Tướng Cương, tướng Lương nói về chuyện trách nhiệm tướng Vĩnh nêu

Hoàng Đan |

Tướng Lê Văn Cương và Lê Mã Lương đều cho rằng, đúng như tướng Phan Văn Vĩnh đã nêu việc khám phá thành công vụ thảm án Bình Phước là trách nhiệm của lực lượng công an.

Trách nhiệm của lực lượng công an

Theo Trung tướng Phan Vĩnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục cảnh sát, việc khám phá thành công vụ thảm án ở Bình Phước là trách nhiệm của lực lượng công an, trong đó có lực lượng cảnh sát nhân dân0.

Điều mà vị Tư lệnh cảnh sát mong muốn là không có vụ án xảy ra, chỉ có nụ cười, niềm hạnh phúc của người dân, còn nếu một khi vụ án đã xảy ra thì phải quyết tâm tìm ra thủ phạm.

“Đây không phải là chiến công mà là hoàn thành trách nhiệm. Nhưng đây chỉ là hoàn thành một nửa, niềm vui không trọn vì hương khói vẫn còn, đau đớn vẫn hiện hữu vì gia tộc họ chỉ còn một cháu bé…”, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, trách nhiệm khám phá các vụ án, bảo vệ bình yên của lực lượng công an được tướng Vĩnh nêu ra là hoàn toàn chính xác.

Đồng thời, việc Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trực tiếp xuống hiện trường thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu ngành trong việc đảm bảo an toàn, bình yên cho cuộc sống của người dân.

Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Trưởng ban chuyên án chia sẻ những bí quyết khám phá thành công vụ thảm án ở Bình Phước. Ảnh: CAND.

Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Trưởng ban chuyên án chia sẻ những bí quyết khám phá thành công vụ thảm án ở Bình Phước. Ảnh: CAND.

Theo tướng Cương, so với độ chuyên nghiệp, trang bị của công an các nước như Mỹ, Nhật hay châu Âu thì công an Việt Nam không bằng nhưng chúng ta hơn, khác là ở chỗ công an Việt Nam dựa hẳn vào nhân dân, từ nhân dân mà ra để phòng, chống tội phạm.

"Vụ thảm án ở Bình Phước hay tất cả các vụ trọng án khác mà lực lượng công an khám phá ra nhanh thì một mặt là từ các chiến sỹ công an có trách nhiệm trong việc bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Thứ nữa là công an của ta cũng rất giỏi về nghiệp vụ.

Nhưng quan trọng hơn cả, chính là được người dân ủng hộ và cung cấp các thông tin cần thiết để từ đó lực lượng công an có thể tìm ra đầu mối, phá án, truy bắt tội phạm", tướng Cương cho hay.

Tướng Cương cũng dẫn lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lực lượng công an là "phải dựa vào dân. Dân mà giúp đỡ công an thì sẽ thành công. Nhân dân giúp đỡ nhiều thành công nhiều, giúp đỡ hoàn toàn thì công an thành công hoàn toàn.

Và trong việc điều tra, khám phá vụ án ở Bình Phước đã cho thấy rõ điều đó".

Cùng với đó, tướng Cương cũng bày tỏ, vụ thảm án ở Bình Phước là một vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng nên việc huy động hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ cùng tham gia điều tra thể hiện quyết tâm, trách nhiệm rất cao để nhanh chóng phá vụ án.

"Hơn 20 năm trước đây, vụ án Thanh Nga hay các vụ án lớn, trọng điểm, gây dư luận xã hội xôn xao gần đây chúng ta đều đã huy động rất nhiều lực lượng, địa phương để tham gia phá án.

Khi sử dụng tổng hợp các biện pháp, các nguồn lực, phát động phong trào quần chúng thì vụ án đã nhanh chóng được phá, thủ phạm cũng không thể nào trốn chạy được", tướng Cương nói thêm.

Còn theo Thiếu tướng Lê Mã Lương, trách nhiệm của lực lượng công an là phải đảm bảo được cuộc sống bình yên cho nhân dân, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho xã hội.

"Rõ ràng, việc phá vụ thảm án ở Bình Phước là trách nhiệm chứ không phải chiến công của lực lượng công an.

Bởi lẽ, trách nhiệm của lực lượng công an từ khi ra đời đến nay là nòng nốt trong đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân, đảm bảo an ninh, an toàn cho xã hội", tướng Lương nói.

Toàn dân phòng chống tội phạm

Thêm vào đó, tướng Lương cũng nhìn nhận, đúng là phá án nhanh là niềm vui nhưng, đó là niềm vui không trọn vẹn của lực lượng công an, của người dân, bởi vẫn còn sự mất mát lớn mà gia đình nạn nhân phải chịu đựng.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTXH và các cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường vụ thảm án. Ảnh: Đức Mừng/CAND
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTXH và các cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường vụ thảm án. Ảnh: Đức Mừng/CAND

"Đúng như anh Vĩnh nói, trách nhiệm đó thì lực lượng công an mới hoàn thành một nửa vì hương khói vẫn còn, đau đớn vẫn hiện hữu, gia đình họ chỉ còn một cháu bé...

Qua vụ án này, tôi cũng mong rằng, lực lượng công an cần tăng cường hơn nữa công tác nắm tình hình địa phương cơ sở, xây dựng thế trận toàn dân tham gia bảo vệ, phòng chống tội phạm.

Khi có được sức mạnh tổng hợp toàn dân thì chắc chắn những nỗi đau từ các vụ án này sẽ hạn chế đi dần", tướng Lương chia sẻ.

Tướng Cương cũng cho rằng, qua vụ thảm án ở Bình Phước này, lực lượng công an cần phải đề cao hơn nữa trách nhiệm trong việc đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân và thường xuyên phải nuôi dưỡng tinh thần, trách nhiệm đó.

"Lực lượng công an cũng cần phải tăng cường sự sắc bén hơn nữa trong điều tra tội phạm, nắm chắc luật pháp.

Quan trọng hơn cả là phải gần gũi, tôn trọng nhân dân như 6 điều Bác Hồ đã dạy công an nhân dân. Khi được dân tin, ủng hộ thì công an sẽ nắm chắc được tình hình địa bàn, các đối tượng, vấn đề, vụ việc xảy ra.

Có thể nói rằng, nắm chắc tình hình là điều quan trọng nhất và đầu tiên để khi vụ án nếu có xảy ra thì sẽ nhanh chóng được phá", tướng Cương nhấn mạnh.

Về phía người dân, theo tướng Cương, mọi người không được thờ ơ với tội phạm, dù tội phạm không xảy ra với nhà mình thì cũng phải có trách nhiệm.

"Không nên có kiểu suy nghĩ cháy nhà hàng xóm thì mình bình chân như vại. Mọi người dân cần có ý thức, trách nhiệm trong việc cùng bảo vệ cuộc sống bình yên cho mình.

Nếu có bất cứ thông tin, hiện tượng gì bất thường thì cần phải báo ngay, giúp đỡ cho lực lượng công an để nắm tình hình, có biện pháp kịp thời xử lý, phòng, chống tội phạm", tướng Cương bày tỏ.

Cùng với đó, tướng Cương cũng lấy lại một câu nói của ông Napoleon mang tính vĩnh hằng trong việc phòng chống tội phạm, đó là "thế giới phải chịu sự tàn phá rất lớn vì sự im lặng của những người tốt, chứ không phải do sự tàn phá của kẻ xấu".

"Xã hội nào cũng có người xấu, người tốt nhưng bao giờ người xấu cũng ít hơn người tốt. Tuy nhiên, nếu 100% người tốt mà im lặng trước kẻ xấu là một thảm họa khiến kẻ xấu có thêm cơ hội để hoành hành.

Từ điều này để thấy rõ mỗi người dân cần tích cực tham gia vào việc phòng chống tội phạm. Chỉ có như vậy thì mới có được cuộc sống bình yên", tướng Cương nhấn mạnh thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại