Trường Sa 1988: Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản ứng như thế nào?

Hoàng Đan |

Theo cựu Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh, ngay sau khi sự kiện ngày 14/3/1988 xảy ra, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có thư phản đối mạnh mẽ gửi đến Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Hàng loạt tuyên bố phản đối Trung Quốc của Bộ Ngoại giao năm 1988

Trong câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc giai đoạn 1974 - 1987 dù đã ở tuổi 101 nhưng những ký ức về sự kiện Trường Sa 1988 vẫn in đậm trong ông.

Theo tướng Vĩnh, việc Trung Quốc nổ súng tấn công, chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma của Việt Nam ngày 14/3/1988 là một sự toan tính, âm mưu lâu dài của nước này sau khi tấn công, cưỡng chiếm phi pháp quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974.

"Thực tế, trước năm 1974 thì Trung Quốc không hề có mặt trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nhưng với âm mưu nhằm độc chiếm Biển Đông, thực hiện đường lưỡi bò phi pháp, họ đã dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974.

Đến năm 1988, lợi dụng tình hình quốc tế và Việt Nam, họ đã tiếp tục đưa quân, tàu chiến tấn công, chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma cùng một số đảo khác ở Trường Sa của chúng ta.

Sự kiện ngày 14/3/1988 cho thấy rõ mưu đồ, bản chất, chủ nghĩa bành chướng Đại Hán của nước này", tướng Vĩnh nói.

Theo lời kể của tướng Vĩnh, ông nhận được thông tin về việc Trung Quốc nổ súng tấn công, bắn chìm tàu hải quân của chúng ta ngay trong ngày 14/3/1988 từ trong nước báo sang.

Và cũng trong ngày hôm đó, Bộ Ngoại giao chúng ta cũng đã có tuyên bố nêu rõ sự phản đối mạnh mẽ trước hành động ngang ngược, sử dụng vũ lực này của Trung Quốc.

Ảnh chụp trang báo Nhân dân ngày số ra ngày 15/03/1988 (Ảnh Nguyễn Đình Quân)
Ảnh chụp trang báo Nhân dân ngày số ra ngày 15/03/1988 (Ảnh Nguyễn Đình Quân)

Tuyên bố nêu rõ: “Sáng này 14-3-1988, các tàu chiến của Trung Quốc đang hoạt động trái phép ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã ngang nhiên nổ súng vào hai tàu vận tải của Việt Nam đang hoạt động bình thường ở bãi đá ngầm Gạc Ma thuộc khu đảo Sinh Tồn.

Tàu của ta đã buộc phải nổ súng để tự vệ. Trong khi đó họ lại đổi trắng thay đen vu cáo tàu của Việt Nam khiêu khích vũ trang tàu chiến của Trung Quốc.

Mọi người đều biết từ tháng 1-1998 đến nay, Trung Quốc đã không ngừng cho nhiều tàu chiến xâm nhập và khiêu khích quân sự ở các bãi đá ngầm Chữ Thập, Châu Viên và một số bãi đá ngầm khác ở khu vực đảo Sinh Tồn, trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bất chấp sự phản đối của Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và sự lo ngại của dư luận trên thế giới, trước hết là của các nước Đông - Nam Á.

Hành động trắng trợn nói trên bộc lộ rõ dã tâm của nhà cầm quyền Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng an ninh của Việt Nam.

Phá hoại hòa bình ổn định và xu thế đối thoại ở Đông – Nam Á, thực hiện mưu đồ bành trướng ở biển Đông.

Nhân dân và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam vô cùng phẫn nộ và kiên quyết lên án hành động khiêu khích quân sự của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyển của mình đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa.

Nhà cầm quyền Trung Quốc phải chấm dứt ngay các hành động khiêu khích quân sự, rút ngay các tàu chiến của họ ra khỏi vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Họ phải chịu hoàn tòan trách nhiệm về mọi hậu quả do hành động khiêu khích quân sự của họ gây ra…”

Công hàm đăng trên báo Hà Nội Mới ra ngày 16/03/1988
Công hàm đăng trên báo Hà Nội Mới ra ngày 16/03/1988

Sang ngày 15/3/1988, theo tướng Vĩnh, Bộ Ngoại giao ta tiếp tục gửi công hàm phản đối tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho tàu chiến bắn vào tàu vận tải Việt Nam.

Công hàm nêu rõ: “Sau các hành động vi phạm chủ quyền và lãnh thổ của Việt Nam từ tháng 1.1988 ở hai bãi đá Chữ Thập và Châu Viên.

Gần đây nhất, hôm 14/3/1988, nhà cầm quyềnTrung Quốc đã đưa nhiều tàu chiến khiêu khích và nổ súng nhằm vào các tàu của Việt Nam ở bãi san hô Gạc Ma gần đảo Sinh Tồn.

Các tàu chiến Trung Quốc, trong khi đang hoạt động trái phép cũng ngăn cản các hoạt động bình thường của tàu Việt Nam tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và vùng biển quốc tế.

Những điều nêu trong công hàm ngày 14/3/1988 của Bộ Ngoại giao Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là hoàn toàn đổi trắng thay đen.

Tuyên bố ngày 14 tháng 3 năm 1988 của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã vạch rõ và nghiêm khắc lên án những hành động sai trái của phía Trung Quốc…".

Phía Việt Nam yêu cầu: “Phía Trung Quốc phải ngay lập tức chấm dứt tất cả các hành động khiêu khích vũ trang và rút tàu chiến của mình khỏi vùng biển ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trung Quốc sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với các hậu quả từ hành động khiêu khích vũ trang của mình”.

Đến ngày 16/3/1988, Bộ Ngoại giao tiếp tục có thư gửi lên Liên Hợp Quốc cùng với công hàm gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối sự kiện Gạc Ma ngày 14/3.

Cũng theo tướng Vĩnh, cùng với các tuyên bố, công hàm phản đối mạnh mẽ của Bộ Ngoại giao trong nước, là Đại sứ ở Trung Quốc, trong các cuộc gặp Đại sứ một số nước khác ông cũng nêu rõ quan điểm của Việt Nam lên án hành động của Bắc Kinh.

Đồng thời, khi một số phóng viên các báo chí nước ngoài phỏng vấn, ông cũng trả lời rõ ràng về vấn đề này.

"Có thể khẳng định, ngay khi sự kiện 14/3/1988 xảy ra, Chính phủ, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng rất mạnh mẽ, phản đối hành động ngang ngược, phi pháp của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Và khi Trung Quốc có những thông tin sai trái thì chúng ta cũng tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ phản đối.

Chính điều này, sau đó, đã giúp một số nước thấy rõ âm mưu, bộ mặt thật của Trung Quốc nên có những quan điểm, tuyên bố ủng hộ Việt Nam, phản đối Trung Quốc", tướng Vĩnh nói thêm.

Liên Hợp Quốc bác thông tin sai của Trung Quốc

Cũng trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cũng cho biết thêm một thông tin, đó là:

Ngay sau ngày 14/3/1988, phía Trung Quốc đã đưa ra thông tin cho rằng, khi các tàu của họ đang bỏ neo để yểm trợ cho một nhóm nghiên cứu thăm dò mỏ dầu ở đây thì Hải quân Việt Nam nổ súng tấn công, vì thế hải quân Trung Quốc "bắt buộc phải tự vệ".

Khi hạm đội Trung Quốc di chuyển tới Quần đảo Trường Sa, Trung Quốc lấy danh nghĩa đưa phái đoàn khoa học Liên Hiệp Quốc đi khảo sát và Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rất tiếc là biến cố đã xảy ra.

"Tuy nhiên, sau đó, thông qua người phát ngôn của Tổng thư ký, Liên Hợp Quốc đã khẳng định là không hề có tàu của Liên Hợp Quốc tổ chức khảo sát khoa học ở Trường Sa vào tháng 3/1988.

Như vậy, đã có thể thấy rõ, bộ mặt ngang ngược, sai trái của Trung Quốc, có thể nói là đã "lấy thịt đè người" lại còn muốn lấy tay che cả mặt trời", tướng Cương nêu rõ.

Dưới họng súng của Trung Quốc, chiến sỹ hải quân Việt Nam đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho chủ quyền của Tổ quốc.
Dưới họng súng của Trung Quốc, chiến sỹ hải quân Việt Nam đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho chủ quyền của Tổ quốc.

Còn ông Dương Danh Dy, khi sự kiện 14/3/1988 xảy ra đang là Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh cũng nhớ lại, vào thời điểm đó, không chỉ có báo chí trong nước, mà nhiều báo chí nước ngoài cũng lên tiếng mạnh mẽ phản đối Trung Quốc.

Theo ông Dy, vào các ngày sau đó, hãng tin AFP của Pháp, Thời báo Ấn Độ và một số tờ báo Thụy Điển, thậm chí Mỹ... cũng đã có những bài viết, tít bài nêu rõ hành động ngang ngược, mưu đồ, tham vọng ở Biển Đông của Trung Quốc.

"Rõ ràng, sự kiện 14/3/1988 đã cho thấy rõ ràng hơn âm mưu, thủ đoạn nhằm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc và đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, giết hại cán bộ, chiến sỹ hải quân nhân dân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.

Chúng ta cần phải tuyên truyền để người dân thấy rõ hơn về sự kiện này để từ đó, giáo dục về truyền thống yêu nước, chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ của Tổ quốc", ông Dy nhấn mạnh thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại