Gia cảnh khốn khó của người lính Gạc Ma trên Tây Nguyên

Thành Công |

Những ngày cuối tháng 3 lịch sử, chúng tôi trở về thăm gia đình anh Trương Văn Hiền (48 tuổi), ngụ tại xã Hoà Thắng, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Anh từng là lính tàu HQ 604 trong trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Thoát chết giữa trùng khơi

Anh Hiền hiện đang làm nghề phụ hồ, hái cà phê thuê… Căn bệnh thoát vị đế đệm lại tra tấn thể xác chị Bùi Thị Phương (45 tuổi - vợ anh Hiền) buộc anh Hiền phải bỏ việc ở nhà chăm sóc.

“Bà xã mới uống xong thuốc an thần. Mấy năm nay, bà ấy bệnh tật, buộc tôi thường xuyên bỏ bê công việc ở nhà chăm nom”, anh Hiền cho biết.

“Lén” cơn đau của vợ trong giấc ngủ, anh Hiền chia sẻ những ký ức không bao giờ quên về trận hải chiến năm 1988.

Cựu chiến binh Trương Văn Hiền bị gãy sườn bên phải.
Cựu chiến binh Trương Văn Hiền bị gãy sườn bên phải.

Anh Hiền quê gốc ở xã Hương Phong, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Năm 1986, đang học dang dở lớp 9, anh Hiền viết đơn tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự và được phân về Bộ tư lệnh Hải quân, đơn vị đóng tại Hải Phòng, có nhiệm vụ khảo sát biển.

Sau 2 năm huấn luyện, anh Hiền và đồng đội có chuyến thực địa đầu tiên tại quần đảo Trường Sa.

“Ngày 11.3.1988, nhận lệnh tôi và đồng đội ở tàu HQ 604 đi khảo sát tại đảo chìm Gạc Ma. Ngày 13.3.1988 chúng tôi tiếp cận được bãi đá.

6h sáng 14.3.1988, chúng tôi được chỉ huy tàu hạ lệnh đi khảo sát, rồi vận chuyển vật liệu xây dựng xây đảo. Trên tàu và dưới đảo có rất nhiều lính công binh và lính thực tập…

Ngày hôm đó là thời điểm cuối cùng tôi chứng kiến 64 đồng đội trên cõi đời”, anh Hiền bùi ngùi kể.

“Việc xây đảo được tiến hành đúng kế hoạch, khoảng 7h sáng cùng ngày, Trung Quốc thả nhiều xuồng nhôm chở nhiều lính có vũ trang tiếp cận bãi đá Gạc Ma để khiêu khích.

Lính Trung Quốc xông vào bẻ gãy cờ, nhưng bị anh em đấu tranh giành lại.

Một lúc sau chúng quay lại tàu chiến, rồi nã đạn pháo cỡ 37 li vào đồng đội trên tay không một tấc sắt. Tàu chiến Trung Quốc tiếp tục bắn đạn pháo vào tàu HQ 604, HQ 505.

Riêng HQ 604 chỉ cầm cự được một thời gian ngắn rồi chìm vào đại dương. Tôi bị đạn pháo làm gãy tay trái và một xương sườn bên phải”, anh Hiền nhớ lại.

Anh Hiền khi còn phục vụ tại hải quân (ảnh chụp từ năm 1988).
Anh Hiền khi còn phục vụ tại hải quân (ảnh chụp từ năm 1988).
Anh Hiền (hàng dưới ngoài cùng bên trái) và đồng đội (ảnh chụp năm 1986).
Anh Hiền (hàng dưới ngoài cùng bên trái) và đồng đội (ảnh chụp năm 1986).

“Tàu chìm, tôi và một số anh em bám vào khúc gỗ trôi lênh đênh trên biển. Đến chiều tối, tôi được vớt lên tàu khu trục.

Trên boong tàu có 8 đồng đội cũng bị bắt, bị lính Trung Quốc trói, bịt mặt rồi dùng báng súng AK đánh mạnh vào đầu, tay, chân…

Tôi bất tỉnh, khi mở mắt thấy đang được cấp cứu ở bệnh viện tỉnh Quảng Đông. Sau 15 ngày chữa bệnh, chúng tôi được đưa về trại giam tách biệt”, anh Hiền kể.

Anh Hiền tiếp tục câu chuyện: “Hằng ngày anh em đều bị lính Trung Quốc hỏi cung, dùng gậy cao su đánh mạnh vào đầu, bụng, chân tay để hỏi bí mật về những căn cứ quân sự.

Chúng tôi trả lời, chúng tôi đang là lính thực tập nên không biết gì. Mỗi bữa ăn chúng tôi chỉ được cho một ổ bánh mì nhỏ không ruột và một bát nước gạo.

Cứ như vậy suốt 4 năm trời, thực đơn của 9 tù binh Việt Nam không có gì thay đổi”.

Gia cảnh khốn khó

Sau trận hải chiến 1988, những tưởng anh Hiền đã hy sinh, gia đình anh Hiền ở Hà Tĩnh nhận giấy báo tử, lập bàn thờ để thờ cúng.

Năm 1991, anh Hiền và đồng đội được trả về nước, an dưỡng tại Quảng Ninh và được giám định với tỉ lệ thương tật 12%. Năm 1992, anh Hiền vào Đắk Lắk lập nghiệp. Năm 1995, anh lập gia đình.

Anh Hiền chăm sóc người vợ bệnh tật.
Anh Hiền chăm sóc người vợ bệnh tật.

Do không có việc làm ổn định, anh Hiền phải làm nhiều công việc khác nhau từ phụ hồ đến hái thuê cà phê…

Thời gian gần đây, vợ anh mang bệnh, tiền thuốc men, chi tiêu hằng ngày phụ thuộc vào sức khoẻ của anh Hiền.

“Cần 60 đến 70 triệu đồng mới chữa được bệnh của cô Phương. Dù nhà mới, nhưng chỉ được hỗ trợ một phần nhỏ chi phí.

Hiện giờ gia đình chú Hiền còn nợ anh em những 120 triệu”, một người hàng xóm cho biết.

“Tôi đi kiến nghị được giám định lại thương tật, nhưng về phía Ban chỉ huy Thành đội, Phòng Chính sách Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh trả lời, họ chỉ giám định một lần.

Tuổi tôi ngày một nhiều, sức khoẻ dần yếu đi, giảm thị lực. Mỗi khi trời đổi gió là toàn thân đau buốt”, anh Hiền nói.

Ngay sau khi UBND xã Hoà Thắng có công văn đề nghị xem xét trường hợp của anh Trương Văn Hiền, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB-XH) Đắk Lắk đã có công văn số 1096/SLĐTBXH-NCC gửi Cục Người có công (Bộ LĐ-TB-XH) đề nghị giải quyết chế độ đối với người tham gia bảo vệ Tổ quốc tại đảo Gạc Ma - Trường Sa.

“Nếu căn cứ vào Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9.4.2013 của Chính phủ thì ông Hiền không đủ điều kiện giám định lại thương tật.

Tuy nhiên, đây là trường hợp đặc thù, nên lãnh đạo Sở đã gửi công văn đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết.

Cục Người có công trả lời bằng công văn, chỉ đồng ý giải quyết chế độ cho người hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày, với mức hưởng 791 nghìn đồng/tháng”, bà Lê Thị Mỹ - Phó phòng Người có công, Sở LĐ-TB-XH Đắk Lắk - cho biết.

Bà Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch UBND xã Hoà Thắng - cho biết, anh Hiền là cựu binh hải quân bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988, nên cứ đến đến ngày truyền thống của dân tộc, Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3), Ngày giải phóng miền Nam (30.4), Ngày giải phóng thành phố Buôn Ma Thuột (10.3) đều mời anh đến hội trường xã giao lưu với người dân.

Anh Hiền hiện đang nhận chế độ trợ cấp cho người bị tù đày, với mức 791 nghìn đồng/tháng bắt đầu từ tháng 9.2015.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại