Việt Nam muốn hòa bình nhưng vẫn đủ sức bảo vệ chủ quyền

Lý Minh Sơn |

(Soha.vn) - "Việt Nam muốn tất cả bằng con đường thương lượng hoà bình. Việt Nam đủ sức mạnh để bảo vệ chủ quyền (cả trên đất liền, trên không và trên biển) trong cả những tình huống xấu nhất.

Liên quan đến cách ứng xử của Việt Nam trước những hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, phóng viên đã có buổi phỏng vấn Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu – Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam về vấn đề này.

Thượng tướng, VS. Nguyễn Huy Hiệu - Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam

Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu - Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam

PV: Thưa Thượng tướng, việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn nói những lời tốt đẹp trong quan hệ với các nước ở khu vực Biển Đông lâu nay luôn đi kèm với những hành động gây hấn của họ trên vùng biển này. Dường như, dư luận các nước có liên quan đã không thể chấp nhận nổi “việc nói một đằng, làm một nẻo” này. Hành động kiện Trung Quốc ra toà của Philippines liệu có phải là kết quả từ việc “giọt nước làm tràn ly”?

Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu: Cũng không hẳn như vậy. Trong quan hệ quốc tế, khi giữa các nước không đạt được những thoả thuận trong tranh chấp thì việc đưa nhau ra toà cũng là chuyện bình thường. Đó là một phương án hoàn toàn hoà bình, hữu nghị.

PV: Lãnh đạo Trung Quốc thường nói với các nước khác khi có các hành động gây hấn và xâm phạm chủ quyền nước này ở Biển Đông là: “Cấp dưới tự ý làm”. Thượng tướng có tin lời này?

Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu: Lời giải thích này hơi khó tin bởi Trung Quốc vốn là một nước rất kỷ luật, khi cấp trên không ra lệnh, cấp dưới không bao giờ tự ý làm gì kể cả trong phát ngôn.

Tuy nhiên, trong quan hệ ngoại giao, khi các nhà lãnh đạo của các nước gặp nhau thì nên đề cập rõ vấn đề này: nếu là chỉ đạo của lãnh đạo Trung Quốc thì cần nên chấm dứt, còn nếu cấp dưới tự làm thì phải dạy cho nghiêm.

PV: Thưa ông, trong thời gian tới, nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành vi gây hấn, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông thì chúng ta nên hành động như thế nào?

Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu: Việt Nam muốn tất cả bằng con đường thương lượng hoà bình. Việt Nam đủ sức mạnh để bảo vệ chủ quyền (cả trên đất liền, trên không và trên biển) trong cả những tình huống xấu nhất.

PV: Trung Quốc không chỉ là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mà trong thời gian gần đây họ liên tục gia tăng chóng mặt sức mạnh quân sự. Theo thượng tướng, ứng xử khôn ngoan nhất của người Việt Nam là gì?

Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu: Nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm dựng và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”. 

Chúng ta phải chuẩn bị tốt các phương án trong thời bình, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, thế  trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc đặc biệt quan trọng là thế trận lòng dân. Làm tốt các điều đó sẽ đẩy lùi nguy cơ chiến tranh.

PV: Vừa qua, với việc Trung Quốc liên tục đưa ra những xuất bản phẩm sai sự thật về chủ quyền như việc hộ chiếu in “đường lưỡi bò”, bản đồ sai chủ quyền về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa… với mật độ dày đặc cho thấy quyết tâm tuyên truyền sai lệch chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông của Trung Quốc. Thưa Thượng tướng, chúng ta cần phải hành động như thế nào trước những việc làm phi pháp này của Trung Quốc?

Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu: Trong bối cảnh chúng ta đã hội nhập và thông tin đa chiều, Việt Nam cần có 1 tổ chức thông tin không chỉ qua các phương tiện mà còn qua các tổ chức quốc tế bằng những văn bản chính thống.

Với những việc làm sai trái của Trung Quốc, một mặt chúng ta cần phải lên tiếng phản đối, một mặt chúng ta cũng cần phải tăng cường công tác tuyên truyền cho mọi người hiểu đúng sự thật.

PV: Xin ông có thể nói rõ hơn về những việc phải làm để tăng cường công tác tuyên truyền…

Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu: Chúng ta phải công bố các chứng lý chứng minh chủ quyền của chúng ta về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ những dữ liệu lịch sử hiện đang được lưu trữ ở: các kho lưu trữ, bảo tàng, thư viện, trong nhân dân, trong kiều bào ta hiện đang sinh sống ở nước ngoài và trong các bạn bè quốc tế quan tâm đến chủ quyền của Việt Nam.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Công ước luật biển cũng như Luật Biển để mọi người có thể hiểu được chủ quyền của đất nước ta đến đâu, rộng bao nhiêu…

Trên phương diện quốc tế: chúng ta phải tổ chức nhiều hơn các hội thảo quốc tế để từ đó tuyên truyền ra thế giới chủ quyền của Việt Nam tại khu vực Biển Đông. Việc này không chỉ giúp các nước hiểu rõ hơn về vấn đề đang xảy ra tại Biển Đông mà còn giúp chúng ta tận dụng được những tiếng nói tiến bộ trên thế giới.

Về giáo dục, trong sách lịch sử, chúng ta phải đưa những vấn đề này vào dạy. Cả sách Địa lý cũng vậy. Tất nhiên, không phải là đưa tất cả các vấn đề vào mà có chọn lọc nhưng việc này là rất cần thiết và phải làm ngay. Chúng ta phải giáo dục cho các thế hệ người Việt Nam về chủ quyền của chúng ta tại Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách cụ thể.

Nói chung, công tác tuyên truyền của chúng ta phải cụ thể hơn, bài bản hơn.

Trân trọng cảm ơn Thượng tướng đã trả lời phỏng vấn!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại