Từ chuyện săn hổ bảo vệ sản xuất
Cụ ông Trần Kim Liêu năm nay 88 tuổi ở xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình trông vẫn quắc thước, nhanh nhẹn. Theo cụ Liêu, quê gốc của cụ ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam vốn cũng là vùng rừng núi.
“Thời trẻ, tôi làm ở Tỉnh đội Hà Nam. Năm 1953, khi đó chưa tròn 30 tuổi, tôi theo sự phân công của tổ chức và lên Hòa Bình xây dựng căn cứ địa cách mạng. Cuộc đời rẽ sang hướng khác và gắn liền với núi rừng này từ đó” – cụ Liêu kể về duyên trở thành người Hòa Bình của mình.
Tấm hình được vẽ năm cụ Liêu 31 tuổi.
Theo cụ Liêu, những năm đầu cụ đặt chân lên thôn Dốc Yểng này, dân cư còn thưa thớt, cả xóm chưa tới chục nóc nhà. Rừng núi thì hoang vu, có nhiều loài thú dữ như hổ vằn, báo, gấu. Người dân ở đây sống dựa vào rừng.
“Nhiều hổ dữ vào bản bắt trâu, bò, gà lợn của dân, thậm chí còn tấn công cả người. Cuối năm 1953, tôi chế tạo một chiếc bẫy chuyên bắt thú dữ như hổ, gấu.
Thời gian đó, xã Đồng Tâm đã xin cấp trên để thành lập ban săn bắt thú dữ bảo vệ sản xuất với khoảng 10 thành viên, tôi được cử làm trưởng ban.
Việc săn hổ dữ khi đó không chỉ để bảo vệ sản xuất mà còn là để bảo vệ người dân, đảm bảo sự an toàn cho bộ đội hành quân qua đây lên Điện Biên” – ông Liêu kể.
Tới việc trở thành “Vua săn hổ”
“Trong suốt 21 năm làm nghề thợ săn, tôi cùng những người trong ban bảo vệ đã săn được 53 con hổ, số báo, gấu thì không nhớ hết.
Hết đặt bẫy, săn ở các tỉnh ở Tây Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, tôi và mọi người được mời vào miền Trung như Thanh Hóa - Hà Tĩnh. Thời ấy, hổ dữ là tai họa của người dân” – cụ Liêu trầm ngâm.
Người đàn ông râu, tóc đã bạc trắng như cước chợt im lặng, nhìn chăm chăm vào cánh rừng ngút ngàn trước mặt. Cụ tâm sự rằng, thời mình săn hổ để bảo vệ mùa màng, bảo vệ người dân chứ không như bây giờ.
Cụ Liêu nay thành người bảo vệ rừng, đi "giải cứu" thú sập bẫy những người thợ săn.
“Tôi nhớ như in vào cuối năm 1953, khi đi săn con hổ thứ 3 thì gặp nạn. Đó là ở Thung Gia. Người dân ở đây nói có đôi vợ chồng hổ dữ lắm. Tôi cùng hai người trong thôn lên kế hoạch tiêu diệt đôi hổ dữ này.
Theo dấu chân của đôi hổ vài ngày, tôi cùng mọi người giăng 5 chiếc bẫy tại thung lũng. Sáng sớm ấy, tổ thợ săn đi kiểm tra bẫy thì phát hiện chúng sập bẫy. Con đầu tiên là con hổ vằn đực” – cụ Liêu kể về con hổ bị sa bẫy.
Sau khi bắt được con hổ đầu tiên, cụ Liêu cùng mọi người đi kiểm tra các bẫy tiếp theo phát hiện có chuyện lạ. Mồi săn đã bị “trộm” mất.
“Lần theo dấu chân, tôi và mọi người theo vào tới vách núi gần đó. Nhưng vì cây cối rậm rạp, lại chẳng có đèn pin như bây giờ nên không nhìn vào được sâu bên trong. Tôi chỉ nghe tiếng khè khè thở yếu ớt nên nghĩ đó là con gấu.
Tôi liền đi vào trong hang. Vừa vào được một đoạn, tôi liền bị một con hổ lao ra tấn công. Theo phản xạ, tôi né người, tránh được cú tát của hổ. Tôi nhanh chân chui vào hốc đá trước mặt trốn thoát.
Vồ trượt con mồi, hổ tiếp tục quay ngược trở lại tấn công. Vừa lúc ấy, con hổ không may tiếp tục dính chân vào chiếc bẫy gần đó” – cụ Liêu thuật lại.
Thấy con hổ bị dính bẫy, cụ Liêu chạy về mượn súng của tỉnh đội. “Sau khi hạ gục hổ, tôi ra kiểm tra xác mới hoảng hồn phát hiện đó cũng là một con hổ vằn đực trưởng thành, to gấp đôi con bị hạ gục lúc trước, trọng lượng của con hổ này có lẽ phải hơn hai tạ.
Có gần chục người mới khênh được hổ xuống núi. Đó là một trong những con hổ to nhất mà tôi từng săn được. Sau khi đưa hổ về cho bà con dân làng, tôi bị sốt cao, không ăn uống được gì mất hơn một tuần” – lời người thợ săn.
Với cụ Liêu, “thành tích” săn hổ thời đó chẳng có gì đáng kể. Cụ tâm sự rằng, nếu không phải vì hổ dữ tấn công cuộc sống bình yên của người dân thì có lẽ sẽ không có chuyện đi săn.
“Ngày đó, chẳng có chuyện cấm đoán, chẳng có ai mua bán hổ như bây giờ. Khi săn được hổ, tôi và mọi người mang về bản cho người dân mổ thịt, chia nhau. Tôi rất buồn vì nay hổ đã chẳng còn” – cụ Liêu giọng trầm buồn tâm sự.
Kỳ 2: Từ vua săn hổ thành người gác rừng