Liên quan tới hàng loạt vụ thảm sát xảy ra trong thời gian gần đây, PV đã tìm gặp Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an để lắng nghe những quan điểm của ông về “cội rễ” của những vụ việc đang gây chấn động này.
Chia sẻ với PV, tướng Cương nói: “Chưa bao giờ, xã hội lại phải đón nhận thông tin về các vụ thảm án nhiều như hiện nay. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng đã xảy ra tới 3 vụ thảm sát kinh hoàng cướp đi sinh mạng của mười mấy người”.
Về nguyên nhân, vị tướng Công an nhận định rằng, tuỳ từng vụ việc mà nguyên nhân xuất phát của tội ác là vì tiền – tình hay những mâu thuẫn tưởng chừng vô cùng nhỏ nhặt.
Tướng Cương
Riêng vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng mới xảy ra ở Yên Bái hôm 12/8 vừa qua, thiếu tướng Lê Văn Cương cho biết:
“Dù cơ quan điều tra của Bộ Công an cùng các đơn vị chức năng đã xác định được danh tính của nghi can, nhưng hiện vẫn chưa bắt được đối tượng này. Giả thuyết về mâu thuẫn cá nhân và cướp của giết người vẫn đang là một ẩn số, bởi vẫn đang trong quá trình điều tra”.
Trả lời câu hỏi phải chăng giới trẻ hiện nay đang đứng trước nguy cơ băng hoại và bị “lệch chuẩn” nên mới dẫn tới thực trạng tội ác hoành hành như vậy, tướng Cương trả lời, phải xem xét vấn đề này dưới nhiều góc độ để tìm ra nguyên nhân.
Ông sau đó đưa ra bốn vấn đề lớn mà theo ông đã góp phần làm tội phạm ngày nay càng trở lên "khát máu" và hung hãn.
Thứ nhất là công tác giáo dục ý thức tư tưởng đạo đức cho giới trẻ hiện đang có vấn đề. Mức độ quan tâm về giáo dục con người đang có phần “bị bỏ rơi” hoặc làm chưa tới.
Thứ hai, đó là việc giới trẻ tiếp thu quá nhanh tính bạo lực của các trang mạng, trang web có nội dung bạo lực, thiếu lành mạnh trên internet. Điều này có ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ tới tâm lý “ưa bạo lực” của các em.
Thứ ba, đó là xã hội hiện đang thiếu những tấm gương sáng, nơi quy tụ đạo đức để cho thanh thiếu niên noi theo.
Thứ 4, xuất phát từ điều kiện đời sống gặp khó khăn nên hình thành tâm lý sống buông thả, được chăng hay chớ.
“Trên đây có thể nói là 4 yếu tố gốc rễ đã hình thành nên mô hình hình thành tội phạm. Nếu xử lý tốt, triệt để được tất cả các vấn đề trên thì may ra, trong vòng khoảng gần chục năm nữa xã hội mới biến chuyển tích cực được”, tướng Cương nhấn mạnh.
Hiện trường vụ thảm án ở Yên Bái
Bên cạnh đó, thiếu tướng Lê Văn Cương cũng thừa nhận thêm một điều rất đáng suy ngẫm nữa:
“Thực trạng hiện nay như vậy liệu có phải là mặt trái của quá trình đổi mới đất nước ta theo hướng công nghiệp hóa?
“Ở thời chúng tôi, khi đất nước sau ngày thống nhất còn vô vàn khó khăn nhưng công tác giáo dục đạo đức và ý thức con người rất có hiệu quả. Nạn tham nhũng cũng không nhức nhối như bây giờ, người dân rất tin yêu vào bộ máy công quyền”.
Với tâm huyết của một tướng lĩnh trong ngành Công an, ông bộc bạch:
“Công an luôn là lực lượng chăm lo, gìn giữ an ninh trật tự cho xã hội nhưng không phải chỉ đơn độc hành động.
Mọi yếu tố dẫn tới việc hình thành nên tội phạm như đã phân tích ở trên nếu không có sự vào cuộc quyết liệt, sâu sát của các cấp, ngành thì tội phạm sẽ khó có thể được đẩy lùi.
Napoleon có câu nói rất nổi tiếng, thế giới sẽ phải chịu thiệt hại khủng khiếp do những người tốt không hành động chứ không phải do bàn tay của kẻ xấu phá hoại.
Vì thế, chúng ta một khi đã nhận thức các nguyên nhân trên được rõ ràng thì chỉ còn cách là hành động, chứ không thể mãi yên lặng cho cái ác thắng thế được”.