Cụ Tám (Hà Nội) - là bà mẹ Việt Nam Anh hùng có 4 người con là liệt sĩ, năm nay đã 110 tuổi, chân đi không vững nhưng đã gắng sức đến viếng biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần cuối. Nước mắt của cụ bà khiến nhiều người rơi lệ.
Những hình ảnh các cụ ông, cụ bà tuổi già sức yếu đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp không hiếm nhưng hình ảnh nào cũng đọng lại một sự xúc động khôn xiết.
Đại tá Đinh Thế Hinh chỉnh tề trong bộ quân phục hòa vào dòng người xếp hàng vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đôi chân đã mềm yếu, bước những bước nặng nhọc và run rẩy nhưng điều đó không làm người chiến sĩ già nản lòng đi đến trước cửa ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu.
"Đồng bào" đó là 2 tiếng thiêng liêng dâng cao hơn bao giờ hết trong lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hình ảnh Trung tá Lưu Mạnh Tuyến, Đội phó đội Cảnh sát Giao thông số 2, Công an Hà Nội dìu cụ Đinh Kim Hoài (88 tuổi) vào viếng Đại tướng chính là tình "đồng bào". Cụ Hoài chỉ là một trong hàng trăm người đã được Trung tá Tuyến giúp đỡ. Luôn túc trực ngày đêm trên tuyến đường Hoàng Diệu, Trung tá Lưu Mạnh Tuyến không quản ngại mọi vất vả, mệt nhọc để giúp đỡ người dân từ mọi miền tổ quốc có thể nhanh chóng nhất được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chiến tranh đã cướp đi của anh Nguyễn Tiến Công đôi mắt, nhưng hay tin Đại tướng qua đời, anh Công vẫn nhờ người đưa tới phố Hoàng Diệu xếp hàng.
Trung tá Nguyễn Trọng Ngữ (90 tuổi, ở Hải Phòng) ngồi xe lăn vào viếng Đại tướng. Tại đây, ông Ngữ đã may mắn hội ngộ người đồng đội cũ đã biệt cách nhau biết bao nhiêu năm - Nguyễn Hoan (77 tuổi).
Hình ảnh người cựu chiến binh dân tộc H'mông Phàng Sao Vàng, đến từ Sơn La xuống Hà Nội viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khiến nhiều người xúc động. Trong bộ quân phục cũ kỹ, huân chương đeo đầy ngực, dựng chiếc máy cọc cạch bên cạnh, ông Phàng Sao Vàng đứng nghiêm trang theo tác phong quân đội để tỏ lòng kính cẩn trước người Anh Cả của quân đội Việt Nam.
6h30 sáng, cánh cửa nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa mở, bà Trần Thị Lộc (90 tuổi) nét mặt giãn ra: 'Thế là được vào với Đại tướng rồi'.
Cụ Quế Thị Nhung (79 tuổi) ở xã Yên Thành, tỉnh Nghệ An đến Quảng Bình viếng Đại tướng từ 3h sáng
Những người thương binh dù đi lại khó khăn vẫn dìu nhau cùng đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Người cựu chiến binh già Đào Vĩnh Tâm (Bảo Ninh, Đồng Hới) dù một phần thân thể đã bỏ lại nơi chiến trường nhưng vẫn tới kính cẩn nghiêng mình trước vị Đại tướng đáng kính.
Hàng trăm trẻ em tại trung tâm nhân đạo Quê Hương khóc nức nở trước bàn thờ Đại tướng. Các cháu có thể không nhận thức rõ ràng nhất về vị tướng tài ba lừng lẫy của cả thế giới và dân tộc Việt Nam nhưng đã theo cha anh viếng Đại tướng với một niềm kính yêu mãnh liệt.
Hai em nhỏ nắn nót từng nét chữ sổ tang tri ân một con người vĩ đại vừa chia tay thế gian này. Đây là khoảnh khắc sẽ khiến các em mãi tự hào, đi theo suốt cuộc đời mình.
-------
Lời tòa soạn: Hàng triệu người dân Việt đang từng giờ từng phút dõi theo Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lòng thành kính và nỗi tiếc thương vô hạn. Để tiện theo dõi, bạn đọc có thể bấm vào các nội dung dưới đây cho phù hợp với nhu cầu thông tin của mình:
1) Tường thuật Lễ viếng Đại tướng tại Hà Nội, Quảng Bình, TP.HCM
Thông tin xung quanh: Danh sách Ban tang lễ; Lịch trình tang lễ; Giờ viếng ở Hà Nội - Quảng Bình - TPHCM; Phân luồng giao thông ở Hà Nội
2) Tiếp sóng truyền hình trực tiếp Lễ Truy điệu và Lễ An táng Đại tướng
3) Nơi AN NGHỈ của Đại tướng tại Quảng Bình: Vì sao Đại tướng chọn Vũng Chùa; Hình ảnh Vũng Chùa; Chỉ dẫn đường vào Vũng Chùa; Nhà ngoại cảm ngưỡng mộ nơi yên nghỉ của Đại tướng
4) Chính trị gia, chuyên gia trên thế giới nghiêng mình trước Đại tướng
5) Những BÀI BÁO ĐẶC BIỆT chỉ có ở Soha.vn
(Danh sách này LIÊN TỤC CẬP NHẬT khi có thông tin mới)
Mời quý độc giả gửi ẢNH, VIDEO tự chụp, quay (bằng điện thoại di động, máy ảnh) về Lễ tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho Tòa soạn theo email: sohanews1@gmail.com. Trân trọng cảm ơn!