Trở thành giám đốc sau 4 lần bị bệnh viện trả về

Thiên Di |

Chưa một ngày đến trường, bị bại liệt và chỉ cử động được hai ngón tay nhưng anh Nguyễn Quốc Toàn (SN 1979, Phú Thọ) trở thành giám đốc công ty thiết bị máy tính.

Khi chúng tôi liên hệ phỏng vấn, anh Nguyễn Quốc Toàn (35 tuổi, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) khiêm tốn: "Mình không có gì đáng viết, còn nhiều người giỏi hơn như vậy”. Sau khi thuyết phục, chúng tôi tới thăm cơ sở Công ty TNHH Thương mại NQT do anh làm chủ.

Để có cơ ngơi như ngày hôm nay, chàng trai 7X này đã phải “nằm gai nếm mật” nhiều năm, nỗ lực vượt qua số phận éo le, áp lực từ xã hội. Câu chuyện về người giám đốc nặng 30 cân này bắt đầu từ “máu” kinh doanh của một cậu bé 12 tuổi bị bại liệt, không được đến trường.

Cơ ngơi của anh Nguyễn Quốc Toàn ở thị xã Phú Thọ.
Cơ ngơi của anh Nguyễn Quốc Toàn ở thị xã Phú Thọ.

 “Ông chủ” kinh doanh từ 12 tuổi  

Khi sinh ra, Toàn là cậu bé bình thường như bao người khác. Nhưng lên 11 tháng tuổi, anh bị sốt cao phải cấp cứu ở bệnh viện. Theo lời kể của bố mẹ, lúc ấy các bác sỹ đều lắc đầu xác định không thể sống sót. Bệnh viện trả về nhà nhưng điều kỳ diệu xảy ra khi cậu vẫn sống, chân tay cậu teo tóp lại, bại liệt và mất sức lao động 100%.

Thương con, bố mẹ dồn tiền đưa con đi khắp nơi cứu chữa, hết bệnh viện này đến các thầy lang trong vùng, hễ ai mách là bế con đi. Anh Toàn so sánh căn bệnh của mình giống như “cơn bão” đi qua để lại sự đổ nát, hoang tàn và chẳng thể phục hồi được.

Nghẹn ngào khi kể lại kỷ niệm lúc 5 tuổi, anh rưng rưng: “Mới đây bố mới kể câu chuyện này, tôi thấy rùng mình. Chuyện thế này, thời ấy nghe có ông lang ở Thanh Sơn (Phú Thọ) chữa bách bệnh, bố một tay bế tôi, một tay đi xe đạp đến đó. Dọc đường gặp con suối lớn, chẳng may hai bố con cùng chiếc xe đạp ngã nhào xuống. Lúc đó một người đã ném cây tre cho bố bám lên bờ nhưng còn chiếc xe đạp thì trôi mất”.

Nhà nghèo, cạn kiệt tài sản, bố mẹ dần mất hết hy vọng cứu chữa khỏi cho mình. Nhắc lại tuổi thơ, anh Toàn kể: “Thiệt thòi lớn nhất của tôi là không được đi học nhưng tôi đọc rất nhiều sách mượn từ một người hàng xóm. Sau này, chính vì tình yêu với sách, truyện nên tôi cũng tự mày mò học hỏi cách sửa máy tính, lắp đặt và mở công ty này”.

Giám đốc Nguyễn Quốc Toàn tự mày mò tháo lắp máy tính và mở ra công ty TNHH Thương Mại NQT.
Giám đốc Nguyễn Quốc Toàn tự mày mò tháo lắp máy tính và mở ra công ty TNHH Thương Mại NQT.

"Máu” kinh doanh bắt nguồn từ lần mẹ cậu bị chảy máu dạ dày. Vì không có tiền nên mẹ chịu đau rất lâu mới đến được bệnh viện cấp cứu. “Chỉ vì không có tiền mà mình suýt mất mẹ” – đó là động lực phải kiếm thật nhiều tiền thôi thúc trong đầu của cậu bé 12 tuổi.

Đồng tiền lãi đầu tiên khi “kinh doanh” của anh chỉ 1000 đồng khi mua và bán lại chiếc đồng hồ của người bạn. Năm 14 tuổi anh thuê “đàn em” (anh dí dỏm kể xưa mình làm “đại ca” trong xóm) đi mượn truyện cửa hàng để về cho bạn khác thuê với giá cao hơn. Thấy số tiền lời không được bao nhiêu, cậu tìm hiểu cách làm giàu khác từ bàn bi – a.

“2 ngày tôi ngồi ở quán bi-a, không phải nhìn họ chơi mà nhìn ông chủ thu tiền. Mình thắc mắc làm thế nào để được như thế. Sau đó mình về xin bố mua bàn bi-a để kinh doanh, ông gạt phắt đi nói nếu mua thì sẽ từ tôi. Nhưng bằng mưu mẹo, tôi có nó trong tay và sau 3 tháng tôi hoàn lại vốn đưa cho bố mẹ”, anh Toàn kể lại.

Đến năm 17 tuổi, anh lóe ý tưởng kinh doanh trò chơi trên máy tính. Hợp tác với một người bạn học bách khoa, anh đầu tư mua 6 chiếc máy về lắp đặt. Sau 6 tháng, con số ấy nhân lên thành 20 máy với khoản thu nhập 700 – 800 nghìn đồng/ngày.

Chỉ với hai ngón tay cử động được, anh “sao chép” vào bộ não những thao tác sửa máy tính từ người bạn, đọc các tài liệu trên mạng, mày mò tự lắp đặt thiết bị thậm chí nhiều lần “quên ăn quên ngủ” một mình nhốt trên phòng để tháo lắp. Sau một thời gian, anh trở thành “anh hùng công nghệ thông tin” nức tiếng trong vùng, nhiều người mang máy tính đến tận nơi hoặc chở anh đến công ty, nhà riêng để sửa.

Mặc dù chỉ 30 cân, hai ngón tay cử động được nhưng hàng ngày anh Toàn điều hành, giao tiếp với khách hàng kinh doanh.

Mặc dù chỉ 30 cân, hai ngón tay cử động được nhưng hàng ngày anh Toàn vẫn điều hành, giao tiếp với khách hàng.

Năm 2006, anh thành lập Trung tâm Tin học NQT. Đến năm 2007, anh quyết định thành lập Công ty TNHH Thương mại NQT chuyên đào tạo tin học, cài đặt phần mềm, bán thiết bị và bảo hành, sửa chữa vi tính. Hiện nay, doanh thu khoảng 3 tỷđồng/năm và tạo công ăn việc làm cho 5 thợ chính là người khuyết tật với mức thu nhập ổn định 3-5 triệu đồng/tháng.

Tình yêu cổ tích đời thường

Cuộc nói chuyện bị đứt quãng khi cô con gái nhỏ 3 tuổi Hoàng An của anh đòi trèo lên xe lăn để thơm bố. Anh Toàn nhìn con âu yếm nói nựng: “Con gái bố hôm nay ngoan thế!”. Anh cúi xuống, dùng 2 ngón tay đẩy người thấp hơn và thơm nhẹ vào má con.

Bé Hoàng An (3 tuổi) lém lỉnh với bố.
Bé Hoàng An (3 tuổi) lém lỉnh với bố.

Anh kể tiếp, vợ anh tên Phương (tên thật là Lỳ Hà Sừ) sinh năm 1991, là người dân tộc Hà Nhì ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu…Năm 2010, chị xuống ĐH Hùng Vương học, anh quen chị qua lần xuống thăm cửa hàng. Thương cô sinh viên người dân tộc ở một mình xa nhà, anh giúp đỡ. Sau một thời gian tâm sự, hai người đồng cảm và thương hoàn cảnh của nhau nên có một đứa con chung.

Đối với anh Toàn, vợ và cô con gái nhỏ là niềm hạnh phúc nhất của anh.
Đối với anh Toàn, vợ và cô con gái nhỏ là niềm hạnh phúc nhất của anh.

“Sau gần 4 năm sống với nhau, mỗi ngày ở bên mình là một sự hy sinh lớn của cô ấy. Vợ mình đã vượt qua được áp lực từ gia đình, từ xã hội dám lấy một người như mình. Chính vì thế nếu ngày nào đó cô ấy có rời xa thì mình cũng không trách, oán giận mà còn cảm ơn vì cô ấy sẽ bớt khổ hơn” - anh Toàn nghẹn ngào tâm sự.

Chia sẻ mong muốn của mình, anh Toàn bộc bạch: “Trước đây có nhiều hoài bão cháy bỏng lắm. Nhưng giờ mình có gia đình, chỉ mong có sức khỏe tốt để chăm sóc, mang lại cuộc sống no đủ cho vợ và cô con gái nhỏ. Mình vẫn sẽ nỗ lực hết mình để mang lại thu nhập ổn định cho các anh em trong công ty”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại