Mưu đồ, thời điểm chiếm Gạc Ma đã được tính kỹ
Đầu tháng 3/1988, các tàu vận tải HQ 604, HQ 605, HQ 505 được lệnh đưa công binh và chiến sĩ ra Trường Sa xây dựng cụm đảo chìm Gạc Ma.
6 giờ sáng ngày 14/3/1988, khi bộ đội Việt Nam đang chuyển vật liệu lên bãi đá Gạc Ma thì quân Trung Quốc đưa tàu chiến đến ngăn cản, lính Trung Quốc xông lên bãi đá cướp cờ, xả súng giết hại các chiến sĩ.
64 chiến sỹ lính hải quân Việt Nam hy sinh, 9 người khác bị bắt làm tù binh.
Tàu HQ 604 neo cạnh bãi Gạc Ma, HQ 605 bảo vệ bãi Len Đao bị bắn chìm. HQ 505 bị bắn cháy phần đuôi đã lao hết tốc lực lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền Cô Lin.
Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao, còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm trái phép từ đó đến nay.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, việc Trung Quốc nổ súng đánh chiếm các đảo ở Trường Sa của Việt Nam là một mưu đồ đã được vạch ra từ lâu và thời điểm cũng đã được lựa chọn.
Tướng Cương đã gọi sự kiện 14/3/1988 là tiếp nối cho sự ngang ngược, phi pháp của Trung Quốc đối với Việt Nam sau sự kiện phát động chiến tranh biên giới xâm lược Việt Nam từ ngày 17/2/1979.
Cũng theo tướng Cương, sau ngày 30/4/1975 thì đến những năm 1987 - 1988 được coi là năm đỉnh điểm khó khăn của Việt Nam khi cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước ngày càng trầm trọng, đời sống người dân khó khăn, tội phạm gia tăng...
Trong quan hệ quốc tế, Liên Xô là nước ủng hộ Việt Nam cũng đang rơi vào tình trạng khủng hoảng về mặt cơ cấu.
Đồng thời, Mỹ đã kết hợp Trung Quốc và chính ông Đặng Tiểu Bình tháng 1/1979 khi sang Washington đã tư nhận là "Nato phương Đông" và tăng cường câu kết với các thế lực để xiết chặt thêm vòng vây bao vây, cấm vận với Việt Nam.
"Chính thời điểm này, Trung Quốc biết được nếu họ có hành động quân sự ở Trường Sa thì Liên Xô cũng không can thiệp được.
Và vì thế, ngày 14/3/1988, Trung Quốc sử dụng vũ lực ra tay đánh chiếm bãi đá Gạc Ma, bắn chìm tàu, giết hại 64 chiến sĩ Việt Nam", tướng Cương nêu rõ.
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cũng khẳng định, thực tế, trước ngày 14/3/1988, Trung Quốc chưa bao giờ có mặt ở Trường Sa.
"Từ đời nhà Thương cho đến trước năm 1988, Trung Quốc chưa bao giờ hiện diện ở Trường Sa. Họ chỉ có mặt sau khi đánh chiếm đảo Gạc Ma và một số đảo chìm khác của chúng ta ở đây.
Và những hành vi này của Trung Quốc là hoàn toàn phạm pháp, vi phạm Hiến chương của Liên Hợp Quốc cũng như Công ước về Luật Biển 1982", tướng Cương nhấn mạnh.
Ông cũng nhắc lại, việc Trung Quốc lựa chọn thời điểm để gây nên trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974 là khi được Mỹ "bật đèn xanh". Sự kiện này có liên quan mật thiết đến chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Mỹ Nixon năm 1972.
"Nếu không có cái bắt tay giữa Mao Trạch Đông và Nixon thì Trung Quốc không dám có hành động đánh chiếm Hoàng Sa vào năm 1974 khi đó do chính quyền Việt Nam cộng hòa kiểm soát.
Mỹ đứng đằng sau quân đội Việt Nam cộng hòa nhưng mối quan hệ lợi ích Mỹ - Trung thời điểm đó lớn hơn nhiều nên họ đã đứng làm ngơ", tướng Cương nhắc lại.
Chọn Gạc Ma với mưu đồ chiếm nhiều đảo khác
Còn nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu cho rằng, sự kiện 14/3/1988 cho thấy, Trung Quốc đã tiếp tục thực hiện mưu đồ "từ không đến có" ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Theo ông Dy, sở dĩ Trung Quốc dùng vũ lực tấn công, đánh chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam bởi lẽ, đảo này có vị trí rất quan trọng nằm gần như giữa Việt Nam và Philippines. Điều này, giúp cho nước này có thể xây dựng một pháo đài.
Gạc Ma nằm ở vị trí phía Tây của quần đảo Trường Sa và là một trong những bãi đá xung yếu.
Chiếm được Gạc Ma sẽ quản lý được vùng biển phía Tây đồng thời tạo gọng kìm nhằm mưu đồ hiện thực hóa đường lưỡi bò 9 đoạn, phi pháp từ đó âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Ông Dy cũng cho rằng, Trung Quốc hiểu rõ, thời điểm đánh Gạc Ma là lúc Việt Nam đang khó khăn trong nước, tình hình quốc tế cũng rất có lợi nên nước này, tập trung lực lượng mạnh tấn công.
Tuy nhiên, Trung Quốc không dám làm ồ ạt mà sẽ "tiến từng bước, vừa làm vừa đo tình hình quốc tế. Nếu có lợi thì đẩy mạnh còn không có lợi thì sẽ im lìm, tập trung xây dựng, cải tạo trái phép các đảo để trở thành việc đã rồi".
Nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Bắc Kinh cũng khẳng định, Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ dã tâm chiếm trọn Biển Đông, trong đó, có quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Vì thế, chúng ta cần phải cảnh giác cao độ, đồng thời, phải tăng cường tiềm lực để phòng vệ khi diễn biến xấu xảy ra.
Còn tướng Lê Văn Cương cũng bày tỏ, sự kiện 14/3/1988 đã một lần nữa cho thấy sự "nói một đằng làm một nẻo" của Trung Quốc. Do đó, chúng ta lúc nào cũng cần phải cảnh giác, hiểu những nhà cầm quyền ở Bắc Kinh.
Việt Nam là láng giềng với Trung Quốc, đó là điều vĩnh viễn không thể thay đổi được nên chúng ta cần phải làm mọi việc để có thể xây dựng mối quan hệ hữu nghị, ổn định nhưng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì không bao giờ thay đổi.
"Chúng ta không được đánh đổi chủ quyền để lấy hữu nghị viển vông, đó là điều, mỗi người Việt Nam cần phải khắc ghi. Và sự kiện 14/3/1988 cũng là điều mà các thế hệ người Việt cần phải nhớ, khắc ghi.
Lịch sử phải khách quan, công bằng và sự hy sinh của các chiến sỹ ở đây, không bao giờ được lãng quên", tướng Cương nhấn mạnh.