Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan vì gặp sự cố?

Y. Dương (Tổng hợp) |

(Soha.vn) - "Vị trí ban đầu của việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 có thể có nhiều khả năng về kỹ thuật không phù hợp nên Trung Quốc tiếp tục di chuyển giàn khoan"...

Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam bắt đầu dịch chuyển từ ngày 23/5 cho đến hết ngày 26/5. Sau đó, giàn khoan này lại tiếp tục dời vị trí, với sự trợ giúp của hai tàu kéo vào 5h30 ngày 27/5.

Tính đến chiều 27/5, Trung Quốc đã neo giàn khoan tại vị trí có tọa độ cách đảo Tri Tôn về hướng Đông Đông Nam 25 hải lý, cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng Đông Đông Bắc. Nghĩa là vẫn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Ông Lê Trí Thành, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên dịch vụ và khảo sát công trình ngầm PTSC (PTSC G&S, thuộc Tổng công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí PTSC) nhận định trên báo Tuổi Trẻ, về mặt kỹ thuật có thể Trung Quốc gặp sự cố trong khi khoan và “thật ra việc này trong khoan, thăm dò dầu khí là bình thường”.

Vị này cũng cho rằng, độ sâu khoảng 1.160m ở vùng biển mà Trung Quốc đang hạ đặt giàn khoan trái phép thì công nghệ hiện đại trên thế giới hiện tại phải ít nhất một tháng mới khoan được. Trên thế giới hiện chỉ có 7 giàn khoan khoan được ở độ sâu như trên.

Đồng nhận định, ông Hoàng Bá Cường, Giám đốc Công ty Điều hành thăm dò khai thác dầu khí trong nước (PVEP-POC, thuộc Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí VN - PVEP) cho biết, vị trí ban đầu của việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 có thể có nhiều khả năng về kỹ thuật không phù hợp nên Trung Quốc tiếp tục di chuyển giàn khoan để hạ đặt trái phép. Chẳng hạn như vị trí ban đầu nhiều bùn, độ bùn ngập sâu quá hoặc đáy biển chưa phù hợp, hay có thể có dấu hiệu của khí nông nên không dám làm, không thể đặt được thiết bị đầu giếng.

Theo thông tin trên tờ Tiền Phong, Công ty Dịch vụ Giếng dầu Trung Quốc (COSL) thông báo, giàn khoan Hải Dương 981 đã hoàn tất giai đoạn đầu. Công ty này còn nói thêm đã thu thập được dữ liệu địa chất từ hoạt động khoan dầu của giàn khoan Hải Dương 981, nhưng không nói rõ vị trí hiện tại của giàn khoan.

Báo Người quan sát (Thượng Hải, Trung Quốc) đưa tin: “Hải Dương 981 đã di chuyển vào ngày 27/5, để bắt đầu công việc của giai đoạn 2. Lần tác nghiệp khoan thăm dò này dự tính sẽ kết thúc vào trung tuần tháng 8”.

Trong một diễn biến khác, hôm 27/5, đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã triệu đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối về việc nhiều tàu cá của Việt Nam đã bị các tàu của Trung Quốc liên tục khống chế, xua đuổi, gây thiệt hại về tài sản.

Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển của Việt Nam. (Ảnh: Báo Đà Nẵng)

VOV đưa tin, Trung Quốc vẫn duy trì số lượng tàu hoạt động với cường độ cao hơn, đồng thời có sự hoạt động của 2 máy bay quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981. Tàu quân sự Trung Quốc đã tăng cường hoạt động áp sát các tàu Kiểm ngư và thường xuyên có hành động mở bạt che súng và chĩa súng vào các tàu Kiểm ngư Việt Nam khi tới gần. Không dừng ở đó, tàu Trung Quốc còn có hành động cản trở, ngăn chặn các tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển Việt Nam trong quá trình cứu hộ tàu cá bị chìm tại khu vực giàn khoan. Mặc dù tình hình trên biển diễn biến phức tạp nhưng tinh thần các Kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư vẫn rất tốt và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngư dân Việt Nam vẫn hăng hái tham gia bám biển, sản xuất trên khu vực.

Cũng trong ngày 27/5, trong khi di chuyển giàn khoan, 2 tàu chiến và 2 máy bay của Trung Quốc đã vây ép các tàu Kiểm ngư Việt Nam, tàu Cảnh sát biển Việt Nam, ép lực lượng của chúng ta phải quay tàu về hướng Tây.

>> Bị phun vòi rồng trong đêm, 3 cảnh sát biển bị thương

(Nguồn: VTV1)

 

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại