Tướng Sơn đang chỉ đạo kiểm tra lại lý lịch nữ sinh 29 điểm

Hoàng Đan |

Giám đốc CA tỉnh Quảng Bình Từ Hồng Sơn cho biết, đã chỉ đạo Công an huyện Tuyên Hóa tiến hành kiểm tra lại lý lịch của nữ sinh 29 điểm không được vào trường công an.

Yêu cầu kiểm tra lại lý lịch

Nữ sinh Bùi Kiều Nhi (sinh năm 1997, trú xã Đức Hoá, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) đạt 29 điểm (tính cả 1,5 điểm ưu tiên) trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua nhưng không đủ điều kiện vào trường công an do khai báo thiếu phần án tích của bố trong lý lịch.

Trao đổi với chúng tôi vào sáng 18/9, Thiếu tướng Từ Hồng Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình xác nhận, sau khi nhận được chỉ đạo từ Bộ Công an, ông đã có chỉ đạo yêu cầu Công an huyện Tuyên Hóa tiến hành kiểm tra lại lý lịch của nữ sinh này.

"Hiện chúng tôi đang yêu cầu công an huyện tiến hành kiểm tra lại và sẽ có báo cáo cụ thể", Thiếu tướng Sơn cho hay.

Trước đó, trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an cũng cho biết, sau khi nhận được thông tin về trường hợp của em Bùi Kiều Nhi, Cục đã báo cáo Bộ Công an để xem xét.

Nữ sinh Bùi Kiều Như và mẹ. Ảnh: Zing.vn
Nữ sinh Bùi Kiều Như và mẹ. Ảnh: Zing.vn

"Hiện chúng tôi đang chờ Bộ trưởng Bộ Công an xem xét và quyết định về trường hợp này. Sau khi có quyết định của Bộ trưởng chúng tôi sẽ thông báo cụ thể và trả lời các ý kiến bằng văn bản", Thiếu tướng Giám nói.

Xóa án tích vẫn phải khai đầy đủ

Liên quan đến một số ý kiến cho rằng, áp dụng theo quy định của Bộ luật Hình sự thì sau khi đã trải qua 23 năm, bố em Bùi Kiều Nhi - ông Bùi Vĩnh Tường (SN 1965, mất năm 2013) đã được xóa án tích từ lâu, trở thành một công dân bình thường như bao người khác.

Và việc em Nhi không khai vào lý lịch không có gì sai.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng VP Luật sư Toàn Cầu (Đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định, ý kiến trên là không chính xác.

Theo luật sư Thiệp, việc xóa án tích trong Bộ luật Hình sự chỉ là căn cứ để xem xét xử lý hình sự trong một số tội danh được quy định trong Luật này.

"Ví dụ như phạm tội trong các tội danh có cấu thành vật chất mà hậu quả cần định lượng được, xâm hại sở hữu, một số tội danh khác liên quan đến trật tự hành chính, quan hệ kinh tế...

Khi đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định xem phạm tội đến 2 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính hoặc đã phạm tội này nhưng chưa được xóa án tích.

Và đây là căn cứ để xem xét các tình tiết khác như là tái phạm, tái phạm nguy hiểm hay là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự...", luật sư Thiệp nói.

Luật sư Lê Văn Thiệp.
Luật sư Lê Văn Thiệp.

Đối với việc khai lý lịch khi đăng ký dự tuyển vào các trường công an nhân dân, theo luật sư Thiệp, người dự tuyển vẫn phải đảm bảo khai đầy đủ án tích của người thân trong gia đình dù đã được xóa.

"Ngành công an hay quân đội hay một số ngành đặc biệt khác là những ngành đặc thù, liên quan đến an ninh quốc gia nên việc khai báo lý lịch phải đảm bảo đầy đủ, chính xác.

Đó là quy định riêng của ngành nhưng vẫn đảm bảo các quy định của pháp luật và tất cả các trường hợp phải thực hiện nghiêm vấn đề này còn không thực hiện thì phải chịu trách nhiệm.

Ở đây, việc em Nhi không khai án tích của bố như vậy là sai và thông báo của công an huyện về việc em không đủ điều kiện vào học các trường công an nhân dân là thực hiện đúng theo quy định chung của ngành", luật sư Thiệp nhấn mạnh.

Luật sư Thiệp cũng cho biết thêm, không phải đến trường hợp của em Nhi, vấn đề phải đảm bảo khai lý lịch đầy đủ, kể cả án tích của người thân đã được xóa khi dự tuyển vào các trường công an nhân dân mới được đặt ra mà trước đó đã có quy định rõ ràng.

Đồng quan điểm đó, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng VP Luật Interla (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng nhấn mạnh, dù bố em Nhi có được xóa án tích thì trong lý lịch khi dự tuyển vào trường công an em và gia đình vẫn phải khai đầy đủ.

"Xóa án tích chỉ áp dụng trong một số tội danh của Bộ Luật Hình sự còn đối với việc khai lý lịch khi dự tuyển vào trường công an thì đã có quy định rõ ràng và người dự tuyển phải thực hiện, nếu vi phạm thì sẽ không được chấp nhận.

Và quy định này phù hợp với các quy định của pháp luật", Luật sư Hòe thông tin.

Luật sư Hòe cũng bày tỏ, việc án tích của bố em Nhi có từ khi chưa lập gia đình, mẹ em và em đều không biết nên không khai án tích này vào lý lịch là điều có thể cảm thông.

"Tôi đồng tình với việc Bộ Công an đã yêu cầu địa phương xem xét, kiểm tra lại lý lịch của em này. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét kỹ càng, đảm bảo khách quan, công bằng", Luật sư Hòe nhìn nhận.

PTCT Tổng cục CT CAND, kiêm GĐ Học viện Chính trị CAND
Thiếu tướng Trương Giang Long
Theo quy định của pháp luật, vụ án của bố cháu diễn ra lâu rồi nên về mặt pháp luật án tích có thể đã được xóa, nhưng dù xóa hay không thì anh có phạm pháp, phạm tội vẫn phải khai vào hồ sơ, lý lịch. Còn về giá trị thì xin khẳng định, án tích của bố cháu đã được xóa và giá trị kỷ luật không còn, cho nên, cháu vẫn đủ điều kiện để có thể vào học Học viện Chính trị CAND.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại