Hành hung người, tự ý di dời 42 ngôi mộ
Khu mộ tổ tướng là nơi yên nghỉ của Lê triều Tiến phụ Quốc Đại tướng quân, Tào Xuyên hầu Nguyễn tướng quân và Lê triều Đô đốc Đồng chi quận công Nguyễn tướng quân thuộc dòng họ Nguyễn Tất ở Nam Định.
Thế nhưng từ khi có dự án xây dựng khu sản xuất, kinh doanh đồ gỗ của công ty Sơn Lâm, khu mộ đã bị xâm phạm nghiêm trọng.
Cụ thể là chính quyền địa phương đã cho công ty này thuê đất có thời hạn 50 năm và chỉ chừa ra 160m2 đất cho khu mộ của các vị Tổ tướng. Tuy nhiên, trong khi còn đang bàn bạc, thỏa thuận về diện tích tối thiểu của khu cấm địa này thì công ty Sơn Lâm đã cưỡng chế, san lấp mặt bằng và di dời 42 ngôi mộ của dòng tộc Nguyễn Tất đi nơi khác.
Theo phản ảnh của người dân, trong quá trình phá dỡ, khi người của họ Nguyễn Tất đề nghị không được phá hoại khu mộ thì họ đã bị 40 công nhân của công ty Sơn Lâm hành hung.
42 ngôi mộ của dòng họ Nguyễn Tất đã bị tự ý di dời.
Ông Nguyễn Tất Nam kể, có 8 người khi đến gần khu cấm địa của các vị Tổ tướng đã bị đơn vị thi công hành hung. Những người khác bị đe dọa không cho đến khu vực thi công.
Chị Ninh Thị Mai, con dâu của dòng họ Nguyễn Tất cho biết: “Khi thấy mồ mả của dòng họ bị bốc lên mà gia đình không được vào thắp hương, tôi ngăn cản thì bị đánh ngất xỉu, phải đi bệnh viện. Giờ tôi vẫn đang phải điều trị. Những người khác có ý kiến ngăn cản việc phá hoại liền bị họ lao vào đánh. Họ còn dọa sẽ đánh bất kỳ người nào dám có ý kiến”.
“Không dừng lại ở đó, họ còn cho người đến dằn mặt người cao tuổi trong họ. Chúng còn kéo đến nhà người có trách nhiệm đối thoại để đe dọa giết cả họ nhà chúng tôi”, ông Nam cho biết.
Xảy ra trước mắt, quan chức xã vẫn không biết
Trước sự lộng hành, coi thường luân pháp này, theo ôngNam, “chúng tôi đã đến UBND xã Yên Ninh trình báo. Ông chủ tịch xã cáo bận và chỉ đạo phó chủ tịch xã ra yêu cầu ngừng thi công. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn phớt lờ”.
Ông Ninh Khắc Thắng, chủ tịch UBND Yên Ninh, huyện Ý Yên, thừa nhận hôm đó ông bận tuyển quân nên mới giao phó chủ tịch xã ra giải quyết. Ông cũng không biết thông tin có người bị hành hung phải nhập viện.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tất Nam khẳng định đã báo cáo sự việc trên với ông Thắng và có ghi âm lại cuộc trao đổi này.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, công ty Sơn Lâm không chấp hành chỉ đạo của xã, xã cũng không làm gì được vì việc này thuộc thẩm quyền của huyện. Tuy thừa nhận đây là vụ việc nóng, thuộc thẩm quyền của huyện nhưng ông Thắng cũng thừa nhận xã chưa báo cáo vụ việc này lên huyện.
Ông không biết gia tộc Nguyễn Tất có 2 vị tướng có công lao lớn và được sắc phong như vậy.
Bản dich thuật cua nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định khu mộ Tổ tướng đã được sắc phong và bất khả xâm phạm.
Còn ông Nguyễn Tất Nam thì buồn rầu: “Hài cốt của cha ông chúng tôi bị đưa đi nơi khác. Chúng tôi lần theo dấu vết mới tìm được nơi quy tập. Chúng tôi đến đó khai quật lên thì quả nhiên hài cốt đó đang được để trong chiếc tiểu bằng đồng, chiếc quách bằng gỗ quý đã bị đơn vị thi công làm vỡ, thay bằng vật liệu khác. Giờ, chúng tôi chỉ còn biết tiếp tục gửi đơn kêu cứu đi các nơi và cử người canh gác 24/24 đề phòng kẻ gian quật mộ lấy tiểu đồng và đồ vật bên trong”, ông Nam nói.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng thừa nhận xã không có văn bản thông báo cho người dân về việc ai có mồ mả trong khu đất tỉnh giao cho Công ty Sơn Lâm thì đến đăng ký, làm thủ tục đền bù,di dời.
Ông Dương Văn Sơn, giám đốc công ty cổ phần đồ gỗ Cường Thịnh (là chủ đầu tư dự án của Công ty Sơn Lâm) cho rằng ông chỉ làm theo bản đồ quy hoạch, cũng như sổ đỏ về phần đất mà công ty được cấp. Chúng tôi đâu có phá dỡ khu mộ đâu, khu vực gần khu mộ tổ cùng các nấm mộ chúng tôi đâu dám phá. Chỉ san lấp các khu không có mộ, làm gì vi phạm quyết định giao đất của tỉnh Nam Định.
Trên thực tế, công ty Sơn Lâm đã di chuyển 42 ngôi mộ từ khu nghĩa trang của dòng họ Nguyễn Tất ra nơi mới, trong đó có một ngôi thuộc hàng tổ của dòng họ này (ảnh kèm theo) nhưng trả lời báo chí, ông Sơn cho biết, ‘chỉ dời tầm 12 đến 13 ngôi mộ".
Về thông tin đánh 8 người của dòng họ Nguyết Tất, trong đó có 1 người phải nhập viện,ông Sơn cho rằng: “Có cãi vã, chỉ là đùn đẩy nhau chứ không đánh”.
Cả họ nhẫn nhịn chờ cứu xét
Ông Nguyễn Tất Kháng, đại diện gia tộc Nguyễn Tất cho biết: “Gần đây, để đề phòng kẻ xấu khai quật lấy đi vật giá trị chôn kèm nên vị trí mộ chôn 2 danh tướng và các vị tổ tông càng được giữ bí mật. Khu cấm địa này rộng 900m2 (trước đây vua cấp mỗi chiều 30 bước dài) mà chính quyền và công ty Sơn Lâm chỉ dành cho họ tộc chúng tôi 160 m là không thỏa đáng. Chúng tôi đồng ý di dời mộ ở ngoài khu cấm địa, chỉ xin giữ lại khu cấm địa nhưng nói họ không nghe, hậu quả là 42 ngôi mộ đã bị đơn vị thi công bốc đi".
Bà Mai bị một số đối tượng đe dọa hành hung.
Theo ông Kháng, ở khu nghĩa trang cũ của dòng họ Nguyễn Tất, tính từ thế kỷ thứ 10 đến ngày 30/4/1975 (sau giải phóng), có hơn 60 người chôn rải rác quanh 7 vị thuộc hàng tổ, trong đó có 2 vị tướng được sắc phong. Tổng cộng khoảng hơn 70 ngôi mộ.
Còn vấn đề số lượng mộ mà ông Sơn nói, chỉ có 12 đến 13 ngôi đã nói không đúng. Ông Kháng đã dẫn các phóng viên đến khu mà công ty Sơn Lâm tập kết, thì ở đây có tới 42 nấm mộ, trong đó có một ngôi có tiểu bằng đồng. Sợ có tráo đổi hoặc khai quật để lấy đồ vật giá trị, dòng họ đã cắt cử người ngày đêm trong giữ.
“Chúng tôi đã mời chính quyền xã ra làm chứng mộ của dòng họ Nguyễn Tất đã bị tự ý đưa về đây và trong đó có mộ tổ này để sau đưa đó cụ tổ về vị trí dòng họ đã chọn. Nhưng chính quyền xã không đến mà bảo đó là trách nhiệm của công ty Sơn Lâm. Cả họ chúng tôi liên tục bị đe dọa nên không dám động đến Công ty này", ông Kháng nói.
Theo ông, từ khi mồ mả của dòng họ bị đào xới, tự ý di dời, cả họ đứng ngồi không yên, đi gõ cửa cầu cứu khắp nơi từ xã đến tỉnh nhưng chưa một nơi nào lên tiếng giải quyết.
Theo lời dịch bản Thần tích, ông cao tổ của dòng họ Nguyễn Tất là Nguyễn Tất Tố (913-984) là tùy tướng phục trách thủy quân trong nước của Ngô Quyền và đã là người góp phần làn lên chiến thắng Bạch Đằng năm 938.
Sau đó Đô đốc Nguyễn Tất Tố (còn có tên là đô đốc Kiên, Nguyễn Hải…) còn lãnh nhiều trọng trách khác nhau phù thế hệ vua đời nhà Ngô, Đinh, Lê cùng các tướng lĩnh khác dẹp loạn 12 xứ quân, đánh tan giặc Tống…
Cuối đời, ông về an nghỉ và mất tại quê nhà. Triều đình nhà Lê đã tổ chức tang lễ theo nghi thức Đại thần.
Đương thời, vua Lê đã thân chinh đến thăm viếng lăng mộ ông và ban cho một đặc ân là cấm phạm địa bàn khu lăng mộ.
Cũng theo bản dịch của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đến thời hậu Lê, chắt viễn của Nguyễn Tất Tố Nguyễn Tất Khang (1674 – 1754) cũng lập đại công. Sau khi dẹp giặc Minh ở biên giới và phiến loạn trong nước, Quả nghị tướng quân Nguyễn tất Khang được phong vượt bậc 5 cấp lên Đặc tiến phụ quốc đại tướng quân, tước Tào Xuyên Hầu.
Khi mất, ông được tổ chức tang lễ theo nghi thức đại thần, nhân dân huyện Phong Doanh (khu vực Ý Yên ngày nay) tôn làm Phúc thần. Một số cây cầu như cầu Tào (Ý Yên), cầu Tào Xuyên (Thanh Hóa) chính là được đặt từ tên ông.
Tại khu nghĩa trang ven sông Sắt của dòng họ Nguyễn Tất tại thôn Ninh Xá (xã Yên Ninh, huyện Ý Yên) còn có mộ phần của ông Nguyễn Tất Vạn (1830 – 1891) được vua Tự Đức giao phụ trách 1 bang trong nước, tên là Quan Bang. Ông Vạn mất trong một vụ tai nạn khi đang chỉ huy luyện quân chống Pháp.