Tướng Lâm: Sau Trường Sa 1988, Hải quân VN mạnh gấp vài chục lần

Lý Minh Sơn |

(Soha.vn) - Đánh giá sức mạnh của Hải quân Việt Nam sau sự kiện Trường Sa 1988, tướng Lâm cho rằng: “Chúng ta cũng mạnh hơn hàng chục lần với đầy đủ các binh chủng hải quân”.

LTS: Ngày 14/3/1988 đã trở thành một phần của lịch sử khi gắn liền với “vòng tròn bất tử” cùng sự hy sinh của 64 chiến sỹ ở đảo Gạc Ma để giữ bình yên cho Tổ quốc. Chúng tôi tiếp tục trò chuyện với Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm - nguyên Giám đốc Học viện Hải quân, Bộ Quốc phòng về Trường Sa trong những ngày tháng lịch sử đó.

PV: Thiếu tướng từng nói rằng: “Nếu không có tầm nhìn và sự quyết đoán trong hành động của đô đốc Giáp Văn Cương, Trường Sa có thể khó khăn hơn bây giờ, không toàn vẹn như vậy giờ”. Tại sao Thiếu tướng lại có nhận định như thế?

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Ngày 16/4/1975, Hải quân Việt Nam cùng một lực lượng của Quân khu V đưa tàu ra giải phóng 5 đảo ở Trường Sa do hải quân Việt Nam cộng hòa nắm giữ. Năm 1975, ta mới có 5 đảo. Sau đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân không những giữ được các đảo đã giải phóng mà ta còn giữ thêm được nhiều đảo lớn khác để tạo thế liên hoàn ở quần đảo Trường Sa.

Cho đến năm 1980, ta đã đóng quân trên nhiều đảo và năm 1988, Trung Quốc xâm chiếm và gây hấn với ta. Vụ việc xảy ra ngày 14/3/1988, ở đó, tôi nghĩ là không nên dùng từ “Hải chiến Trường Sa” mà đó là sự gây chiến từ Trung Quốc. Chúng ta không có phát súng nào bắn lại họ. Đó là họ đơn phương đánh chúng ta.

Tàu HQ-604 chụp ngày 10/3/1988 và đã bị bắn chìm tại vùng biển Gạc Ma 4 ngày sau đó (Ảnh tư liệu Lữ đoàn 125)
Tàu HQ-604 chụp ngày 10/3/1988 và đã bị bắn chìm tại vùng biển Gạc Ma 4 ngày sau đó (Ảnh tư liệu Lữ đoàn 125)

Đến nay ta đang đóng trên 12 đảo nổi, 9 đảo chìm. Đó là một sự phát triển, trong đó có công lao của cả nước và cả ở tầm nhìn của Đô đốc Giáp Văn Cương. Ngày đó Đô đốc Giáp Văn Cương nói: “Phải đóng quân để tạo thế liên hoàn trên biển, không thì chúng ta sẽ mất đất”. Với sự nhiệt tình của Đô đốc Giáp Văn Cương, toàn quân, quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ủng hộ ông ấy nên tạo điều kiện để cho Hải quân phát triển cùng với các quân binh chủng khác. Đó là sự phát triển hết sức lớn. Trường Sa ta đang xây dựng được cơ sở vững mạnh.

PV: Xin Thiếu tướng có thể chia sẻ đôi điều về Đô đốc Giáp Văn Cương?

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Năm 1982, tôi về làm tham mưu phó Hải quân. Sau đó, năm 1984, ông Cương về làm Tư lệnh Hải quân. Thời gian đó tôi làm tham mưu phó nên việc tiếp xúc với một tư lệnh như thế khiến tôi học hỏi được ở ông nhiều điều. Có nhiều kỷ niệm và chỉ có thể nói ngắn gọn về ông Cương: “Đó là một con người tài ba”.   

PV: Có ý kiến cho rằng khi có điều kiện kinh tế, chúng ta có thể xây dựng những chiếc cầu nối giữa một số đảo gần nhau để tạo thành thế liên hoàn vững chắc. Chuẩn Đô đốc có ý kiến như thế nào về ý tưởng này?

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Ý tưởng này trong thời điểm hiện tại có vẻ không được hợp lý lắm bởi vì cách đảo cách xa nhau vài chục đến vài trăm cây số. Cả vùng quần đảo Trường Sa có diện tích khoảng 160.000 km2. Đó là con số cực kỳ lớn. Bây giờ, Trường Sa lớn là trung tâm của khu vực quần đảo nên ta có thể phát triển thành một căn cứ cho bộ đội đóng quân, có trường học. Nếu chúng ta có điều kiện thì phát triển sân bay, nuôi trồng thủy sản, làm kho dầu để giúp ngư dân ra khơi xa đánh cá...

PV: Hải quân Việt Nam đã có tàu ngầm. Nhìn lại quãng đường lịch sử phát triển của Hải quân Việt Nam, Chuẩn Đô đốc có cảm xúc như thế nào trong những ngày tháng 3 lịch sử này?

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Việc Đảng, Nhà nước, nhân dân quyết tâm đầu tư cho Hải quân có lực lượng như thế cho thấy rằng đó là quyết tâm rất lớn trong khi kinh tế đất nước chưa phát triển. Chúng ta đã bỏ ra một số tiền không nhỏ để xây dựng một binh chủng đủ sức mạnh để bảo vệ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán ở Biển Đông. Đó là điều hết sức đáng mừng. Đó là sự dũng cảm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta. Nếu chúng ta không có lực lượng tàu ngầm thì dù cho chúng ta có đấu tranh chính trị đến đâu vẫn bị những nước có ý đồ muốn độc chiếm Biển Đông coi thường và sẵn sàng chèn ép, lấn tới.

Như tôi đã có lần chia sẻ, binh chủng tàu ngầm hoạt động dưới nước, do đó, nó có những lợi thế mà các lực lượng khác của Hải quân khó có thể có được. Và với những lợi thế đó, nó gây cho kẻ địch nhiều khó khăn để tìm và diệt nó.

Với tàu ngầm Kilo chúng ta đặt mua, ngoài ngư lôi còn có tên lửa được trang bị trên tàu, có thể đánh xa hàng trăm km. Rõ ràng cánh tay của Hải quân sẽ được vươn dài ra. Cách hoạt động của tàu ngầm rất cơ động, phong phú.

Những lợi thế đó gây cho đối phương hết sức khó khăn và những lực lượng chống lại nó không phải dễ dàng đạt được mục đích. Chính vì vậy, việc Việt Nam đặt mua 6 chiếc tàu ngầm của Nga có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo.

So với thời kỳ đánh Mỹ (giai đoạn 1960 – 1975), bây giờ chúng ta đã mạnh hơn hàng trăm lần. Với năm 1988, chúng ta cũng mạnh hơn hàng chục lần với đầy đủ các binh chủng hải quân.

 

Hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc tàu ngầm Kilo Hà Nội tại Nga khiến nhiều người xúc động
Hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc tàu ngầm Kilo Hà Nội tại Nga khiến nhiều người xúc động

PV: Gần đây đã có nhiều người lo lắng về giới trẻ Việt Nam khi có tình trạng điểm thi lịch sử thì thấp nhưng lại đam mê những ban nhạc  ngoại đến phát cuồng. Và dư luận đã có lý khi đặc biệt lo lắng bởi một số bạn trẻ bày cách cho nhau để trốn nghĩa vụ quân sự. Ông nhận định như thế nào về giới trẻ Việt Nam hiện nay?

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Chúng ta phải hiểu một cách thật khách quan, đi vào tìm hiểu tâm lý của giới trẻ hiện nay. Tác động của xã hội và gia đình với giới trẻ là rất lớn. Tôi nghĩ rằng chưa nên vội kết luận gì về giới trẻ rằng họ không có hoài bão cũng như những quan tâm đến đất nước.

Trong vấn đề học lịch sử, trước hết nhà trường và đặc biệt là bộ môn lịch sử - những người dạy sử phải xem xét lại mình xem có cách truyền đạt nào để cho học sinh có hứng thú trong việc tiếp thu lịch sử, thậm chí phải thay đổi cả phương pháp giảng dạy. Bản thân thanh niên là những người năng động, thích tìm tòi cái mới. Chính vì thế, chúng ta cũng cần xem xét tới việc đưa những phương pháp mới, cách tiếp cận vấn đề mới vào giảng dạy, trong đó có thể có cả việc cho các em đi thực tế để bài học được tiếp thu một cách sâu sắc hơn.

Nhớ lại đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở số 30 Hoàng Diệu, có ai tuyên truyền, ai kêu gọi đâu nhưng trong số người đến viếng có rất nhiều người là thanh niên. Điều đó có nghĩa là không thể đánh giá giới trẻ Việt Nam không hiểu lịch sử.

Còn chuyện về nghĩa vụ, không có xã hội nào nhận được sự ủng hộ 100% của nhân dân đối với chính thể đó. Trong xã hội ta, tuyệt đại đa số nhân dân ủng hộ nhưng cũng có những người chưa ủng hộ. Tôi nghĩ đó là điều hết sức tự nhiên, không có gì lo lắng. Nếu có lo lắng ở đây thì chính là tỷ lệ ủng hộ nhiều hay ít. Đối với chính sách nghĩa vụ quân sự, số thanh niên tự nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự là tuyệt đại đa số. Có thế hệ thanh niên cảm thấy đi bộ đội là vinh dự. Nhưng ngay cả ở thời của tôi – thời sôi nổi nhất sẵn sàng viết đơn ra chiến trường thì vẫn có người trốn nghĩa vụ quân sự.

PV: Để “ngọn lửa” truyền thống được truyền lại một cách liên tục cho các thế hệ sau, Chuẩn đô đốc muốn nhắn nhủ điều gì tới giới trẻ Việt Nam?

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Các bạn trẻ hãy ra sức học tập để tăng sự hiểu biết của mình một cách toàn diện. Mà muốn hiểu biết toàn diện thì phải học và học không ngừng. Thứ hai là rèn luyện sức khỏe, thể lực. Các bạn trẻ hãy xây dựng cho mình hoài bão lớn đó là làm sao cho đất nước Việt Nam lớn mạnh, sánh ngang với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong đợi. Chúng ta hãy nhìn sang Hàn Quốc để học hỏi họ cách phát triển. Tôi thấy cuốn sách “Quốc gia khởi nghiệp” viết về đất nước Israel rất hay, rất đáng để các bạn trẻ đọc và suy ngẫm.

Xin trân trọng cảm ơn Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm!

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại