Chi phí lớn, lợi nhuận giảm
Bảo hiểm xã hội được xác định nhằm đảm bảo quyền lợi đối với người lao động ở mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, với mức phí bảo hiểm xã hội tăng cùng mức tăng chung của lương tối thiểu hiện nay cùng với một số bất cập còn tồn tại đang khiến cho nhiều doanh nghiệp và kể cả người lao động không 'mặn mà'.
Là chủ một doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm khá lớn với gần 100 công nhân ở Chương Mỹ, Hà Nội, ông Đặng Đ. T. luôn xác định, việc đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ là thể hiện sự quan tâm, gắn kết quyền lợi của công nhân.
Tuy nhiên, trong lúc kinh tế đang khó khăn, cùng với việc tăng lương cơ bản, tỷ lệ trích nộp bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp phải chịu cho người lao động cũng tăng theo từng năm đã khiến cho doanh nghiệp của ông phải chịu rất nhiều áp lực, đặc biệt về chi phí.
"Mấy năm về trước kinh tế thế giới cũng như trong nước còn ổn định, hàng làm ra còn không kịp xuất nhưng hai năm trở lại đây, lượng tiêu thụ chậm đi chỉ còn 2/3 và nhiều khi là 1/3 so với trước.
Trong khi đó, ngoài các chi phí về nhà xưởng, điện, nước, tăng lương phải luôn được đảm bảo thì chi phí bảo hiểm mà doanh nghiệp phải đóng cho người lao động cũng tăng theo hàng năm khiến cho chúng tôi không khỏi nghi ngại và gặp không ít khó khăn", ông T nói.
Theo ông T, vào năm 2010, 2011, tỷ lệ trích nộp bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp phải đóng là 16% nhưng sang năm 2012, hết 2013 tỷ lệ này tăng lên 17% và dự kiến sang năm 2014 là 18%. Đó là chưa kể, doanh nghiệp còn phải trích nộp bảo hiểm y tế cho người lao động là 3%, bảo hiểm thất nghiệp 1,5%.
"Mới chỉ tính riêng bảo hiểm xã hội, tỷ lệ trích nộp của doanh nghiệp đã bằng 17% lương cho một công nhân và chưa kể còn bảo hiểm y tế, thất nghiệp cũng phải trích nộp.
Mà ở đây, chúng tôi có đến cả trăm cán bộ, công nhân viên, nhân lên với mức đóng như vậy thì chi phí bỏ ra hàng tháng thôi đã là rất lớn mà việc bù đắp lại hiện nay khó hơn trước do kinh tế đang khó khăn, các ngân hàng hạn chế cho vay như thế này... Thực sự là lợi nhuận giảm đi quá nhiều", ông T chia sẻ.
Trong khi đó, ông Trần Văn B, chủ một doanh nghiệp dệt may ở Hưng Yên lại cho rằng, dù khó khăn, doanh nghiệp của ông vẫn không ngại tăng lương cho cả trăm công nhân đang làm việc trước cả thời điểm tăng lương tối thiểu nhưng việc ông ngại nhất lại chính là việc phải đóng bảo hiểm xã hội cao.
"Lương chúng tôi không ngại tăng, nhưng ngại nhất vẫn là việc đóng bảo hiểm xã hội, vì tăng lương đồng nghĩa với việc tăng theo mức đóng phí bảo hiểm cho công nhân. Mà đã tăng như vậy, cùng với các chi phí khác cũng tăng theo thì chắc chắn lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm mà thực tế thì kinh tế lại đang rất khó khăn như thế này.
Vì thế nên chăng cần phải tính toán lại mức trích nộp bảo hiểm sao cho hợp lý, đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp trong lúc này.", ông B, bày tỏ.
Còn theo chị Nguyễn Thị Lụa, kế toán từng làm việc cho nhiều doanh nghiệp tư nhân đặt ra vấn đề, thực tế, hiện nay, việc trích nộp bảo hiểm xã hội cao nhưng căn cứ tính không rõ ràng đã dẫn đến nhiều vấn đề trục lợi.
"Hiện nhiều doanh nghiệp đang áp dụng hệ thống thang, bảng lương Nhà nước hoặc tự xây dựng thang, bảng lương hoặc kết hợp cả hai. Vì thế, tiền lương làm căn cứ đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp rất khác nhau gây ra những bất cập và tạo điều kiện cho việc lợi dụng trục lợi bảo hiểm kể cả phía người sử dụng lao động và người lao động”, chị Lụa cho hay.
Chính người lao động cũng 'nản' (?!)
Không chỉ chủ doanh nghiệp mà khi được hỏi, rất nhiều người lao động trong các doanh nghiệp cũng chia sẻ, việc không thích đóng bảo hiểm xã hội cao.
Theo anh Đỗ Tiến Hưng, công nhân dệt may tại khu công nghiệp Phố Nối B (Hưng Yên) cho biết, thực tế, mỗi tháng ngoài việc được công ty nộp bảo hiểm xã hội cho thì người lao động như anh vẫn phải nộp tới 7% lương nhưng việc được hưởng quyền lợi từ bảo hiểm thì lại bất cập.
"Lương thì cũng không lấy gì làm cao nhưng nộp bảo hiểm xã hội đã tới 7% lương mà thực tế thì đối với chị em phụ nữ họ chửa, đẻ thì mới được hưởng ngay chứ còn như anh em chúng tôi thì đóng cũng chỉ là để chờ về hưu rồi hưởng lương hưu chứ còn bình thường nói để được hưởng ngay thì chắc chắn là không có gì cả rồi", anh Hưng nói.
Còn theo anh Nguyễn Văn Tuân, công nhân làm việc tại khu công nghiệp Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) cho rằng, nếu có được hưởng chế độ từ bảo hiểm xã hội thì cũng rất phiền hà, tốn công, tốn sức, thời gian.
"Chính anh họ nhà tôi dù hàng tháng đều bị trừ bảo hiểm xã hội đến cả vài trăm ngàn đồng rồi thời đóng đến cả gần chục năm nhưng đến khi bị tai nạn giao thông, thương tật, do không có biên bản xác nhận vụ việc của cơ quan công an nên đến khi làm xác nhận chế độ thương tật để hưởng trợ cấp bảo hiểm gặp rất nhiều phiền toái, tốn công, thời gian đi lại", anh Tuân chia sẻ.