Đại tướng do Bác Hồ trực tiếp trao. Tôi còn nhớ, Bác Hồ nói ý là đánh thắng đại tướng thì phong đại tướng. Lúc đó, anh Văn đánh thắng đại tướng Sa – Lăng, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Việt Nam, đồng thời là một danh tướng của Đờ - Gôn nên Bác phong anh Văn hàm Đại tướng", Đại tá Giong nhớ lại.
Đại tá Giong cũng bùi ngùi chia sẻ: "Năm 1951, khi chuẩn bị giành lại chủ động chiến lược và chuẩn bị một giai đoạn phản công thì anh Văn cho tôi sang công tác ở Bộ Tổng tham mưu, làm Bí thư quân sự cho anh Hoàng Văn Thái là Tổng Tham mưu trưởng.
Từ đó, tôi không còn được ở gần Đại tướng. Tuy nhiên, vì làm Phái viên tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh, đi các sư đoàn, trung đoàn trong các chiến dịch nên tôi vẫn thường được nhận lệnh trực tiếp từ Đại tướng Tổng tư lệnh. Đến Điện Biên Phủ, tôi lại được giao nhiệm vụ trực tiếp giúp việc về công tác chỉ huy, tham mưu cho Chỉ huy trưởng chiến dịch Võ Nguyên Giáp…
Từ lúc thôi việc, vì nhà rất gần nhà anh Văn nên tôi cứ sang thăm luôn. Như là một người thân, ngày nào tôi cũng sang chơi một lần xem anh có việc gì cần thì lãnh về làm, nhất là viết lách. Đến lúc anh Văn vào bệnh viện thì không có điều kiện nữa, thỉnh thoảng tôi mới được đến thăm hỏi Đại tướng.
Điều mà tôi thương tiếc, luôn nhớ đến ở anh Văn là một tấm lòng rất công bằng đối với những người giúp việc, cũng không cổ vũ con người bằng công danh mà ông cổ vũ con người bằng những thành tựu, bằng những nỗ lực đối với cách mạng".
(Còn tiếp)