Trưng hình người bán dâm không che mặt: Chẳng khác nào "án tử"?

Hoàng Đan |

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, nếu còn công khai hình ảnh của người cô gái bán dâm đơn thuần lên báo thì chẳng khác gì một "bản án chung thân", thậm chí là "tử hình".

>> Những hình ảnh "khủng khiếp" nhất dịp 30/4
>> Lương y Phùng Tuấn Giang: "Tôi đã chữa hơn 5.000 người ung thư"
>> Phạm nhân chuyển giới không dám tắm vì "sợ bị nhìn vòng 1"

Không công khai hình ảnh của gái bán dâm

Hình ảnh của không ít cô gái trong các đường dây bán dâm bị triệt phá trong thời gian qua được đăng công khai mà không làm mờ mặt trên nhiều trang báo đã gây ra nhiều tranh cãi.

Nhiều ý kiến cho rằng, không nên đăng như vậy vì bán dâm không phải là tội, nhưng không ít người nói “cứ đăng” với quan điểm "đã có gan làm thì có gan chịu".

Trao đổi xung quanh vấn đề này, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng VP Luật Interla (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhấn mạnh, việc đưa công khai những hình ảnh các cô gái có hành vi bán dâm đơn thuần lên báo là không được.

"Dù với bất cứ lý do nào thì cũng không nên đưa hình ảnh các cô gái có hành vi bán dâm đơn thuần lên báo khi họ không bị xử lý hình sự, bị đưa ra xét xử công khai...

Bởi họ vẫn là con người, cần cho họ cơ hội để sửa chữa, làm lại cuộc đời được tốt hơn", luật sư Hòe nói.

Đồng thời, theo luật sư Hòe, tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định 51/2002 đã quy định, báo chí không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó.

(Trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, (…), những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án).

 
Luật sư Trương Quốc Hòe
  Báo chí nếu đưa hình ảnh người bán dâm đơn thuần lên báo thì chỉ có thể trích dẫn các văn bản của cơ quan chức năng, ảnh mang tính chất minh họa và không được để nguyên mà phải xóa, làm mờ mặt.

Còn theo Điểm e, Khoản 2, Điều 8 Nghị định 159/2013 thì báo chí không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nên "mở rộng cửa" (?)

Còn luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VP Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, hiện pháp luật không quy định việc công khai danh tính của người bán dâm cũng như người mua dâm là một biện pháp hành chính để răn đe, phòng ngừa.

Đồng thời, khi lấy ý kiến vào Dự thảo Luật Phòng chống mại dâm, vấn đề công khai danh tính của người mua dâm và người bán dâm đã được đưa ra thảo luận, tuy nhiên, vẫn chưa được Quốc hội thông qua.

Hiện theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì người bán dâm không còn bị đưa vào cơ sở chữa bệnh hoặc được giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà chỉ bị xử phạt hành chính (phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng…).

Ảnh minh họa: Nguồn: Pháp luật TPHCM.

Ảnh minh họa: Pháp luật TPHCM.

"Chỉ những trường hợp vừa bán dâm vừa môi giới hoặc chứa mại dâm thì mới bị xử lý hình sự.

Khi bị xử lý hình sự thì vụ án có thể bị xét xử lưu động, công khai.. thậm chí có thể công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để truyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và để răn đe, phòng ngừa chung", luật sư Cường nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Cường, đối với những trường hợp người bán dâm chỉ đơn thuần là nạn nhân của những vụ mua bán phụ nữ, bị lừa, bị hoàn cảnh xô đẩy… thì khác.

Bản thân họ không mong muốn thực hiện hành vi bán dâm, họ không phạm tội chứa mại dâm, môi giới mại dâm thì không nên đưa hình công khai danh tính cụ thể của họ trên báo cho đến khi có những quy định cụ thể.

 
 
Với những trường hợp này thì cần “mở rộng cửa” để đón nhận họ trở về với “đời thường”, tránh để họ có những bi quan, mặc cảm để trượt sâu vào con đường tội lỗi. Với quy định pháp luật hiện nay thì người bán dâm vẫn chỉ được coi như nạn nhân, là bệnh xã hội cần được điều trị, cứu giúp. Nhiều khi những thành kiến, định kiến của xã hội còn ghê gớm hơn chế tài hành chính hoặc hình sự. Nếu còn công khai hình ảnh của họ lên báo thì chẳng khác gì một "bản án chung thân", thậm chí là "tử hình"...

Thêm vào đó, theo vị luật sư này, việc đấu tranh với mại dâm là câu chuyện còn nhiều nan giải, để đấu tranh có hiệu quả thì cần loại bỏ nguyên nhân, điều kiện phát sinh hiện tượng mại dâm như: Nhu cầu mua dâm, môi trường dễ xảy ra mua bán dâm...

Đồng thời, cần xử lý nghiêm khắc hơn với người mua dâm và những đối tượng chứa mại dâm, môi giới mại dâm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại