Trong không khí của mùa xuân tràn ngập yêu thương ấy, tối 25/2, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đội ngũ làm việc trong nghề y cả nước đã có một đêm thật ấn tượng và đáng tự hào.
Đêm nghệ thuật tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam và Lễ trao giải Cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ II do báo Sức khỏe&Đời sống tổ chức đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm, khó quên.
Một tiết mục trong Đêm nghệ thuật tôn vinh thầy thuốc Việt Nam và Lễ trao giải Cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ II. Ảnh: Trần Minh
Trong cái se lạnh của đêm xuân những ngày đầu năm, nhưng ở trong Nhà hát Lớn, sự ấm cúng lan tỏa khắp hội trường, bởi đêm nay là đêm của sự tôn vinh, đêm của sự trân trọng trước những cống hiến, những hy sinh thầm lặng của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam trên mọi miền đất nước, như lời phát biểu khai mạc của TTƯT, nhà thơ Trần Sĩ Tuấn, Tổng Biên tập báo Sức khỏe&Đời sống - Trưởng Ban tổ chức cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ II: “Với trách nhiệm và lòng kính trọng trước đội ngũ thầy thuốc Việt Nam cũng như mong muốn của bạn đọc, Cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ II được báo SK&ĐS tổ chức với sự ủng hộ, động viên và chỉ đạo sâu sát của TTND.PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế”.
Đồng chí Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao giải thưởng cho tác giả đoạt giải Nhất cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ II. Ảnh: ĐA
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tặng Kỷ niệm chương cho ông NguyễnHoàng Tuyến, GĐ Công ty TNHHTM DP Hoàng Khang - Nhà tài trợ cuộc thi và ông Ngô Chí Dũng, Tổng GĐ Công ty CP DP ECO - Nhà tài trợ chương trình. Ảnh: TM
Theo Tổng Biên tập Trần Sĩ Tuấn, so với cuộc thi lần thứ I, cuộc thi lần này được phát động từ tháng 10/2011 - 10/2012 đã nhận được sự tham gia đông đảo và rộng rãi hơn với nội dung phản ánh phong phú, đa dạng với hơn 700 tác phẩm được gửi về.
Nhiều tác giả đã hòa mình vào môi trường khắc nghiệt cùng người thầy thuốc, có người tìm đến trạm y tế ở miền núi hiểm trở, có người ra tận đảo Thuyền Chài ở Trường Sa, có người lên tận Đồn biên phòng Leng Su Sìn - nơi cực Tây của Tổ quốc... nên trong nhiều bài viết đã phát hiện ra những nguyên mẫu nhân vật rất cảm động.
Nhiều thầy thuốc - điều kiện, hoàn cảnh sống còn hết sức khó khăn, nhưng với họ - chữa bệnh cứu người là nghĩa vụ thiêng liêng nên âm thầm cống hiến, âm thầm phục vụ mà không tính toán thiệt hơn.
Có người bị tai nạn nghề nghiệp mắc bệnh hiểm nghèo vô tình liên lụy tới người thân nhưng trong nỗi đau đớn tận cùng thì phẩm chất của người thầy thuốc vẫn ngời sáng. Có người thầy thuốc chấp nhận sống xa gia đình gần 20 năm trời “cắm bản” để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào... và còn rất nhiều hình ảnh về tình yêu thương và lòng nhân ái của các thầy thuốc với người bệnh được khắc họa dưới ngòi bút của các tác giả.
Những người thầy thuốc đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách nghiệt ngã của cuộc sống bằng tấm lòng yêu thương, sự nhẫn nại, tận tụy chăm sóc người bệnh... Vì thế, giá trị lớn nhất của cuộc thi là đem đến cho con người niềm tin vào điều thiện, vào cuộc sống khi tâm hồn đang bị xói mòn bởi những thông tin, những định kiến, những ám ảnh nặng nề về những điều không hay trước các hiện tượng tiêu cực của xã hội.
“Sự hy sinh thầm lặng” là một thông điệp giúp xã hội nhìn nhận công tâm hơn nữa về những người thầy thuốc. Nó vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa soi sáng những điều tốt đẹp bị che khuất của ngành y, vừa góp phần khôi phục những phẩm chất cao đẹp của dân tộc như tình thương, sự hy sinh, lòng vị tha, nhân ái...
Cũng trong buổi lễ trang trọng ấm áp và thấm đượm nghĩa tình ấy, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, TTND.PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế xúc động cho biết, qua cuộc thi này những tấm gương hy sinh thầm lặng của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam lại được xuất hiện.
Tuy nhiên, đây chỉ là những con số ít ỏi trong rất nhiều tấm gương của các thầy thuốc Việt Nam đang có mặt trên mọi miền đất nước. Qua cuộc thi này cũng đã thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với nghề y bằng sự nhiệt tình của các nhà văn, nhà báo và bạn đọc bám sát y tế để phát hiện và đóng góp vì một nền y tế cách mạng của dân và vì dân.
Hy vọng những tấm gương thầy thuốc tiêu biểu, những sự hy sinh thầm lặng của thầy thuốc Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều hơn nữa để nhân dân hiểu thầy thuốc hơn và y tế Việt Nam thực sự đồng hành cùng dân tộc.
Tổng Biên tập báo SK&ĐS Trần Sĩ Tuấn và Nhà báo Hữu Thọ trao giải thưởng cho tác giả đoạt giải Ba cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ II . Ảnh: TM
Các nhân vật giao lưu tại chương trình. Ảnh: TM
Rất nhiều khán giả truyền hình cũng như những người có mặt tại khán phòng Nhà hát Lớn đã lặng người khi những hình ảnh người bác sĩ trẻ ở Trại giam Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh - Đại úy, bác sĩ Nguyễn Quang Ánh.
Hình ảnh đôi bàn chân anh vội vàng bước đi và tay xách vali lên đơn vị cùng với ánh mắt trong veo của con, ánh mắt buồn buồn của vợ sau làn khói hương cứ ám ảnh người xem về số phận của một gia đình người thầy thuốc tận tâm với nghề, với đời.
Những giọt nước mắt cố kìm nén để chảy vào trong nhưng dường như lại trào ngược mạnh mẽ hơn, để rồi anh bảo, anh sợ những lần trở về ấy sẽ là lần cuối, sợ cả tiếng khóc của con mỗi lần anh đi...
BS. Nguyễn Quang Ánh bị lây nhiễm HIV từ bệnh nhân trong những lần anh chăm sóc mà không biết, chỉ đến khi người vợ sinh con gái đầu lòng mới phát hiện ra. Hạnh phúc chưa kịp mỉm cười thì chị đã ra đi vì chịu một cú sốc quá lớn để con mất mẹ, chồng mất vợ...
Nén lại những đau thương, anh đã tâm niệm, mỗi ngày sống của anh là mỗi ngày cống hiến vì người bệnh...
Tác giả Phạm Vân Anh đã ví anh như “cây dó bầu biết dồn nhựa sống biến nỗi đau thành trầm thơm, như loài trai ngoài biển khơi chắt huyết biến vết thương thành ngọc quý. Anh giành giật sự sống hằng ngày không phải chỉ cho chính mình mà còn vì người khác. Anh đang lặng lẽ dành những tháng ngày cuối cùng của đời mình để chăm sóc sức khỏe và sinh mạng của người khác...” .
Khi những cảm xúc khâm phục BS. Ánh còn chưa nguôi, người xem lại một lần nữa lặng người về hình ảnh của gia đình BS. Phạm Đức Giầu, người mà khi lưỡi dao của kẻ thủ ác vung lên, anh vẫn đang tận tâm với nhiệm vụ cứu người.
Ngay sau khi nghe tin BS. Giầu ra đi, thay mặt những người làm y tế cả nước, người đứng đầu ngành y, TTND.PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn lãnh đạo Bộ Y tế đã đến thắp hương chia buồn với người đồng nghiệp và gia đình.
Hơn một năm sau cái chết của anh, vẫn còn đó những nỗi buồn tang tóc hằn trên dáng xiêu vẹo của người mẹ già hằng ngày vẫn mỏi mòn ngóng con mỗi buổi chiều tắt nắng. Vẫn còn đó, nỗi đau như thắt lại khi người vợ ngồi thẫn thờ xếp lại từng chiếc áo của chồng...
Cũng qua cuộc thi này, công chúng hiểu rõ hơn về những khó khăn, vất vả mà khó nói hết bằng lời của những y bác sĩ ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, hải đảo mà họ hằng ngày phải đối mặt, phải vượt qua.
BS. Triệu Văn Dân đã gần 20 năm chấp nhận sống xa gia đình, một mình bên bếp lửa giữa núi rừng Việt Bắc lặng lẽ học tập bằng kiến thức ít ỏi của mình để cống hiến cho quê hương, chữa bệnh cho đồng bào...
Sự hy sinh của BS. Giầu, BS. Ánh, BS. Dân và còn rất nhiều bác sĩ khác mà xã hội chưa kịp phát hiện ra chẳng phải là những góc khuất của người thầy thuốc rất cần phải chia sẻ và cảm thông sâu sắc của cộng đồng?!
Cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” không chỉ đem đến cho công chúng những bài tình ca được viết nên bằng máu, mà bài tình ca đó còn được viết bằng những giọt mồ hôi rơi trong đêm lặng lẽ, bằng sự nhọc nhằn và bằng những trái tim khát khao chinh phục những đỉnh cao y học...
Đó là hình ảnh của GS.TS. Bùi Đức Phú, Giám đốc BVĐK TW Huế, chấp nhận rời đất Pháp mộng mơ với những điều kiện kinh tế, kỹ thuật hiện đại tiên tiến để trở về phục vụ đất nước, phục vụ quê hương bằng vốn kiến thức mà mình đã học được.
Có thể, ở đất Pháp, ông sẽ có điều kiện để phát huy hơn nữa bởi đó là đất nước có nền y học phát triển và kỹ thuật hiện đại hơn nhưng ông đã trở về Việt Nam và cống hiến cho nền y học nước nhà...
Còn PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức, đơn vị đầu ngành của ngoại khoa xúc động chia sẻ, chính những bài viết từ cuộc thi đã phát hiện ra nhiều tấm gương người thầy thuốc đang ngày đêm thầm lặng hy sinh cứu người. Điều đó đã động viên ông và đồng nghiệp rất nhiều, góp thêm động lực để cống hiến nhiều hơn nữa.
Ai đó đã nói rằng, cái tốt có thể không để lại ấn tượng lâu hơn cái đau đớn, tiếc nuối thì với ngành y điều đó không sai. Những người làm trong ngành y tế thường hay phải gánh chịu những ấn tượng ấy nhiều nhất, họ luôn phải vất vả, luôn đứng trước những thách thức lớn lao. Bởi ngành y là liên quan đến sinh mạng của con người...
Tất nhiên, trong khuôn khổ một đêm không thể nói hết những hy sinh, những nhọc nhằn mà đội ngũ y, bác sĩ hằng ngày vẫn phải vượt qua. Đó chỉ là phần rất khiêm tốn của những trầm tích chưa được khám phá hết...
Những người thầy thuốc rất cần xã hội, cộng đồng cùng chung tay chia sẻ và hơn hết là cái nhìn công bằng, không định kiến...
Nhà báo lão thành Hữu Thọ - hai lần làm Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cuộc thi đã nói, cuộc thi lần này đã phát hiện ra nhiều tấm gương xuất sắc hơn nữa về đội ngũ y, bác sĩ trên cả nước với những bài viết chất lượng hơn... Điều đó làm cho ông cảm thấy niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống...!
Đêm chung kết trao giải “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ II do báo Sức khỏe&Đời sống tổ chức khép lại nhưng dư âm cũng như ấn tượng mà nó để lại còn lắng đọng mãi trong lòng mọi người.
Lễ trao giải đã thành công tốt đẹp, từ đây, sẽ tiếp tục mở ra những tín hiệu tốt lành cho cuộc thi tiếp theo. Nhưng thành công lớn hơn cả, cuộc thi đã đem đến cho mọi người niềm tin vào cuộc sống, góp phần tôn vinh những tấm gương thầy thuốc tiêu biểu, những sự hy sinh thầm lặng của thầy thuốc Việt Nam, để nhân dân hiểu thầy thuốc hơn và y tế Việt Nam thực sự đồng hành cùng dân tộc.